Có người sợ ung thư, ám ảnh về cái chết và quằn quại trong đau đớn. Cũng có những “siêu anh hùng” tuy còn nhỏ, nhưng không hề biết sợ là gì. Các em “chiến đấu” bằng ánh mắt ngây thơ, nụ cười trong trẻo, hồn nhiên. Ung thư chắc chắn là đau, nhưng sự lạc quan của các em mới là điều chúng ta nên nghĩ tới.
– “Mọi người có sợ ung thư không?”
– “Bọn em thì không!”.
Bé Tôm: “Con có mệt gì đâu”
Tôm, 5 tuổi, là một bệnh nhi ung thư não. Khối u xâm chiếm cơ thể em từ khi mới 33 tháng tuổi. Tôm gọi bệnh viện là “khách sạn thân thương”, nơi em trải qua hàng chục lần xạ trị hóa chất, nhiều lần đại phẫu, có lần hôn mê gần 1 tháng,…
Cậu bé có tình yêu bóng đá mãnh liệt và sự lạc quan hiếm có. “Con thích đá bóng. Con thích chú Văn Thanh, chú Quang Hải, chú Đức Chinh,… Con thích thủ môn Bùi Tiến Dũng”.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2018, chỉ vài giờ đồng hồ trước trận chung kết AFF Cup, những “siêu anh hùng” đã có cơ duyên gặp gỡ nhau trên sóng truyền hình. Một “trận đấu trong mơ” của đội tuyển bóng đá diễn ra, giữa Quang Hải, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng, Đức Chinh và bé Tôm.
Cậu bé 5 tuổi thông minh, hoạt bát là một hình ảnh tiêu biểu của việc con người ta có thể chiến đấu thế nào với bệnh tật, vẫn vui cười, vẫn lạc quan, vẫn yêu bóng đá. Các tuyển thủ là những chiến sĩ trên sân cỏ. Họ cũng chiến đấu, họ vượt qua các đối thủ, và khi cậu bé chiến đấu vì cuộc sống, các chàng trai đá bóng chiến đấu vì Cúp vàng. Họ truyền cảm hứng cho nhau. Họ đã gặp nhau, cho một “điều ước” truyền cảm hứng mạnh mẽ đến tất cả chúng ta.
Những anh hùng ngoài sân cỏ và trong đời thực.
Sau khi vô địch AFF Cup, cầu thủ Quang Hải cùng đồng đội từng mang chiếc cúp vàng tới Bệnh viện Nhi Trung ương thăm Tôm cùng nhiều bệnh nhi ung thư khác. Cậu bé còn được Huấn luyện viên Park Hang Seo tặng con búp bê làm bằng tay, với những tình cảm tốt lành nhất.
Chiếc cúp vàng “Điều ước thứ 7” và búp bê mô phỏng HLV Park Hang Seo, là những món quà thân thương với cậu bé Tôm.
Thời gian tới, phác đồ xạ trị với số mũi xạ nhiều nhất dành cho bệnh nhân nhi phải áp dụng cho Tôm. Với một cái máy to đùng, Tôm phải đeo mặt nạ theo khuôn được làm riêng cho mỗi bệnh nhân. Yêu cầu quan trọng là phải tuyệt đối nằm im khi máy vận hành, mặc kệ máy kêu, xoay, nâng lên hạ xuống.
Và cậu bé đã ríu rít thế này với mẹ: “Mẹ ơi, con đi tàu vũ trụ, đeo mặt nạ làm siêu nhân. Bác sĩ còn tặng con cả gấu bông. Nhưng mà tàu vũ trụ này ko có nhạc. Con vẫn nằm im, không cần gây mê, con dũng cảm…”.
Điều trị làm Tôm mệt, nhưng miệng thì vẫn nói không, “Con có mệt gì đâu”. “Con dũng cảm, con giỏi lắm!” – đây là lần đầu tiên mẹ Hà khen Tôm một cách “hẳn hoi” và không ngần ngại như thế.
Bức ảnh Tôm chụp cùng cầu thủ Quang Hải.
