Trong những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ đột quỵ đang có xu hướng gia tăng vì thế chủ động bổ sung kiến thức về căn bệnh này sẽ khiến bạn tự bảo vệ mình và người thân tốt hơn.
Theo nghiên cứu thực hiện trong 2 năm (2016-2017) của khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108 trên 3907 người bệnh đột quỵ đến cấp cứu tại khoa, kết quả cho thấy có đến 62,9% bệnh nhân bị đột quỵ diễn ra vào sáng sớm (5-8 giờ).
Theo BS. Nguyễn Văn Phương (Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TWQĐ 108), một số nghiên cứu trước đó như Phần Lan cũng đã ghi nhận số người bị khởi phát đột quỵ cao nhất vào 6-8 giờ vào ngày làm việc và 8-10 giờ vào ngày nghỉ.
Sáng sớm – thời điểm dễ gây đột quỵ nhất trong ngày
Theo BS. Nguyễn Văn Phương, có 2 lý do có thể giải thích vì sao đột quỵ lại thường xảy ra vào sáng sớm:
– Thứ nhất, là do thay đổi hormon và huyết áp của người bệnh
Khi thức dậy vào buổi sáng, cơ thể sẽ chuyển từ tư thế nằm sang tư thế vận động, từ đó làm thay đổi nồng độ các hormon. Các hormon này gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tăng trương lực của động mạch. Từ đó, tăng nguy cơ tổn thương các mảng xơ vữa động mạch, làm cho các mảng xơ vữa này sẽ bị rách ra, vỡ, bong, kích hoạt tiểu cầu gây ra huyết khối gây tắc mạch não gây đột quỵ thiếu máu não cấp.
– Thứ hai, là do lượng nitric oxit thấp vào lúc ngủ dậy
Nitric oxit (NO) có vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa, mở rộng mạch máu tăng dòng chảy đưa oxy và các chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể, đồng thời chính là yếu tố quan trọng quyết định đến việc bị đột quỵ, tiểu đường…
Vào ban đêm, quá trình tiêu thụ NO của cơ thể là lớn nhất vì vậy khi sáng sớm thức dậy cơ thể con người thường thiếu NO, dẫn đến việc đột quỵ thường xảy ra vào buổi sáng.
Từ bỏ 3 thói quen nguy hiểm này để phòng ngừa đột quỵ buổi sáng
– Ra khỏi giường ngay khi vừa tỉnh giấc
Khi cơ thể vừa tỉnh giấc cũng là lúc huyết áp tăng cao nhất trong ngày. Nếu bạn lập tức bật dậy và ra khỏi giường sẽ khiến huyết áp càng tăng và dễ dẫn đến đột quỵ. Đặc biệt là trong những ngày trời rét đậm, rét hại bạn không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng 3-5 phút để cơ thể dần thích nghi.
– Ra ngoài tập thể dục quá sớm
Người già thường có thói quen dậy sớm và đi tập thể dục vào lúc 5-6 giờ sáng. Tuy nhiên khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng là lúc nhiệt độ xuống thấp nhất, đi tập thể dục lúc này dễ gây co mạch, nguy hiểm hơn có thể gây nhồi máu cơ tim và mắc các bệnh tim mạch, mạch máu não khác nhau. Trong thực tế, đã có nhiều trường hợp bị đột quỵ do ra ngoài tập thể dục quá sớm vào mùa đông. Tốt nhất, bạn hãy chờ cho trời sáng hẳn hẵng ra ngoài, hoặc bạn có thể vận động nhẹ trong nhà trong những ngày rét đậm.
Ngoài ra, thói quen tập thể dục ngay sau khi ngủ dậy cũng không tốt. Bạn nên dành 15, 20 hoặc thậm chí 30 phút sau khi thức dậy để khởi động, việc này sẽ giúp các khớp kịp hồi tỉnh và thích nghi trước khi bước vào tập luyện.
– Bữa sáng ăn quá mặn
Ăn sáng là một thói quen tốt để duy trì sức khỏe, xong bạn cần tránh ăn sáng quá mặn vì thói quen này có thể làm tăng huyết áp đột ngột và tăng nguy cơ đội quỵ.
Chúng ta cần làm gì để ngừa đột quỵ buổi sáng?
Theo BS. Nguyễn Văn Phương, hầu hết các bệnh nhân đột quỵ não đều có yếu tố nguy cơ trước đó, chính vì thế mỗi người đều cần điều trị, theo dõi chặt chẽ các yếu tố nguy cơ của mình. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não bao gồm: tăng huyết áp, rung nhĩ, rối loạn chuyển hóa mỡ, đái tháo đường, bệnh van tim, suy tim, hút thuốc lá,…
Ngoài ra, bạn có thể ghi nhớ 5 biện pháp thông dụng để phòng tránh đột quỵ buổi sáng như sau:
– Sau khi tỉnh giấc nên dành một ít phút cho cơ thể quen dần với trạng thái mới và hoàn toàn tỉnh táo trước khi bước ra khỏi giường.
– Buổi tối trước khi đi ngủ, nên uống một ly nước ấm, như vậy vừa tạo điều kiện kích thích cơn buồn ngủ, vừa tránh tình trạng khô háo vào sáng hôm sau, làm giảm độ keo nhớt của máu, giảm bớt áp lực lên tim.
– Đều đặn luyện tập thể dục, thể thao.
– Tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu bia cùng chế độ ăn hợp lý sẽ mang lại lợi ích rất lớn.
– Nên tăng cường các loại thực phẩm sạch giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa.
(T/h)