Khi tham khảo các bài đăng rao bán iPhone cũ, người mua rất có thể sẽ gặp những thuật ngữ lạ mà chỉ giới chuyên ngành mới hiểu. Bài viết này sẽ giải đáp những thuật ngữ phổ biến nhất hiện nay.
“Máy cũ giá rẻ” là chuyên mục giới thiệu những sản phẩm công nghệ tuy không còn mới nhất, nhưng qua thời gian đã giảm giá xuống mức dễ tiếp cận hơn. Do đã qua sử dụng, những sản phẩm này có thể bị ảnh hưởng về hình thức, thời lượng pin cũng như chất lượng. Ngoài ra, chế độ bảo hành của sản phẩm cũ cũng không thể đảm bảo so với hàng mới.
Vì vậy, mặc dù những sản phẩm công nghệ cũ mang đến nhiều giá trị hơn so với những sản phẩm mới trong cùng tầm giá, nhưng người dùng vẫn cần cân nhắc trước khi sở hữu chúng.
“Zin” hoặc “Zin all”
Khi mua iPhone cũ, hầu hết người dùng đều mong muốn sở hữu một chiếc máy nguyên bản, chưa qua sửa chữa. Những từ như “zin”, “zin all”, “nguyên zin” được dùng để mô tả loại máy này.
“Keng”
Từ ngữ mô tả về tình trạng hình thức. Một chiếc iPhone “keng” sẽ có hình thức đẹp như mới, không xước hoặc vết xước nhỏ đến độ không thể nhận ra.
“Phẩy”
Trái lại với iPhone “keng”, ngoại hình của những chiếc iPhone “phẩy” sẽ có những vết xước, nhưng không đủ lớn để làm ảnh hưởng tới trải nghiệm sử dụng.
“VXKX” hoặc “VXKĐ”
Nếu một chiếc iPhone không thuộc dạng “keng” hay “phẩy”, chiếc iPhone đó thường sẽ gặp những khiếm khuyết về ngoại hình.
“VXKX” là viết tắt của “Vỏ xấu kính xấu”, trong khi “VXKĐ” là “Vỏ xấu kính đẹp”. “Vỏ” bao gồm phần viền bao quanh máy và mặt lưng, trong khi “kính” là phần mặt kính màn hình.
Như vậy, một chiếc iPhone “VXKĐ” sẽ có hình thức tổng thể tương đối xấu, nhưng phần kính màn hình vẫn đẹp và không tạo sự khó chịu cho người dùng khi sử dụng. Tương tự, một chiếc iPhone “VXKX” sẽ không chỉ có hình thức xấu, mà màn hình cũng sẽ xước nhiều. Thường những loại máy này có mức giá rẻ hơn từ 10% tới 20% so với máy hình thức đẹp.
“Spa”
Đối với những chiếc iPhone với hình thức xấu, ngoài việc giữ nguyên bản để bán, không ít những chiếc máy sẽ bị mông má lại về mặt hình thức để trở nên hấp dẫn hơn với người mua.
Một chiếc máy với màn hình xước có thể bị đánh kính để làm biến mất các vết xước. Hành động này còn được giới kỹ thuật gọi là “spa”.
Bản chất của việc đánh kính là làm bào mòn lớp kính để làm mờ đi những vết xước. Đánh kính khiến lớp kính yếu đi, làm ảnh hưởng đến độ bền khi va đập, độ nhạy cảm ứng có thể bị ảnh hưởng khi dán cường lực.
“Lock”
iPhone Lock là iPhone khóa mạng. Đây là những chiếc máy mua từ nhà mạng theo dạng hợp đồng, và bị khóa về mặt phần mềm để chỉ có thể sử dụng SIM của nhà mạng đó.
iPhone Lock có thể được sử dụng tại Việt Nam bằng bổ sung thêm SIM ghép, một phụ kiện gắn kèm vào SIM chính để đánh lừa khả năng nhận diện nhà mạng của iPhone. Mặc dù đã có nhiều bước phát triển, nhưng SIM ghép cho iPhone Lock vẫn tồn tại nhiều vấn đề về tính ổn định, đặc biệt là tình trạng lỡ cuộc gọi. Người dùng không nên mua dòng máy này nếu không hiểu rõ những hạn chế.
“Màn EK”
“EK” được viết tắt của từ “ép kính”, là kỹ thuật thay thế mặt kính. Một chiếc iPhone khi bị đánh rơi, va đập làm vỡ kính (trước/sau) khi được nhập về có thể được ép kính để khôi phục hình thức và công năng.
Ép kính là một kỹ thuật khá phổ thông của giới sửa chữa điện thoại. Tuy nhiên, do đã bị can thiệp về phần cứng, những chiếc iPhone ép kính không thể được gọi là “zin”. Thế nhưng thực tế trên thị trường, không ít những thương gia vẫn đang quảng cáo dòng máy này là “zin” do người dùng không thể nhận biết iPhone đã bị ép kính nếu không mở máy ra kiểm tra.
“Màn OLED” hoặc “Màn LCD”
Khi đọc những tin bài rao bán trên mạng xã hội, đôi lúc bạn sẽ thấy những chiếc máy iPhone với “màn OLED” hoặc “màn LCD”. Nếu không phải dân chuyên, bạn sẽ cảm thấy rất bối rối. iPhone rõ ràng là sử dụng màn hình OLED (hoặc LCD) rồi, lý do nào khiến cho người bán lại phải đề cập tới loại màn hình trong bài đăng?
Thực chất, “màn OLED” hay “màn LCD” là một cách hoa mỹ để ám chỉ việc máy đã bị thay màn hình. Tệ hơn, những chiếc màn hình này không phải là màn hình nguyên bản do Apple sản xuất, mà là do các bên thứ ba với chất lượng kém hơn (hay còn gọi là màn lô).
Hiện nay, một trong số những nhà sản xuất màn hình bên thứ ba phổ biến nhất là GX, một công ty đến từ Trung Quốc. Vì vậy nếu trong bài đăng đề cập tới GX thì chiếc máy đó cũng đã bị thay màn hình.
Giá của màn hình do bên thứ ba sản xuất do rẻ hơn đáng kể so với màn hình chính hãng, vì vậy giá của chiếc iPhone đã bị thay thế màn hình cũng thấp hơn rất nhiều so với một chiếc máy với màn hình nguyên bản. Mức chênh lệch này đôi khi lên tới 30% đến 50%.
“MVT” hoặc “Mất Face”
“MVT” là viết tắt của “Mất vân tay”, trong khi “Mất Face” là “Mất Face ID”. Vân tay (Touch ID) và Face ID là tính năng bảo mật của iPhone để người dùng dễ dàng xác thực bằng sinh trắc học.
Tuy nhiên, những tính năng này hoàn toàn có thể bị vô hiệu hóa nếu một trong số những thành phần linh kiện bị hư hại. Trên thị trường, iPhone “MVT” hoặc “Mất Face” rẻ hơn từ 20% tới 30% so với máy đầy đủ tính năng.
Một lý do lớn nhất khiến cho máy mất Touch ID hoặc Face ID là do người dùng làm rơi hoặc vào nước. Vì vậy, kể cả khi người dùng không có mong muốn sử dụng các tính năng bảo mật, những mẫu iPhone này vẫn rất rủi ro để sở hữu do có thể phát sinh những vấn đề khác về phần cứng.
“Nguyên áp”, “Bao áp”
“Áp” ở trong những từ trên là viết tắt của “áp suất”. Một chiếc iPhone được quảng cáo “nguyên áp” hoặc “bao áp” có nghĩa là chiếc iPhone đó vẫn còn áp suất, và thường được người bán ám chỉ rằng máy chưa bao giờ bị mở ra để đụng chạm phần cứng.
Tuy nhiên, thực tế áp suất của iPhone không đóng vai trò quan trọng trong việc chọn mua máy cũ. Đầu tiên, người dùng sẽ không được bảo hành trong trường hợp máy vào nước, vì vậy áp suất của máy cũng chỉ mang tính chất “tượng trưng”, đặc biệt với các dòng máy cũ với tỷ lệ hao mòn cao.
Nhưng quan trọng hơn, một chiếc iPhone “nguyên áp” hoàn toàn không đồng nghĩa với việc chiếc iPhone đó chưa từng bị mở ra, bởi keo/ron kháng nước hoàn toàn có thể được dán lại và máy sẽ lại có áp suất như trước khi mở.
Thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh iPhone cũ hiện còn nhấn mạnh về việc máy không còn áp, do trong quá trình nhập hàng sẽ bắt buộc phải mở máy ra để kiểm tra. Vì vậy, người dùng không nên chú trọng quá nhiều vào yếu tố này khi mua iPhone cũ.
“LKKXĐ”, “LKCH” hoặc “Báo LK”
“LKKXĐ” là viết tắt của “Linh kiện không xác định”, trong khi “LKCH” là “Linh kiện chính hãng”. Đây là một tính năng được Apple bổ sung vào iOS 15 nhằm giúp người dùng dễ dàng nhận biết chiếc iPhone đó đã từng qua sửa chữa hay chưa. Người dùng có thể truy cập bằng cách vào Cài đặt > Cài đặt chung > Giới thiệu.
– Nếu máy báo “Linh kiện không xác định”, chiếc iPhone đó đã bị thay thế linh kiện bên trong máy bởi bên thứ ba. Khó có thể kiểm chứng được chất lượng của linh kiện này nếu không mở máy để kiểm tra trực tiếp.
– Nếu máy báo “Linh kiện chính hãng Apple”, chiếc iPhone đó đã bị thay thay thế linh kiện, nhưng là do chính tay Apple thực hiện nên chất lượng có thể được đảm bảo. Người dùng không nên quá lo lắng khi nhìn thấy dòng thông báo này.
Lưu ý, mỗi một dòng iPhone lại có khả năng nhận diện linh kiện thay thế khác nhau. Ví dụ, thế hệ iPhone mới nhất (14/13) có thể phát hiện khi màn hình, camera, pin bị thay thế; nhưng những thế hệ iPhone cũ như iPhone Xs lại chỉ có thể phát hiện pin. Vì vậy, đây không phải là cơ sở tuyệt đối mà người dùng có thể dựa vào để chọn mua máy cũ.