Bé Nguyễn Thành Trung: Hành trình 700 ngày mẹ cùng con chiến đấu
Cuộc chiến của Trung thực sự bắt đầu vào năm 2007, khi em 13 tuổi và bắt đầu có những triệu chứng đau đầu. Đó là u não, và khối u đã rất lớn, xâm lấn gần nửa bộ não của cậu bé.
Suốt 700 ngày chiến đấu, Trung luôn lạc quan và tin vào sức mạnh nội tâm của chính mình. trong những tháng ngày điều trị, em vẫn giữ đam mê sưu tầm tem, đọc truyện thần thoại và nghiên cứu lịch sử thế giới. Tất cả hiện vật được gia đình lưu giữ cẩn thận.
Năm 2009, Trung rời xa cuộc đời nhưng tinh thần, nghị lực sống của cậu bé chắc chắn còn lan tỏa thêm nhiều và rất lâu nữa. Mẹ Trung, suốt 10 năm qua, đã viết cho em một bức thư dài đến vô tận. Cô thương em, như bất kể bà mẹ nào trên cõi đời này.
Những món quà sinh nhật mà Trung gìn giữ nhất.
Chiếc đồng hồ thể thao yêu thích của Trung.
“Trung thân yêu của mẹ,
Ngày 19/12/2019, mẹ con mình buộc phải xa nhau. Thế là con được 15 tuổi 19 ngày đấy. Thật là buồn phải không con? Số phận mẹ con mình không được ở gần nhau, ông trời chỉ cho mẹ được ở với con, yêu thương con quá ít ỏi. Ông bắt mẹ phải chịu cảnh chia ly đau buồn để mẹ luôn luôn phải khổ tâm. Xa con, lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con, nhớ về con; ánh mắt, nụ cười, giọng nói, dáng con đi, nhất là những lúc con đi học về.
Bây giờ là 12h đêm, con đang làm gì? Học bài à? Mẹ nhớ con nên không ngủ được. Con có nhớ mẹ không? (…) Hôm nay mẹ chẳng có chuyện gì vui để kể cho con nghe. Con có gì vui không? Các con, đối với mẹ, đều là niềm vui, niềm tự hào, nhất là con đấy. Mẹ luôn tự hào về con – đứa trẻ ngoan, học giỏi. Có khi nào con nghĩ về mẹ nhiều không, còn mẹ lúc nào cũng nghĩ đến con, hình dung ra dáng hình con yêu của mẹ.
Hồi bé, con hiền lắm, cái gì con cũng sợ. Bây giờ con thế nào rồi, ở thế giới của con, con sẽ dũng cảm hơn trước đúng không, vì ở đó mới là vĩnh hằng phải không con”.
Cuốn nhật ký hơn 10 năm ròng rã chất đầy tình cảm của mẹ.
Bé Hà My: “Hoa hậu huyết học”
Cô bé Hà My là bệnh nhi 4 tuổi mắc ung thư máu, hiện đang điều trị tại Khoa Nhi, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Phát hiện bệnh từ năm lên 2, Hà My gắn bó với tầng 6 bệnh viện như “ngôi nhà thứ 2”.
Trên sân khấu của Vietnam International Fashion Week 2019 vừa rồi, em đã có cơ hội sải bước đầy tự tin, trong bộ trang phục công chúa kiêu sa, lộng lẫy. Hoa hậu H’Hen Niê cùng hàng trăm khán giả đã không thể kìm được nước mắt khi chứng kiến Hà My với ống truyền dài luôn gắn sau lưng, tỏa sáng như một nàng công chúa. Biệt danh “hoa hậu huyết học” cũng từ đó gắn liền với Hà My.
Với cô bé, ánh đèn sân khấu cùng những tràng pháo tay đêm hôm đó, sẽ luôn là nguồn sức mạnh lớn lao trên hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư máu.
Những hình ảnh xinh đẹp và đáng yêu của bé Hà My.
“Em không sợ”
Bên cạnh Tôm, Thành Trung và Hà My, triển lãm “Em không sợ” còn mang đến cho người xem những hình ảnh đẹp đẽ của các bệnh nhi ung thư khác.
Bé Đức Huy, 4 tuổi, cùng trái bóng bố mua tặng, nhưng chưa một lần em được chạm vào nó. Ung thư nguyên bào thần kinh khiến đứa trẻ vật vã trong những đau đớn.
Bé Hoàng Tuệ Anh, 9 tuổi, nổi bật với tài năng hội họa. Tranh của cô bé có màu sắc tươi sáng, từng được trưng bày ở nhiều nơi, trong đó có các bảo tàng nổi tiếng ở Hà Nội. Năm 2018, bác sĩ phát hiện Tuệ Anh có u trong não, em đã rất buồn. Nhưng em đã không sợ, dũng cảm chiến đấu với ung thư bằng thái độ tích cực. mai sau lớn, em muốn trở thành họa sĩ.
Bé Triệu Quý tình, 8 tuổi, là trường hợp hiếm ở khoa Nhi, bệnh viện K Tân Triều, mắc ung thư hạch. Bố mẹ đi làm phụ hồ, chỉ kiếm được 100.000 đồng/ngày. Toàn bộ chi phí và tiền chữa trị của em, đều một tay ông bà nội lo liệu.
Bé Chip, 6 tuổi, từng mắc ung thư, nay em đã khỏi và có thể đi học, sinh hoạt bình thường như bạn bè đồng trang lứa. Cũng giống Hà My, Chip được tỏa sáng trên sân khấu thời trang lớn, được Nhà thiết kế tặng chứng chỉ “Đôi chân biết hát”. Ngày hôm đó, bước trên sàn catwalk, khoác lên mình chiếc váy xinh, Chip tỏa sáng như một ngôi sao nhỏ.
Triển lãm “Em không sợ” kể cho người xem về những câu chuyện nghị lực của các bệnh nhi ung thư.
Chúng tôi biết, ngoài kia, còn hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ khác đang phải chiến đấu với ung thư mỗi ngày.
Dự án “Em không sợ” do nhóm sinh viên lớp Báo In K36A1, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thành lập, phối hợp với sự tham gia của Bảo tàng Hà Nội, với sứ mệnh gây quỹ từ thiện, ủng hộ bệnh nhi ung thư gặp hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện K Tân Triều.
Bạn Chu Đức Trung – Trưởng Ban tổ chức dự án cho biết, toàn bộ 12 thành viên tham gia đều là sinh viên năm tư, đang theo học lớp báo in K36A1. Trước đó, nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động khác nhau như đêm nhạc “Em không sợ – Cất tiếng hát, át nỗi đau” hay bấm máy bộ phim ngắn cũng mang tên “Em không sợ”. Cuối cùng, triển lãm “Em không sợ – Sức mạnh siêu chiến binh” là điểm dừng chân cho chuỗi hành trình 2 tháng qua.
“Bản thân mình là một người thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, lần này với đề bài đặt ra là tổ chức một dự án truyền thông, mình đã bàn bạc với các bạn trong nhóm và đưa đến thống nhất chung là thực hiện về các bạn nhỏ không may mắn bị ung thư. Bệnh nhân ung thư vốn dĩ đã gặp vô vàn khó khăn trong điều trị, sinh hoạt, bệnh nhi thì lại càng vất vả hơn bởi thể trạng còn yếu, lại chưa thể tự túc trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy đây là nhóm đối tượng mà bọn mình cảm thấy rất cần nhận được sự quan tâm và chia sẻ của cả cộng đồng” – Trung chia sẻ.
Dự án “Em không sợ” bắt đầu từ giữa tháng 9/2019. Trong suốt thời gian đó, kết hợp với tổ chức các hoạt động khác nhau, nhóm sinh viên được biết và tiếp cận nhiều nhân vật đặc biệt. “Có những nhân vật chúng mình gặp khi tới bệnh viện K Tân Triều, có những nhân vật đã được chú ý tới qua các hoạt động truyền thông trước đó, là những tấm gương về sự lạc quan, truyền đi cảm hứng tích cực trong xã hội, lại có những nhân vật thuộc nhóm đặc biệt khó khăn về hoàn cảnh cũng như bệnh lý” – Trung nói.
Từ đó, các thành viên trong nhóm tỏa đi các đầu mối để nắm bắt thông tin, tìm hiểu hoàn cảnh, câu chuyện và ghi lại các bộ ảnh cũng như sưu tầm các hiện vật có ý nghĩa để trưng bày tại triển lãm.
