Việc chế biến món bít tết trên thực tế không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.
Bò bít tết (beef steak) là một món ăn có xuất xứ từ phương Tây, từ lâu đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Món ăn này có đặc trưng là miếng thịt bò (thịt thăn) được cắt lát mỏng và phẳng, thường vuông góc với các sợi cơ. Sau đó chúng được nướng, chiên hai mặt nửa sống nửa chín, kết hợp với một số loại gia vị như dầu, mỡ, hạt tiêu, hành tây…
Món ăn này thường xuất hiện trong nhiều nhà hàng sang trọng, chính vì thế việc chế biến chúng không phải là điều dễ dàng mặc dù các công đoạn ướp, chiên hoặc nướng cũng khá đơn giản. Cái khó nhất để làm nên món bít tết ngon chính là dựa vào độ chín của miếng thịt.
Bò bít tết là món ăn phổ biến trên toàn thế giới, thường xuất hiện trong nhiều nhà hàng sang trọng.
Độ chín của thịt (Doneness) là một thước đó dựa trên màu sắc và nhiệt độ bên trong miếng thịt khi nấu chín. Theo tiêu chuẩn quốc tế, món bò bít tết có đến 7 cấp độ chín khác nhau.
Những cấp độ chín khác nhau của món bò bít tết được phân loại theo tiêu chuẩn của các nhà hàng quốc tế.
1. Raw – thịt sống 100%
Đây là kiểu bò bít tết chưa qua chế biến, thịt sống hoàn toàn. Với cấp độ này, ở châu Âu thường làm món thịt bò Tartare (Steak tartare) hay còn gọi là bò tái kiểu Pháp. Chế biến món ăn này với thịt không sạch có nguy cơ nhiễm giun sán cao, vì thế người ta khuyến cáo không nên thử để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Món Steak tartare (bò tái kiểu Pháp) được xem là một dạng bò bít tết sống.
2. Blue (tái sống) – thịt chín 10%
Phần thịt này có mỗi mặt thường được áp chảo trong khoảng 30 giây, vì vậy bề ngoài miếng thịt hơi cháy xém nhưng bên trong vẫn còn lạnh với màu đỏ tươi và mọng nước, gần như còn sống. Để kích thích thêm vị giác, nhiều người sẽ vắt thêm chanh cho có vị chua hoặc chấm sốt tiêu xanh để tăng vị cay nồng. Phổ biến nhất của độ chín này là kiểu “Pittsburgh rare”.
3. Rare (tái) – thịt chín 25%
Thịt được nướng trên vỉ sơ qua cho cháy xém bên ngoài với đặc điểm: phần thịt bên trong hơi ấm, thịt còn màu đỏ tươi và vẫn mọng nước, bên ngoài sẽ hơi hồng. Cả hai mặt của miếng thịt tái thường được nấu chín trong khoảng 2 – 2,5 phút.
4. Medium rare (tái chín) – thịt chín 50%
Bề ngoài thịt cháy xém nhưng bên trong miếng thịt đã ấm hoàn toàn, màu đỏ tươi ở giữa nhạt đi, lớp gần bề mặt thịt có màu nâu tái và thịt cũng ít mọng nước hơn. Để đạt cấp độ này, cần nướng mỗi mặt miếng thịt trong khoảng thời gian 3 – 4 phút. Bò bít tết loại Medium rare được nhiều người nhận xét là ngon vì sự vừa phải của nó: thịt mềm, không quá chín mất hết chất nhưng cũng không quá sống để lo về vấn đề an toàn vệ sinh. Cấp độ tái chín cũng thường được người phương Tây ưa thích nhất.
5. Medium (chín vừa) – thịt chín 75%
Thịt cháy xém bên ngoài, bốn mặt bên màu nâu đậm, bên trong nóng, không còn màu đỏ tươi mà chỉ có ánh hồng. Muốn làm bít tết chín vừa, cần áp chảo hoặc nướng trong khoảng 4 – 6 phút mỗi mặt. Đây là cấp độ bít tết được nhiều thực khách châu Á lựa chọn để ăn và cũng là độ chín lý tưởng cho những ai lần đầu thưởng thức món này.
6. Medium well (chín tới) – thịt chín 90%
Miếng bít tết chín tới có đặc điểm bên ngoài thịt đã thành màu nâu tái và miếng thịt không còn nước, phần bên trong chỉ còn một chút màu hồng nhẹ. Muốn đạt được điều này, bạn cần nướng miếng thịt trong khoảng 5 phút ở mỗi mặt.
7. Well done (chín kỹ) – thịt chín 100%
Đối với miếng bít tết chín kỹ, phần thịt đã thành một màu nâu hoàn toàn từ ngoài vào trong. Thịt khá ráo, có mùi thơm nhất trong tất cả các cấp độ. Bạn chỉ cần làm chín mỗi mặt của miếng thịt trong vòng 6 phút nếu muốn ăn chín hoàn toàn như thế này.
Theo thói quen ăn uống tại Việt Nam, người ta thích thưởng thức bò bít tết với mức độ chín hoàn toàn (chín kỹ) là chủ yếu. Ngoài 7 mức độ kể trên, người ta còn phân ra thêm cấp độ thứ 8 là… chín khét (Overcooked) nếu bạn lỡ để miếng thịt trên bếp quá lâu!
Nguồn: Wikipedia