Như người Lithuania vẫn nói, cảm ơn vì những đóa hoa, nhưng tôi thích bánh mỳ hơn. Tôi gần như suýt bỏ cuộc.
Không lâu sau, vốn từ vựng tiếng Lithuania của tôi đã vượt qua cuốn từ điển bỏ túi kia. Tôi rất muốn đọc thêm những cuốn sách khác. Nhưng trên các kệ sách trong phòng khách của căn hộ, chỉ có những tấm ảnh đen trắng chụp một người đàn ông gầy gò mặc bộ comple tối màu và một người phụ nữ còn gầy gò hơn nữa mặc bộ đầm màu nhạt.
Tôi đoán đó là gia đình chủ nhà. Không có cuốn tiểu thuyết nào cả. Không có cuốn truyện nào cả. Tôi lục tung khắp căn hộ. Tôi mở các ngăn kéo ra: cúc áo, những con tem đã ngừng phát hành, những đồng xu đã gỉ sét nằm vương vãi. Tôi mở tủ chén kế bên phòng ngủ: một chai vodka, một chai cỡ 4/5, một chai vodka 1/5 (1). Trong tủ quần áo, bên dưới một bộ ga trải giường dự phòng, tôi chỉ lôi ra được một cuốn danh bạ điện thoại giấy đã ngả vàng. Tôi nghĩ bụng, nếu muốn đọc, tốt nhất mình nên tới thư viện thành phố.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pixabay. |
Ở thư viện, tôi phải điền thông tin vào phiếu. Đầu phiếu yêu cầu “Vardas”. Tôi viết tên của mình vào đó, và ở phía dưới là địa chỉ căn hộ nơi tôi ở. Tôi ghi nơi làm việc là trung tâm phụ nữ. Người đàn ông trầm mặc ở bàn tiếp tân nhận phiếu đăng ký của tôi rồi đưa cho tôi một tấm thẻ ra vào, và thế là vị độc giả mới nhất của thư viện bắt đầu chuyến dạo chơi giữa các kệ sách. Tôi đi từ kệ sách này sang kệ sách khác, thi thoảng dừng lại để đọc thử vài trang.
Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, tâm trạng háo hức ban đầu của tôi phai nhạt dần. Những cuốn sách từ thời Xô Viết thật khô khan. Có quá nhiều từ chỉ sự lao động và niềm hạnh phúc. Lao động, lao động, lao động. Hạnh phúc, hạnh phúc, hạnh phúc. Như người Lithuania vẫn nói, cảm ơn vì những đóa hoa, nhưng tôi thích bánh mỳ hơn. Tôi gần như suýt bỏ cuộc.
(1) 1/5, 4/5: Các kích thước khác nhau của chai đựng rượu. Trước đây, thể tích chai đựng rượu được tính theo đơn vị phần năm (fifth) của một quartz, tương đương khoảng 950 ml (ND).
Nhưng rồi vận may tìm đến. Tôi lang thang đi tới những góc đang nằm phủ bụi trong thư viện và tình cờ trông thấy tập sách mỏng của một nhà thơ tên là Kazys Binkis. Nhìn bìa sách lỏng lẻo tả tơi, tôi đoán cuốn sách này đã cũ lắm rồi. Đột nhiên trí tưởng tượng của tôi tỉnh giấc.
Những đám mây nhàn nhã dạo chơi như những chú bê con trên những cánh đồng bao la của bầu trời; những khu rừng bừng bừng những màu sắc của tháng 5; những công thức mà trong đó, các ý nghĩ được đong đếm bằng đơn vị gram – tôi lập tức quyết định chưa trả lại thẻ ra vào.
“Cuốn này có ấn bản song ngữ không?” tôi hỏi một thủ thư, định bụng sẽ dùng cuốn sách này để lên lớp. Vị thủ thư làn da nhợt nhạt với mái tóc muối tiêu (có vẻ như ông chưa từng nếm tuyết) lắc đầu. Ông giơ tay chỉ vào một kệ sách ở góc xa – văn học nước ngoài; nước ngoài ở đây đồng nghĩa với tiếng Anh, hầu hết là như vậy.
Tôi tìm được một cuốn hợp tuyển các bài thơ của Anh và Mỹ và mượn nó về nhà cùng với tập thơ của Binkis. Từ lần đó trở đi, khu vực thơ của thư viện trở thành nguồn cung cấp sách cho tôi và các học viên của mình.