Một cái cây cứu 8 mạng người trong sóng thần

Nhà văn người Nhật kể câu chuyện có thật về 8 người dân đã thoát khỏi trận sóng thần nhờ một cây du cổ thụ.

Ở thành phố Kesennuma, phía đông bắc Nhật Bản, có một cây du cổ thụ nằm ven đường không có điểm gì quá đặc biệt để thu hút người ngang qua. Nhưng cây du này đã trở thành “anh hùng” ở địa phương khi từng cứu mạng 8 cư dân.

13 năm trước, trận sóng thần sau động đất đã xảy ra ở đây, 8 người đã kịp thoát nạn nhờ trèo lên cây.

Chuyen cay du anh 1

Bức ảnh chụp cây du ở Kesennuma vào ngày 18/12/2023. Ảnh: Kyodo.

Theo Kyodo News, cây du được trồng trên một mỏm đất nhô ra Thái Bình Dương. Dù không ai biết chính xác chiều cao và tuổi của cây du nhưng họ luôn coi cây như một người bảo vệ cho địa phương. Mọi chuyện bắt nguồn từ một sự kiện có thật cách đây 13 năm.

Ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ richter kéo theo cơn sóng thần cao hơn 10m đã nhấn chìm cả ngôi làng. Theo số liệu từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật, số người chết vì thảm họa là 15.900 ca, 2.523 người khác vẫn mất tích.

Tám người dân địa phương vượt qua cơn sóng thần nhờ sự may mắn. Một chiếc thang trôi ngang qua, họ đã bắc thang trèo lên cây du. Tất cả đều thoát chết trong gang tấc.

Chuyen cay du anh 2

Tác giả Keiko Onodera (trái) và Misato Kikuta, người vẽ tranh minh họa truyện. Ảnh: Kyodo.

Nhưng hiện tại, cây du đang dần khô héo do nhiễm mặn. Bà Keiko Onodera, 62 tuổi, một người dân trong vùng, mong muốn kể câu chuyện về cây du “anh hùng” trước khi quá muộn. Truyện có tựa đề Keyaki no Omoi(Suy nghĩ của cây du) được bà Onodera viết vào mùa đông năm 2020 và hoàn thành trong ba tháng.

Trong truyện, cây du được nhân cách hóa, kể lại trận sóng thần đang đến gần. Cây du nói: “Tôi đã ước rằng không ai trong số những người đang bám vào tôi rơi ra”.

Tác giả Onodera tâm sự: “Tôi muốn ghi lại hình ảnh của cây du trước khi nó biến mất”. Bà muốn câu chuyện của mình có thể len lỏi vào trái tim của những cư dân tới nay vẫn chìm đắm trong muộn phiền. Mọi người đi đánh cá, làm việc trên bãi biển, mang theo nỗi đau mất mất người thân và bạn bè của họ.

Tháng 5/2023, tác giả Onodera bắt đầu nghĩ tới việc đưa câu chuyện về cây du tới với những em nhỏ sinh sau thảm họa động đất và sóng thần.

Bà tình cờ gặp Misato Kikuta, sinh viên năm cuối Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Tohoku. Cô gái 22 tuổi cũng là người sinh ra và lớn lên ở Kesennuma. Ngôi nhà của gia đình Kikuta, nằm gần cây du, đã bị sóng thần phá hủy hoàn toàn. Khi đó, Kikuta mới 9 tuổi và ông bà của cô nằm trong số 8 người thoát nạn nhờ trèo lên cây du.

Ngay khi nghe lời đề nghị của bà Onodera, Kikuta đã nhận lời vẽ minh họa cho cuốn sách. Kikuta nói: “Tôi muốn đóng góp bằng mọi cách có thể”. Cô thực hiện một loạt ký họa về trải nghiệm của ông bà và khung cảnh cuộc sống ở làng trước khi thảm họa xảy ra. Bảy trong số các bức hình được tô màu.

Cuối tháng 10/2023, bà Onodera tổ chức buổi đọc truyện cho học sinh tiểu học ở Kesennuma, tất cả đều chăm chú lắng nghe. Các em cũng được ngắm nhìn những bức vẽ.

Kikuta bày tỏ, ban đầu, cô sợ ông bà của mình sẽ đau lòng khi nhớ lại trải nghiệm cay đắng của họ. Nhưng cả hai đều hài lòng với những bức tranh minh họa của cô.

Bà Onodera và Kikuta dự định giới thiệu truyện kèm hình vẽ trên YouTube. Đồng thời, họ có kế hoạch bổ sung thêm 8 bức vẽ nữa vào tác phẩm cuối tháng 3 năm nay. “Chúng tôi muốn tiếp tục kể câu chuyện cho tất cả mọi người, không chỉ về nạn nhân đã mất mà cả những người sống sót sau thảm họa”, bà Onodera nói.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin