(VNF) – Tình hình kinh doanh phục hồi, SASCO báo lãi sau thuế quý III đạt 181 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày doanh nghiệp “bỏ túi” gần 2 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, HNX: SAS) cho thấy doanh nghiệp đã có một kỳ kinh doanh khả quan.
Doanh nghiệp của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn ghi nhận doanh thu thuần đạt 782 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hàng hoá tại cửa hàng miễn thuế tăng 11% so với cùng kỳ, lên mức 345 tỷ đồng, tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu (44%). Tuy nhiên, hoạt động phòng chờ lại là mảng tăng trưởng nhanh nhất, ở mức 21%, mang về 183 tỷ đồng.
Quý vừa qua, giá vốn hàng bán của SASCO ghi nhận mức 284 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Nhờ đó, lợi nhuận gộp được cải thiện rõ rệt khi tăng 18%, từ mức 423 tỷ đồng lên mức 498 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tương ứng tăng từ mức 59% lên mức 64%, cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Trong báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), SASCO cho hay, tình hình kinh doanh đã được khôi phục bình thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiểm soát tốt chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ghi nhận từ báo cáo tài chính, chi phí quản lý daonh nghiệp quý III/2024 của SASCO dừng ở mức 98 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%. Chi phí quản lý bán hàng tăng 15% so với cùng kỳ, lên mức 241 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây được xem là diễn biến bình thường khi chi phí bán hàng của SASCO thường tăng theo đà leo dốc của doanh thu, do doanh nghiệp phải chia sẻ lại một phần doanh thu theo thỏa thuận hợp tác với ACV.
Theo SASCO, lợi nhuận sản xuất kinh doanh quý này đã tăng 40% so với cùng kỳ, đạt gần 159 tỷ đồng.
Không chỉ hoạt động kinh doanh cốt lõi, SASCO còn chứng kiến sự tăng trưởng tích cực ở mảng tài chính, với doanh thu tăng 39%, đạt 57 tỷ đồng, chủ yếu từ cổ tức và lợi nhuận được chia. Đáng chú ý, do lỗ chênh lệch tỷ giá, chi phí tài chính của SASCO tăng gấp 3,5 lần cùng kỳ, vọt lên 7,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thể làm “lu mờ” thành tích doanh thu. Tổng thể, hoạt động tài chính của SASCO vẫn cho thấy sự hiệu quả khi mang về gần 50 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.
Chưa kể, doanh nghiệp còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên tới gần 8 tỷ đồng, cao gấp 4,8 lần so với cùng kỳ. Theo báo cáo, khoản lãi này có được là do phát sinh tăng các khoản hỗ trợ bán hàng, khuyến mãi (thu nhập liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh).
Tính chung, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt gần 216 tỷ đồng, tăng 40%. Khấu trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, SASCO lãi ròng gần 181 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của SASCO đạt 2.117 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 356 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 294 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Được biết, năm 2024, SASCO đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt hơn 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 343 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, SASCO thực hiện được 76% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã vượt 4% chỉ tiêu lợi nhuận.
Về tình hình tài chính, tính đến hết quý III, tổng tài sản của SASCO ghi nhận ở mức 2.164 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm. Doanh nghiệp có hơn 691 tỷ đồng tiền nhàn rỗi. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 234 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Tại khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn, SASCO tiếp tục trích lập dự phòng toàn bộ 28,6 tỷ đồng tiền đầu tư cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đông Á. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có 457 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của SASCO giảm 21% so với cùng kỳ, xuống còn 602 tỷ đồng, không ghi nhận nợ vay tài chính.
Trên thị trường chứng khoán, hưởng ứng kết quả kinh doanh tích cực, trong phiên giao dịch ngày 22/10/2024, khi VN-Index chạm đáy 1 tháng, cổ phiếu SAS “ngược dòng” tăng 6,05%, áp sát mốc 30.000 đồng/cp.