Mua cổ phiếu quỹ: Lợi và hại

Việc bỏ ra 1 khoản tiền lớn mua cổ phiếu quỹ có thể cho thấy doanh nghiệp chưa ưu tiên cho kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng thị phần, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.

TIN MỚI

Những ngày gần đây TTCK xôn xao với tin STB mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ. Với mức giá hiện nay của cổ phiếu STB thì ngân hàng sẽ phải bỏ ra khoảng 1.300 tỷ đồng để phục vụ cho việc mua cổ phiếu quỹ. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh khan hiếm tiền như bây giờ.

Những lợi ích
 
Cũng như nhiều quyết định mua cổ phiếu quỹ khác, việc STB mua cổ phiếu quỹ được cho sẽ đem lại lợi ích cho cổ đông khi mà thị giá cổ phiếu được xác định thấp hơn giá trị thực. Về lý thuyết hành động này cũng sẽ giúp cô đặc hơn, giảm lượng cổ phiếu lưu hành, từ đó làm tăng EPS tính toán của cổ phiếu. Điều này có thể giúp cho thị giá cổ phiếu hấp dẫn hơn trong con mắt nhà đầu tư. 

Bên cạnh đó mua cổ phiếu quỹ còn được coi là quyết định đầu tư tài chính của các doanh nghiệp. Bởi, sau khi mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp kinh doanh tốt thì khả năng giá cổ phiếu tăng trưởng là cao. Khi đó doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ, thu lời thì sẽ tăng thặng dư vốn cổ phần. Như vậy cả trước mắt cũng như trong lâu dài, mua cổ phiếu quỹ đem lại lợi ích nhất định cho các cổ đông của doanh nghiệp.

Và mặt trái

Cũng như những hoạt động kinh doanh, đầu tư khác, mua cổ phiếu quỹ không phải không có những hệ lụy của nó. Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, tiền mặt được coi là “vua” thì việc bỏ ra số tiền lớn mua cổ phiếu không thể không khiến cổ đông đắn đo.

“Ngày 10/8, STB đã phát hành thêm khoảng 1.300 tỷ để tăng vốn điều lệ, mục đích là phục vụ hoạt động kinh doanh . Nhưng đến giờ lại tuyên bố bỏ ra chừng đó để mua cổ phiếu quỹ, điều này thật khó hiểu” – ông Nguyễn Việt Đức, Phó giám đốc nghiên cứu – phân tích SHF nhận xét.

Với hoạt động của ngân hàng hiện nay thì hệ số an toàn vốn CAR rất đáng quan tâm. Khi thực hiện mua cổ phiếu quỹ, ngân hàng sẽ phải mất một lượng tiền mặt khá lớn, giảm vốn chủ sở hữu, tác động làm giảm hệ số CAR. Như vậy với việc tăng EPS cho cổ đông, thì cổ đông cũng phải chấp nhận thực tế là hoạt động của ngân hàng thêm rủi ro. Thực tế STB vẫn hoàn toàn có thể đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu CAR theo đúng quy định của NHNN bằng cách thanh lý bớt tài sản có rủi ro, hoặc các khoản đầu tư để tăng lượng tiền mặt. 

Chưa kể việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hiện nay các ngân hàng đa phần thực hiện theo điều 6 của quyết định 493/2005/QĐ-NHNN, chỉ có số ít ngân hàng áp dụng theo điều 7 của quyết định này. Ngân hàng nhà nước vẫn muốn các ngân hàng thương mại thực hiện trích lập theo điều 7, trích lập dự phòng rủi ro dựa trên khả năng thanh toán nợ.

Như thế, mua cổ phiếu quỹ sẽ khiến ngân hàng mất đi khoản tiền đề phòng bù đắp cho nợ xấu có thể tăng trong thời gian tới.

Ông Đức cũng cho rằng: Việc mua cổ phiếu quỹ cũng cho thấy doanh nghiệp không ưu tiên sử dụng vốn để đầu tư mở rộng kinh doanh, hay đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng. Điều này có thể sẽ giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai.

Trong bối cảnh hiện tại thật khó để xác định quyết định mua cổ phiếu quỹ của STB lợi hay hại nhiều hơn. Có lẽ cổ đông và nhà đầu tư cần thêm thời gian để đánh giá, nhưng rõ ràng mọi quyết định của ban lãnh đạo STB cần phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của cổ đông STB. Điều này tốt cho cả doanh nghiệp cũng như thị trường nói chung nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của TTCK Việt Nam.

 
Cao Sơn
Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin