Giữa cây xanh và sự phát triển của các thành phố luôn có một mối liên hệ mật thiết. Điều này đã được khẳng định trong nhiều cuốn sách.
Cây xanh luôn giữ một vai trò thiết yếu trong tiến trình phát triển của con người, đặc biệt là sự hình thành của các thành phố lớn. Theo đó, cây cối không chỉ làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái.
Điều này đã được khẳng định trong nhiều tác phẩm. Mỗi cuốn sách đều tiếp cận thế giới cây xanh từ một góc độ riêng chẳng hạn câu chuyện truyền cảm hứng, dấu hiệu sinh học, nhiếp ảnh sinh học…
The man who planted trees (Jim Robbins)
Cuốn sách The man who planted trees (Jim Robbins). Ảnh: Amazon. |
The man who planted trees của tác giả Jim Robbins kể về hành trình phi thường của David Milarch, một người chăm sóc cây ở Michigan, người đã có tầm nhìn cứu Trái đất bằng cách nhân bản những cây cổ thụ mạnh mẽ nhất.
Câu chuyện này không chỉ gợi mở những hiểu biết mới về cây cối, mà còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của cây xanh trong việc bảo vệ sự sống. Theo hiểu biết của David Milarch, cây không chỉ lọc nước, không khí mà còn làm mát đô thị, giảm hiệu ứng đảo nhiệt và cải thiện chất lượng sống cho con người. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc bảo vệ và trồng thêm cây xanh ở đô thị trở thành một nhiệm vụ sống còn cho tương lai.
————————————
Finding the mother tree (Suzanne Simard)
Cuốn sách Finding the mother tree của tác giả Suzanne Simard. Ảnh: Amazon. |
Cuốn sách Finding the mother tree của Suzanne Simard đã mô tả rừng như một hệ sinh thái phức tạp, kết nối qua các mạng lưới ngầm. Simard khám phá cách cây cối không chỉ cạnh tranh mà còn hợp tác, chia sẻ tài nguyên và cảnh báo lẫn nhau về nguy hiểm.
Những “cây mẹ” đóng vai trò trung tâm trong việc nuôi dưỡng và duy trì sự sống của các cây xung quanh, giúp duy trì cân bằng sinh thái.
Cây mẹ có thể hiểu là những cây lâu năm, phát triển mạnh và sâu, có khả năng cung cấp dinh dưỡng cho các cây con xung quanh. Thông qua hệ thống rễ và mạng lưới nấm, cây mẹ truyền các chất dinh dưỡng và nước đến cây non, giúp chúng phát triển mạnh mẽ hơn trong những giai đoạn đầu đời.
Với bộ rễ chắc khỏe, cây mẹ giúp cố định đất, ngăn chặn xói mòn và duy trì độ phì nhiêu của đất. Đồng thời, cây mẹ cũng điều chỉnh dòng chảy nước mưa, giúp giảm lũ lụt và bảo tồn nguồn nước ngầm, điều rất quan trọng để duy trì sự sống của toàn bộ hệ sinh thái.
——————————————————-
To speak for the trees (Diana Beresford-Kroeger)
Cuốn sách To speak for the trees của nhà khoa học Diana Beresford-Kroeger. Ảnh: Amazon. |
Diana Beresford-Kroeger là một nhà thực vật học và hóa sinh y học nổi tiếng thế giới. Trong các tác phẩm, nhà khoa học Beresford-Kroeger thường mang đến cái nhìn sâu sắc về đời sống bí ẩn của cây cối và những cách chúng có thể chữa lành con người và hành tinh.
Với To speak for the trees, nhà thực vật học Diana Beresford-Kroeger chia sẻ về tuổi thơ đặc biệt ở Ireland, nơi bà học hỏi từ sự kết hợp giữa tri thức khoa học và trí tuệ cổ truyền Celtic.
Cuốn hồi ký là lời kêu gọi bảo vệ rừng, nhấn mạnh vai trò của cây trong việc cải thiện sức khỏe con người và chống lại biến đổi khí hậu. Từ góc nhìn đô thị học, hệ thống cây xanh là chìa khóa tạo nên sự bền vững cho các thành phố hiện đại.
——————————————————-
The hidden life of trees (Peter Wohlleben)
Cuốn sách The hidden life of trees của tác giả Peter Wohlleben. Ảnh: Amazon. |
Trong môi trường đô thị, mối quan hệ giữa con người và các sinh vật sống, đặc biệt là cây xanh, ngày càng trở nên phức tạp và đáng suy ngẫm. Cây cối không chỉ là những thực thể thụ động mà còn là những sinh vật có khả năng tương tác và giao tiếp với nhau, như Peter Wohlleben đã chỉ ra trong cuốn sách The hidden life of trees.
