“Mùa gió ngang vai” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) – tập truyện ngắn của nhà văn trẻ Lê Ngọc – là 12 mảnh ghép sinh động trong bức tranh muôn màu của cuộc sống.
Ở đó người đọc có thể bắt gặp những phận đời, phận người từ thành thị đến nông thôn, những con người bước ra từ chiến tranh, những người trẻ tất bật mưu sinh giữa chốn thị thành, những con người đang loay hoay trong những mối quan hệ gia đình lỏng lẻo, trong tình yêu lứa đôi không trọn vẹn…
Lấy tên truyện ngắn Mùa gió ngang vai làm tựa cho tập sách, Lê Ngọc đã kể một câu chuyện ấm áp về những tháng ngày con cháu còn được sum vầy bên người bà thân yêu. Bà như sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình để tình thân càng thêm bền chặt, để dù ai đi xa vẫn luôn ngóng trông đến ngày trở về quê cũ, trở lại mái nhà xưa, nơi có bóng hình bà ngồi bên bếp lửa, chắt chiu nấu từng món ngon cho con cháu.
Bà là người duy nhất nhớ từng sở thích của mọi người trong nhà, hiểu rõ tính cách của từng thành viên. Rồi thời gian vụt qua, sợi dây kết nối vô hình ấy đứt gãy khi bà về miền mây trắng. Con cháu mỗi người bôn ba mỗi phương trời, chẳng còn ai hồ hởi với những cuộc sum vầy, những chuyến về quê cũ. Bởi ở căn nhà xưa, mảnh vườn cũ, ao bèo xanh, đã vắng bóng bà yêu thương đợi cửa. Mất bà, cũng chính là mất đi bến bờ neo đậu bình yên chốn quê nhà.
Những truyện ngắn trong tập truyện Mùa gió ngang vai vẫn giữ nguyên giọng văn trong trẻo, dung dị và mang đậm hương vị hồn quê Bắc Bộ trong những tác phẩm trước đó của Lê Ngọc. Ở truyện ngắn “Giật mình xốn xang”, đó là cái giật mình đầy thổn thức của những người trẻ rời quê neo mình nơi phố thị. Họ rời xa những cánh đồng tít tắp, những ngọn núi xanh ngàn mù sương, rời xa những triền đất xanh rì cây cỏ để nhốt mình trong những bức tường bê tông phòng trọ chật hẹp chốn thị thành. Cứ ngỡ giữa phố thị lao xao, giữa bể người mênh mông lạnh lẽo ấy cũng sẽ thiếu vắng chân tình. Thế nhưng trong hoạn nạn, giữa mùa dịch dã hoành hành, mới nhận ra tình người nơi phố thị vẫn ấm áp, đong đầy. Dù ở nông thôn hay thành phố, vẫn luôn nóng ấm những trái tim đầy yêu thương, chở che đùm bọc.
“Ngày trở về” là một góc nhìn khác về chiến tranh của tác giả trẻ Lê Ngọc. Một người phụ nữ có người yêu hy sinh trong chiến trận. Và nỗi đau ấy cứ kéo dài mãi, giày vò bà trong suốt mấy mươi năm, từ ngày tóc xanh cho đến lúc đầu bạc. Đau, không phải chỉ là đã mất lời hẹn thề thuở thanh xuân, mà đau bởi sự ghen tuông vô lý của chồng với người đã khuất. Chính sự ghen tuông có phần mù quáng ấy, khiến người chồng đã không nhận ra tình yêu của vợ dành cho mình mà phải đến lúc vô tình nghe lén được cuộc chuyện trò giữa vợ và con trai, ông mới muộn mằn nhận ra. Và một ngày tháng Bảy, họ đã cùng nhau thực hiện chuyến hành hương về nghĩa trang nơi người chiến sĩ trẻ năm nào yên nghỉ, cùng trao lại những kỷ vật cho gia đình, khép lại một đoạn hồi ức buồn.
“Cái quý giá nhất đời người là ký ức, nhất là ký ức về người thân” và tập truyện Mùa gió ngang vai mang đến cho độc giả nhiều ký ức đẹp đẽ.