Tỉ giá VND/USD đã liên tục hạ nhiệt (VND mạnh lên so với USD) mấy ngày qua làm cho nhiều người cảm thấy khó hiểu lý do thực sự đằng sau đó là gì.
Có người đã cho rằng đây là một xu thế khi trong vòng 3 năm nay tỉ giá có xu hướng điều chỉnh (đi xuống) ngay đầu năm. Đồng thời, họ cũng liệt kê nhiều nguyên nhân để củng cố cho nhận định của mình như, hiện tại, thị trường đã bước qua kỳ cao điểm thanh toán hàng nhập khẩu cuối năm, cầu ngoại tệ giảm bớt hoặc bớt tập trung vào đầu năm mới. Song song đó, trước thềm Tết Nguyên đán nhiều năm gần đây cho thấy, nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ sang VND phục vụ hoạt động thanh toán, chi trả lương thưởng… thường tăng cao, kích thích thêm cung ngoại tệ thương mại và tỷ giá giảm nhanh.
Ngoài ra, trong chính sách điều hành những năm trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường có điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm cuối năm, hoặc thị trường có tâm lý kỳ vọng có điều chỉnh vào cuối năm, dẫn đến có biểu hiện đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Sau điều chỉnh, “điểm hẹn” tâm lý này được hóa giải và tỷ giá hạ nhiệt vào đầu năm mới. Năm nay, với cơ chế tỷ giá trung tâm, tỷ giá không dồn lại bằng những “điểm hẹn” chủ động điều chỉnh từ nhà điều hành, mà linh hoạt hàng ngày.
Trong đợt biến động tỷ giá cuối 2016, Ngân hàng Nhà nước cũng đã củng cố thông điệp giữ ổn định, cụ thể bằng việc bán ra ngoại tệ thấp hơn trần biên độ. Điều này góp phần tạo thêm niềm tin trên thị trường. Về yếu tố cung nói chung, như Ngân hàng Nhà nước khẳng định vừa qua, cung – cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn đảm bảo. Điều này được khẳng định thêm từ dự báo cán cân tổng thể năm qua có thể thặng dư ở mức cao, lên tới 8,5 tỷ USD, theo ước tính vừa công bố của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Biểu 1: Diễn biến tỉ giá VND/USD 1 tháng qua (nguồn tác giả tổng hợp)
Các nguyên nhân trên có thể đúng phần nào, nhưng chắc chắn chúng không thể giải thích được sự sụt giảm nhanh chóng, đột ngột của tỉ giá trong mấy ngày đầu năm 2017 này. Cụ thể hơn, về nguyên nhân thị trường đã bước qua kỳ cao điểm thanh toán hàng nhập khẩu cuối năm, nếu đúng vậy thì tỉ giá phải giảm mạnh càng về gần cuối năm và đặc biệt là ngay từ ngày đầu năm mới. Nhưng như biểu đồ trên cho thấy, tỉ giá chỉ thực sự giảm đáng kể kể từ ngày 3/1/2017 và đã giảm tổng cộng gần 200 đồng tương đương khoảng 0,8% trên thị trường chính thức.
Với nguyên nhân nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ sang VND phục vụ hoạt động thanh toán, chi trả lương thưởng… thường tăng cao trước thềm Tết Nguyên đán, kích thích thêm cung ngoại tệ thương mại và tỷ giá giảm nhanh cũng không hoàn toàn đúng. Vì nếu đúng là như vậy thì cũng khó giải thích một cách thuyết phục tại sao tỉ giá lại giảm nhanh đột ngột từ ngày 3/1 chứ không phải là những ngày trong tuần trước đó, vì những ngày đó cũng đều là trước Tết Nguyên đán cả, không quá xa mấy ngày gần đây.
Về nguyên nhân có sự điều hành linh hoạt tỉ giá hàng ngày cùng với cam kết bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỉ giá của NHNN, điều này cũng không hoàn toàn đúng. Sự linh hoạt về điều hành tỉ giá chỉ có tác dụng không để tỉ giá nhảy “giật cục” trong những thời điểm có áp lực biến động mạnh như mọi năm mà thay vào đó là “trườn” lên từ từ mỗi ngày (VND mất giá so với USD từ từ). Tâm lý kỳ vọng chỉ được hóa giải khi VND đã bị mất giá đủ lớn khi thị trường kỳ vọng là thế, chứ không phải phụ thuộc vào cơ chế tỉ giá là cố định hay linh hoạt.
Sự củng cố thông điệp bán USD để ổn định tỉ giá cũng không phải là nguyên nhân làm hạt nhiệt tỉ giá, bởi nếu đúng vậy thì tỉ giá phải hạ nhiệt ngay từ những ngày có sự khẳng định về thông điệp này (từ thượng tuần tháng 12/2016) chứ không phải đợi đến đầu tháng 1/2017. Nhìn xa hơn, trong quá khứ, dù có sự cam kết ổn định tỉ giá của NHNN bằng mọi công cụ, kể cả xuất dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường, thì cuối cùng VND vẫn bị phá giá.
Như vậy, việc tỉ giá giảm nhanh và đột ngột kể từ 3/1 không phải do những nguyên nhân trên gây ra, mà là do những nguyên nhân nào đó khác. Một trong số những nguyên nhân đó có thể là từ sự suy yếu đột ngột của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Biểu 2: Diễn biến dollar index 1 tháng qua
Như biểu đồ này cho thấy, ngoài bước điều chỉnh giảm vừa phải cuối tháng 12 (cũng kéo theo sự chững lại và giảm nhẹ của tỉ giá VND), USD lại bắt đầu một đợt điều chỉnh mạnh khác trong giai đoạn từ 3/1 đến 5/1 khi Mỹ công bố những số liệu không mấy khả quan về tình hình kinh tế trước khi hồi phục lại ở mức yếu hôm 6/1 nhờ số liệu mới cho thấy tốc độ tăng lương của Mỹ nhanh hơn kỳ vọng.
Sự điều chỉnh mạnh của USD từ ngày 3/1 trùng khớp với thời điểm tỉ giá VND/USD cũng điều chỉnh mạnh, như biểu 1cho thấy. Kết hợp với quan sát trực quan và tính toán thực tế về hệ số tương liên (correlation coeffcient) rất cao giữa diễn biến của tỉ giá VND/USD với diễn biến của dollar index trong 1 tháng gần đây hoặc kể từ vài năm trước, có thể kết luận rằng tỉ giá VND/USD gần như hoàn toàn bị chi phối bởi sự mạnh lên hay yếu đi của USD so với các đông bản tệ chủ chốt khác trên thế giới.
Nói cách khác, sức mạnh của USD là một yếu tố không thể bỏ qua hay coi nhẹ khi phân tích và dự báo về biến động tỉ giá VND/USD. Những yếu tố mà các nhà phân tích ở Việt Nam từ trước đến nay hay viện dẫn như cung cầu ngoại tệ, cán cân thương mại hay thanh toán, chính sách tỉ giá v.v… để làm lý do không điều chỉnh tỉ giá hay chỉ cần điều chỉnh ở mức nhỏ trên thực tế thường không có mấy sức nặng và sự phù hợp, và thường không chống đỡ được sức ép của thị trường.