“Các em phải làm bạn với ống ven, kim truyền và mùi thuốc bệnh viện”.
Bé Đức Huy và trái bóng chưa bao giờ em được chạm chân.
Đối với các bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện K Tân Triều, nhóm mất nhiều ngày để tới bệnh viện tìm hiểu, làm quen và ghi lại những bộ ảnh ý nghĩa. Đối với những bệnh nhi khác không điều trị tại viện, nhóm về tận nhà để tìm hiểu, chia sẻ khó khăn với chính gia đình các em.
“Đối tượng được chúng mình lựa chọn để đưa vào triển lãm rất đa dạng. Có những bạn nhỏ đã điều trị thành công và khỏe mạnh bình thường, có những bạn nhỏ vẫn đang trong quá trình điều trị nhưng rất lạc quan, tích cực tham gia nhiều hoạt động và đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Có những bạn lại đang trong thời gian điều trị tập trung và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Xúc động nhất là một bạn đã rời xa gia đình, rời xa chúng ta để sang thế giới bên kia ít nỗi đau và hạnh phúc hơn. Tất cả đều có những câu chuyện và ý nghĩa riêng, đều khiến người xem xúc động và đều lan truyền được những cảm hứng tích cực. Đó là điều mà Ban tổ chức mong muốn” – trưởng nhóm dự án khẳng định.
Qua dự án lần này, nhóm sinh viên mong muốn cộng đồng sẽ chú ý hơn tới các bệnh nhi ung thư, có sự đồng cảm và chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời kém may mắn. Ung thư thường đi kèm với quá trình điều trị cực kỳ vất vả và chi phí điều trị rất lớn. Hầu như gia đình nào có người bị ung thư đều kiệt quệ về tài chính.
Ở một khía cạnh khác, các bạn hy vọng thông qua dự án, các bệnh nhi ung thư được động viên nhiều hơn, bớt tủi thân hơn và có nhiều động lực để tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác. Hơn nữa, các em sẽ không còn mặc cảm vì ung thư nữa, có thể lạc quan tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.
Tất cả các hoạt động, các ấn phẩm đều làm nổi bật lên thông điệp “Em không sợ” như một lời khẳng định của các bệnh nhi ung thư về tinh thần lạc quan, nghị lực mạnh mẽ chống chọi với những nỗi đau mà các em đang phải đối mặt.
Và các em – những bệnh nhi ung thư, đều là những siêu anh hùng.
Bức tranh về ngày mai tươi sáng, ước mơ được thoát khỏi sự giày vò của ung thư.
“‘Em không sợ’ chính là câu nói mạnh mẽ nhất, khảng khái nhất và kiên định nhất với tất cả các bệnh nhi ung thư nói riêng cũng như các em nhỏ kém may mắn nói chung. Về thông điệp muốn truyền tải, Ban tổ chức mong muốn cộng đồng và toàn xã hội có một cảm hứng sống và nghị lực sống mạnh mẽ. Các bệnh nhi ung thư bé nhỏ, đau đớn là vậy mà các em còn tự tin và lạc quan với cuộc đời thì cớ gì những người bình thường, khỏe mạnh lại không thể có cho mình một cuộc sống tích cực, lạc quan, hướng tới những giá trị tốt đẹp và nhân văn.
Tất cả các câu chuyện của các bệnh nhi mà Ban tổ chức dự án tiếp xúc đều xúc động. Mỗi câu chuyện có một cảm xúc riêng, một ý nghĩa riêng mà đôi khi khó có thể miêu tả được. Bản thân mình luôn trân trọng và thương cảm với tất cả những trường hợp đó. Không chỉ vậy, mình còn khâm phục các em. Thế nên chọn ra một câu chuyện khiến mình xúc động nhất thực sự là khó khăn. Mình tin với những khán giả đã theo dõi chương trình, đã tới thăm quan triển lãm thì ai cũng sẽ có suy nghĩ như vậy”- Trung chia sẻ.
Triển lãm “Em không sợ” sẽ diễn ra đến hết ngày 29/11, tại Bảo tàng Hà Nội.