Các thiết bị di động ngày nay không chỉ là công nghệ đột phá trong ngành viễn thông, mà còn cả với ngành tài chính.
Trên đường phố, công xưởng, văn phòng, công ty hay trường học, người ta có thể sử dụng điện thoại, máy tính bảng để thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Tăng số lượng
Ý tưởng sử dụng thiết bị di động để kết nối giữa ngân hàng và khách hàng ngày càng phổ biến hơn. Có thể nói, đây là một công cụ quan trọng giúp các ngân hàng giữ chân khách hàng của mình. Còn khách hàng cũng được hưởng lợi từ một kênh giao dịch mới mẻ, hiện đại và không kém phần tiện lợi.
Theo đó, không cần phải bước chân vào chi nhánh, hay phải cần một máy tính để bàn có kết nối wifi, khách hàng chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng kết nối 3G là có thể thực hiện các giao dịch tài chính trên tài khoản thanh toán mà mình đã đăng ký với ngân hàng.
Tất nhiên các ngân hàng cũng được hưởng lợi trong việc phát triển kênh giao dịch hiện đại này, nhờ tiết kiệm chi phí giao dịch. Theo báo cáo Mobile Banking năm 2015 của KPMG, kênh Mobile giúp tiết kiệm đến 43 lần so với một chi nhánh, 13 lần so với call center, 13 lần so với ATM và 2 lần so với kênh online (tức Internet Banking).
Hơn nữa, các thiết bị di động này cũng là vật sở hữu của từng cá nhân. Với những ngân hàng bán lẻ, thì việc phát triển kênh giao dịch trên nền tảng di động cá nhân chắc chắn là cần thiết và là chuyện phải làm.
Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi thấy kênh Mobile Banking phát triển như vũ bão trên thế giới trong thời gian qua, mặc dù ra đời sau Internet Banking. Theo báo cáo của KPMG, Mobile là kênh phát triển mạnh mẽ nhất trong số các kênh giao dịch phổ biến của ngân hàng, tỉ lệ số hộ sử dụng năm 2010 là 14% đã lên đến 41% năm 2013.
Ở Việt Nam, sự phát triển này cũng tương tự, vì công nghệ và thiết bị di động đang liên tục được cập nhật và sử dụng tương ứng như ở nước ngoài. Ra đời vào khoảng năm 2010, tính đến cuối năm 2014, đã có 32 ngân hàng triển khai dịch vụ Mobile Banking (trong khi Internet Banking là 42 ngân hàng). Các tiện ích mới, đơn giản và thuận tiện đã thu hút nhiều khách hàng giao dịch. Theo Smartlink khi đó, có 3 triệu khách hàng và tốc độ tăng trung bình hàng năm là khoảng 20-30%.
Ở Việt Nam là sự phát triển của kênh giao dịch mới này gặp 2 yếu tố hỗ trợ quan trọng. Thứ nhất là lượng thiết bị di động, bao gồm cả điện thoại và máy tính bảng gia tăng lên rất nhanh trong vài năm trở lại đây. Thứ hai, chính là hệ thống kế nối internet không dây (từ 3G của các nhà mạng) cho phép người dân giữ các thiết bị của mình trực tuyến 24/24, miễn là nơi đó có sóng viễn thông.
Tăng tiện ích
Có thể nói, thị trường Mobile Banking hiện cũng đang bùng nổ với sự tham gia của hầu hết các ngân hàng. Nhưng theo sau sự bùng nổ về số lượng tài khoản, số lượng dịch vụ là bước đi mới của các ngân hàng nội địa trong cuộc chơi gia tăng thêm tiện ích cho khách hàng để thu hút người dùng.
Khi mới ra đời, các dịch vụ của Mobile Banking khá đơn giản, chẳng hạn như truy vấn thông tin về tài khoản, dò tìm địa điểm các chi nhánh ngân hàng, ATM… hay nạp tiền điện thoại. Theo thời gian, chức năng của Mobile Banking cũng được nâng cấp dần lên, chẳng hạn như chuyển tiền giữa các tài khoản trong cùng hệ thống hay khác hệ thống, thanh toán các hóa đơn, dịch vụ mua sắm khác, kể cả kết nối với kênh chứng khoán, cung cấp và hỗ trợ các thông tin tài chính, kinh tế đơn giản,…
Tất nhiên, vì phát triển trước nên hiện nay các chức năng của kênh Internet Banking vẫn phong phú và đa dạng hơn Mobile Banking. Tuy nhiên, một xu hướng tất yếu là những sản phẩm trên kênh Mobile Banking sẽ đồng nhất với các kênh bán hàng khác. Theo đó, một sản phẩm được cung cấp tại chi nhánh thì đồng thời cũng có mặt trên Internet Banking lẫn Mobile Banking.
Một ví dụ mới nhất là trường hợp của Ngân hàng TMCP Bản Việt, hồi giữa tháng 8 vừa qua, ngân hàng này giới thiệu phiên bản ứng dụng Mobile Banking mới cập nhật nhiều chức năng hơn. Có nhiều sự đổi mới đã được thực hiện, nhưng đáng kể nhất là chức năng chuyển tiền nhanh 24/7.
Với chức năng này, khách hàng có thể chuyển khoản ngoài hệ thống (chỉ áp dụng với 11 ngân hàng liên minh trong BanknetVN: Saccombank, BIDV, ABBank,… ) vào bất kì lúc nào, kể cả nửa đêm, thứ 7 hay chủ nhật và thậm chí là các ngày lễ tết. Tiền sẽ đến tài khoản người nhận ngay lập tức khi giao dịch thực hiện thành công.
Trên thực tế, chức năng này là một trong những dịch vụ quan trọng mà BanknetVN – đơn vị phụ trách chuyển mạch tài chính quốc gia (trước là Smartlink, nay đã hợp nhất với BanknetVN và đổi tên) hợp tác với các ngân hàng triển khai trong thời gian qua. Những ngân hàng nằm trong liên minh BanknetVN sẽ nhận được giá trị tăng thêm này. Chức năng này đã xuất hiện khá nhiều trên Internet Banking, nhưng trên kênh Mobile Banking thì vẫn còn hiếm hoi.
Ngoài ra, còn có các tính năng hữu ích khác như: Chuyển khoản trong hệ thống từ số tài khoản qua thẻ; quản lý danh sách người thụ hưởng; nạp tiền điện thoại nhanh cho chủ tài khoản và cho số điện thoại trong danh bạ; hiển thị lãi suất tiền gửi, tỷ giá ngay cả khi khách hàng không kết nối internet; tự động định vị vị trí của khách hàng và hướng dẫn đoạn đường gần nhất đến các điểm giao dịch, ATM, điểm khuyến mãi của Viet Capital Bank, lọc thông minh lịch sử giao dịch theo từng tuần, từng tháng…
Có thể nói, Mobile Banking không còn là hướng đi mới và chuyện đưa các tiện ích mới lên cũng là chuyện nằm trong tầm tay của các ngân hàng. Tuy nhiên, cái mà các ngân hàng cần vượt qua là giải quyết tâm lý lo ngại về tính bảo mật của ứng dụng và gia tăng sự tự tin khi giao dịch của khách hàng. Đó là 2 rào cản lớn nhất theo khảo sát của KPMG với các ngân hàng bán lẻ trên thế giới.
Dù vậy, các ngân hàng bán lẻ vẫn hết sức tin tưởng vào tương lai của kênh giao dịch tiện lợi này. Theo khảo sát của tờ The Economist (năm 2014), có đến 82% ngân hàng bán lẻ trên thế giới đồng ý rằng trong 5 năm tới các thiết bị di động sẽ trở thành kênh giao dịch chính cho những người trẻ, là khách hàng tiềm năng của các ngân hàng.