Rau sống được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khi ăn chúng, bao gồm cả nhiễm sán lá gan lớn nguy hiểm.
Giống như nhiều quốc gia châu Á khác, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là vùng dịch tễ của sán lá gan lớn bởi đặc điểm sinh thái và thói quen ăn uống. Thời gian gần đây, nhiễm sán lá gan lớn càng trở thành “chủ đề nóng” được dư luận quan tâm khi chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã điều trị 172 bệnh nhân bị áp xe gan do nhiễm sán lá gan lớn. Con số này tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng lo là trên thực tế, mặc dù nhiễm sán lá gan lớn không hề hiếm gặp nhưng rất nhiều người hoàn toàn không biết gì hoặc chủ quan về mức độ nguy hiểm của nó. Trong khi đó, chúng ta có thể dễ dàng bị nhiễm sán lá gan lớn qua những thói quen ăn uống, thực phẩm cực kỳ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.
Thực phẩm dễ gây nhiễm bệnh sán lá gan lớn
Mặc dù chưa tìm ra nguyên nhân chính xác khiến các ca nhiễm sán lá gan lớn ở Việt Nam tăng cao đột biến gần đây nhưng các bác sĩ đã tìm thấy điểm chung quan trọng giữa các bệnh nhân. Đó là họ đều có thói quen, sở thích ăn rau sống.
Ảnh minh họa
Theo thông tin từ WHO, sán lá gan chia làm sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Bệnh sán lá gan lớn là bệnh lý nhiễm ký sinh trùng, gây ra bởi hai tác nhân có tên khoa học là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Trong đó, loài Fasciola gigantica được phân bố chủ yếu ở châu Á với các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… Còn Fasciola hepatica lại phân bố chủ yếu ở châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi và chỉ một ít vùng ở châu Á.
Khác với sán lá gan nhỏ, vật chủ chính của sán lá gan lớn là người, động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, dê… Bởi vì Fasciola gigantica và Fasciola hepatica thường ký sinh trong cỏ, các thực vật thủy sinh hoặc nguồn nước.
Trong khi đó, Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác lại có thói quen ăn rau củ chưa được nấu chín kỹ, bao gồm cả rau sống và rau tái (rau chần, nhúng lẩu…). Khi đó, các loại sán lá gan lớn không thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ quá thấp (dưới 70 độ C) hoặc chỉ rửa với nước thông thường. Nên khi ăn phải, ký sinh trùng sán lá gan lớn sẽ nhanh chóng tấn công và gây nguy hiểm cho con người. Thậm chí, nhiều trường hợp ấu trùng sán có thể ký sinh trong cơ thể người và gây bệnh trong nhiều năm mà rất khó phát hiện.
Các loại rau tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn cao là các loại thủy sinh hoặc được trồng với phương pháp thủy canh. Phổ biến nhất phải kể đến: Rau ngổ, rau muống, rau rút, rau cần, rau cải xoong, ngó sen, lục bình, xà lách, rau cải, dưa leo… và nhiều loại rau thơm có thể trồng thủy canh khác. Ngoài ra, sán lá gan lớn cũng có thể lây xâm nhập vào cơ thể người qua một số loài ốc nước ngọt.
Mức độ nguy hiểm của bệnh sán lá gan lớn
Tiến sĩ Zheng Jianwei, Trưởng Khoa Phẫu thuật tổng quát, Bệnh viện Tiantan Bắc Kinh trực thuộc Đại học Y Thủ đô (Trung Quốc) cho biết, Trung Quốc cũng là một trong số những quốc gia có tỷ lệ mắc sán lá gan lớn rất cao. Đây là bệnh lý nguy hiểm, gây nhiều biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Khi nhiễm sán lá gan lớn, chúng sẽ giải phóng ra các ấu trùng sau đó xuyên qua thành tá tràng, vào ổ bụng rồi di chuyển đến sinh trưởng và phát triển ở nhu mô gan. Trong quá trình ký sinh ở gan, sán lá gan lớn tiết ra các chất độc làm phá hủy nhu mô gan, gây áp xe gan. Sau khoảng 2 – 3 tháng phát triển ở nhu mô gan, sán có thể chui vào đường mật, tiếp tục phát triển và đẻ trứng trong một khoảng thời gian rất dài.
Ảnh minh họa
Nếu không được phát hiện và điều trị, sán lá gan lớn có thể gây bệnh ung thư đường mật. Một số ít trường hợp, ấu trùng sán lá gan lớn di chuyển lạc chỗ và gây bệnh ở một số cơ quan khác như da, cơ, khớp, vú, dạ dày, đại tràng… Bệnh lý này còn làm ảnh hưởng đến toàn thân, gây ăn uống kém, sụt cân và suy mòn.
Ngoài ra, người từng nhiễm sán lá gan không có miễn dịch lâu dài và có thể dễ dàng tái nhiễm nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Triệu chứng và cách phòng bệnh sán lá gan lớn
Theo Tiến sĩ Zheng, nhiễm sán lá gan lớn thường bị phát hiện muộn bởi thời gian ủ bệnh có thể kéo dài, các triệu chứng ban đầu không rõ ràng, dễ bị hiểu lầm với nhiều bệnh vặt khác. Vì vậy, ông nhắc nhở chúng ta phải đặc biệt chú ý đến các triệu chứng đặc hiệu ở người nhiễm sán lá gan lớn sau đây:
– Đau bụng vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội nhưng có thể tự thuyên giảm hay biến mất.
– Sốt nhẹ hoặc sốt thoáng qua. Số ít trường hợp bệnh nhân có thể bị sốt kéo dài hoặc sốt cao kết hợp đau bụng bất thường.
– Có cảm giác đầy bụng, chán ăn kết hợp với buồn nôn hoặc/và khó tiêu.
– Sụt cân bất thường.
– Bị nổi mẩn ở da.
– Hội chứng thiếu máu mạn tính với dấu hiệu da xanh, móng tay trắng, niêm mạc mắt, môi, lưỡi trở nên nhợt nhạt.
Nếu xét nghiệm máu có thể phát hiện tăng bạch cầu ái toan. Hoặc nếu siêu âm bụng có thể thấy các tổn thương ở gan dạng nhiều kén sán nhỏ tụ thành khối, đường hầm, phân nhánh. Đây là biểu hiện sự di chuyển của sán qua gan. Cũng có một số ít trường hợp sán di chuyển lạc đường gây tổn thương ở các vị trí bất thường như thành ruột, màng phổi, cơ thăn…
Đối với các trường hợp sán lá gan lớn gây ra biến chứng tắc nghẽn các ống tiết trên đường tiêu hóa, người bệnh sẽ có biểu hiện lâm sàng của các bệnh lý như: vàng da tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hoá…
Tiến sĩ Zheng cũng nhấn mạnh, muốn phòng chống nhiễm sán lá gan lớn thì phải chú trọng nhất vào việc cắt đứt đường xâm nhập chính của chúng. Cụ thể là thực hiện triệt để ăn chín, uống sôi. Không nên ăn rau sống, rau tái, đặc biệt là các loại rau sống dưới nước như rau muống, xà lách xoong, rau cần, ngó sen, rau ngổ…
Ảnh minh họa
Với các loại ốc, cá.. cũng cần đảm bảo chỉ ăn khi đã vệ sinh kỹ và nấu chín hoàn toàn. Không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước và không uống nước lã. Ngoài ra, cũng cần định kỳ tẩy sán cho thú cưng, vật nuôi, gia súc trong nhà.
May mắn là hiện nay bệnh sán lá gan lớn có thể điều trị bằng thuốc đặc trị kết hợp với nhiều loại thuốc kháng histamin, giảm đau, lợi mật… khác. Tuy nhiên, muốn phòng tránh biến chứng nguy hiểm và điều trị hiệu quả, ít di chứng thì việc nhanh chóng phát hiện và tới bệnh viện kịp thời là vô cùng quan trọng. Tuyệt đối đừng chủ quan mà tự uống thuốc tiêu hóa hoặc xử lý tại nhà.