Từ vụ tiệm vàng Hoàng Mai (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị khám xét, xử lý về hành vi đổi ngoại tệ trái phép, nhiều người băn khoăn không biết mua bán ngoại tệ, vàng như thế nào là hợp pháp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, Nghị định 24/2012 của Chính phủ (về quản lý hoạt động kinh doanh vàng) đã quy định: “Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp (DN) được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”. Như vậy, khi mua bán vàng miếng, mọi người bắt buộc phải thực hiện ở nơi có giấy phép.
Có giấy phép mới được mua bán vàng
Ông Minh lưu ý: DN được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là DN có vốn điều lệ trên 100 tỉ đồng; có kinh nghiệm trên hai năm; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong hai năm liên tiếp gần nhất; có cửa hàng trên ít nhất ba tỉnh, thành.
Ngân hàng được cấp phép là ngân hàng có vốn điều lệ trên 3.000 tỉ đồng, có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng, có chi nhánh trên ít nhất năm tỉnh, thành.
Làm sao người dân biết được nơi nào được cấp phép mua bán vàng miếng để yên tâm giao dịch? Theo ông Minh, hiện trên cả nước có khoảng 2.500 điểm (đây là các chi nhánh, cửa hàng của 22 ngân hàng và 16 DN), trong đó tại TP.HCM có 952 điểm được cấp phép, phủ khắp 24 quận, huyện. Ông đề nghị người dân nên tìm đến những nơi có treo bảng “địa điểm kinh doanh vàng miếng hợp pháp” để mua bán vàng miếng.
Mua bán ngoại tệ: Phải đến đúng chỗ
Theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối thì trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối. Chính vì thế, người có nhu cầu bán (đổi) ngoại tệ phải đến các ngân hàng hoặc các điểm được phép thu đổi ngoại tệ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, cho biết: Theo Quyết định 21/2008 của Ngân hàng Nhà nước về quy chế đại lý đổi ngoại tệ thì địa điểm đặt đại lý chỉ có ở khách sạn ba sao trở lên, cửa khẩu quốc tế, khu vui chơi giải trí có thưởng dành riêng cho người nước ngoài, văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam. Các đại lý này còn có ở các khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có nhiều khách nước ngoài.
Để được cấp phép làm đại lý đổi ngoại tệ thì cần đáp ứng các điều kiện như nơi giao dịch riêng biệt, trang bị đầy đủ các phương tiện; nhân viên phải được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả; có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ… Các đại lý này chỉ được dùng đồng Việt Nam mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân và không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy đồng Việt Nam.
Ông Minh chỉ dẫn: Ngoài hệ thống ngân hàng thì tại TP.HCM chỉ có 73 điểm thu đổi ngoại tệ. Như thế các tiệm vàng không được đổi ngoại tệ.
Phạt cả hai bên, tịch thu tiền, vàng
Cũng theo ông Minh, việc mua bán vàng hay thu đổi ngoại tệ không đúng quy định sẽ bị xử phạt theo Nghị định 95/2011 của Chính phủ.
Theo Điều 18 nghị định này, “hành vi mua, bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật” và “hành vi kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật” sẽ bị xử phạt từ 50 đến 100 triệu đồng, áp dụng cho cả bên mua lẫn bên bán. Ngoài phạt tiền thì vi phạm này còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu vàng, ngoại tệ giao dịch.
Một số vụ mua bán ngoại tệ trái phép
– Tại TP.HCM: Ở một phòng giao dịch của ngân hàng, đại diện một công ty đã mang 500.000 USD đến giao cho đại diện một công ty khác để nhận hơn 10,6 tỉ đồng. Cơ quan có thẩm quyền đã tịch thu hai khoản tiền này và còn phạt mỗi người 75 triệu đồng.
– Tại Thừa Thiên-Huế: Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với một cá nhân và một chủ tiệm vàng ở TP Huế về việc đổi 10.000 USD để nhận 209 triệu đồng. Ngoài việc tịch thu hai khoản tiền này, chủ tịch tỉnh còn phạt mỗi người 80 triệu đồng.
Ngoài các chi nhánh của 22 ngân hàng thì chỉ có các
cửa hàng của 16 DN sau được kinh doanh vàng miếng:
1. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
2. Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI.
3. Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam.
4. Công ty TNHH một thành viên Kim Ngọc Phú.
5. Công ty TNHH Mi Hồng.
6. Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Ngọc Hải.
7. Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Ngọc Thâm.
8. Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.
9. Công ty TNHH Vàng bạc Phúc Thành.
10. Công ty Cổ phần Thương mại Vàng bạc Đá quý Phương Nam.
11. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương tín.
12. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC.
13. Công ty Cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý
14. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
15. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý TP.HCM – Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam.
16. Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam.
Theo QUỲNH NHƯ – YÊN TRANG