Từ góc nhìn của tác giả, đô thị thường bó buộc cây cối vào không gian chật hẹp (công viên, vườn hoa). Điều này vô tình cắt đứt chúng khỏi mạng lưới tự nhiên trong quan hệ với nấm và côn trùng. Do đó, cây cối bị hạn chế khả năng giao tiếp và phát triển. Mặc dù cây cối không “cảm nhận” theo cách con người hiểu, nhưng những phát hiện khoa học mới đây cho thấy chúng có khả năng phát ra tín hiệu và hợp tác trong việc sinh tồn.
——————————————————-
The Botanical City (Helena Dove)
Cuốn sách The Botanical City của Helena Dove. Ảnh: Chatty Gardener. |
Cuốn sách là tập hợp 100 loài cây có thể trồng được tại các đô thị, đặc biệt phù hợp với khí hậu của London (Anh). Đối với tác giả Helena Dove, cuộc sống tại đô thị có thể khiến con người lao vào những vòng xoáy mưu sinh và quên đi việc tận hưởng niềm vui từ những hành động tĩnh tại hơn, chẳng hạn xây dựng khu vườn nhỏ cho riêng mình.
Tác phẩm của bà Helena Dove được ví như một phiên bản nâng cấp của cuốn khảo cứu Floral Londinensis (được xuất bản năm 1777). Cuốn sách Floral Londinensis đem đến cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh về các loài cây mọc ở thành phố London. So với phiên bản ra mắt thế kỷ thứ 18, The Botanical City thiên vào các loài cây có khả năng tự trồng bởi những người làm vườn không chuyên hơn.
——————————————————-
Forest (Matt Collins và Roo Lewis)
Cuốn sách Forest của Matt Collins và Roo Lewis. Ảnh: Everand. |
Cuốn sách ảnh Forest của nhiếp ảnh gia Matt Collins và Roo Lewis là một tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp kỳ diệu của thế giới tự nhiên, với những bức ảnh tuyệt đẹp và những câu chuyện đầy cảm hứng về mối quan hệ giữa con người và cây cối. Qua hành trình khám phá các khu rừng huyền bí tại Bắc Mỹ, Vương quốc Anh và châu Âu, cuốn sách tiết lộ bí mật ẩn chứa trong những khu rừng rậm xanh mướt, từ những cây thông mạnh mẽ ở Tây Ban Nha cho đến những rừng bạch dương ấn tượng ở thung lũng Elbe, Đức.
Bên cạnh những hình ảnh sống động, Forest còn mang đến những câu chuyện khoa học và con người đầy cảm động, giúp độc giả hiểu rõ hơn về lịch sử và tầm quan trọng của cây cối. Đặc biệt, có những loài cây đã biến đổi rất khó so với khi được trồng tại các khu dân cư, thành phố.
——————————————————-
How to read a tree (Tristan Gooley)
Cuốn sách How to read a tree của tác giả Tristan Gooley. Ảnh: Amazon. |
Thông qua cuốn sách, tác giả Tristan Gooley hướng dẫn độc giả quan sát những đặc điểm như cành cây, lá cây, vỏ cây hay thậm chí là gốc cây. Từ đó, mỗi người có thể nhận biết được dấu hiệu của những nguồn nước gần đó. Tác giả Tristan Gooley còn coi cây cối như một nhân chứng của thời gian, thay đổi khí hậu, địa chất, sự xác lập các vùng dân cư cũng có thể nhìn được nếu một người biết cách “đọc vị” cây cối. Cuốn sách không chỉ mang đến những kiến thức sâu sắc về cây cối mà còn khơi gợi mối liên hệ chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên trong các thành phố hiện đại.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Thương núi rừng, cây cỏ để thương mình, thương ngườiKhông chỉ chất chứa tình cảm của những con người khốn cùng, bé nhỏ, tập truyện “Lưng người thăm thẳm” còn thúc giục chúng ta hãy bảo vệ thiên nhiên để bảo vệ chính cuộc sống của chính mình. |
Lịch sử hàng trăm năm những cây cầu cổTriều Nguyễn có nhiều chủ trương trong việc xây dựng những cây cầu mới và sửa chữa những cây cầu cũ có niên hạn. |