Không ít trường hợp vì tin tưởng môi giới đã bỏ ra tiền trăm triệu đồng chỉ để “cọc” mua suất ngoại giao nhà ở xã hội. Nhưng kết quả nhận được lại là lá bốc thăm “trắng” và khoản tiền cọc trăm triệu khó đòi.
Đầu tháng 2/2023, vợ chồng chị A.M liên hệ với môi giới dựa trên thông tin trên nhóm cư dân chung cư ở Hà Nội. Môi giới này quảng cáo có suất ngoại căn nhà ở xã hội với mức giá mềm, chỉ khoảng 20 triệu đồng/m2.
Sau khi liên hệ và nghe tư vấn, chị A.M lo lắng vì việc làm hồ sơ nhà ở xã hội khá phức tạp, nhất là liên quan thông tin cư trú. Vợ chồng chị A.M bàn với nhau, chấp nhận cọc tiền trước căn nhà ở xã hội để “chắc suất mua”.
Thế nhưng, đến tháng 5/2023, vợ chồng chị A.M mới ngã ngửa ra khi được biết, người mua NOXH vẫn phải tham gia nộp hồ sơ và bốc thăm.
Điều đáng nói, đến ngày bốc thăm, chồng chị A.M phải xếp hàng từ sáng sớm. Nhưng không may mắn, vợ chồng chị không bốc thăm trúng vào căn hộ nào.
Từ thời điểm thông tin nộp hồ sơ mua NOXH đăng tải trên các kênh thông tin đại chúng, vợ chồng chị A.M mới nhận ra: “Cọc nhầm vì tin tưởng môi giới”. Đến hiện tại, dù đã liên hệ với môi giới nhưng vợ chồng chị A.M vẫn chưa lấy lại khoản tiền trăm triệu đã cọc.
Cũng chỉ cách đây vài tháng, nhiều môi giới chào bán căn hộ nhà ở xã hội Green Tower tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội với mức giá 20-21 triệu đồng/m2. Theo thông tin môi giới cung cấp, khách xuống tiền sớm sẽ được lựa chọn căn, vị trí. Hợp đồng kí kết giữa chủ đầu tư và khách hàng theo hình thức góp vốn. Thực tế, đã không ít khách hàng xuống tiền mua nhà ở xã hội tại dự án này song trên thực tế, dự án này chưa được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
Theo chia sẻ của luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM), đối với NOXH, không giống như nhà ở thương mại, không có việc chủ đầu tư mở bán, không có sự tự do mua bán, ở đây là thông báo thời gian và địa điểm nhận hồ sơ nộp cho chủ đầu tư.
Việc người dân có được mua hay không thì tùy theo việc nguyên tắc xét duyệt đối tượng của một dự án cụ thể, vào một thời điểm cụ thể theo quy định Điều 23 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Luật sư Trần Đức Phượng cho biết, quy trình mở bán NOXH gồm 5 bước sau:
Bước 1: Sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư cung cấp thông tin dự án để công khai tại Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
Bước 2: Trước khi thực hiện việc bán nhà ở xã hội, Chủ đầu tư có báo cáo về tổng căn hộ sẽ bán và thời điểm bắt đầu bán để Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh biết và kiểm tra.
Bước 3: Chủ đầu tư nhận hồ sơ đăng ký mua của các khách hàng và thực hiện việc giải quyết theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Bước 4: Sau khi chọn được người mua (tùy theo bước 3 là trường hợp nào), chủ đầu tư lập danh sách khách hàng dự kiến được giải quyết và báo cáo Sở Xây dựng kiểm tra.
Bước 5: Sau đó, chủ đầu tư ký kết hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư (nhà ở xã hội),…. với khách hàng.
Bước 6: Sau khi ký hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm lập đầy đủ Danh sách các đối tượng (bao gồm cả các thành viên trong hộ) đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội gửi về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để công bố công khai trong thời hạn 30 ngày làm việc.
“Nếu hình thức là hợp đồng vay vốn nhưng có nội dung mở bán, nội dung nhận hồ sơ, nội dung hứa hẹn việc sẽ bán thì đây cũng là hình thức không đảm bảo các điều kiện theo quy định, mặt khác chứa đựng nội dung chủ đầu tư cố ý lừa dối, gây nhầm lẫn cho những đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ NOXH thì cũng xử lý vi phạm như điểm c khoản 1 Điều 64 Nghị định 16/2022/NĐ-CP”, luật sư Trần Đức Phượng nhấn mạnh.
Theo vị luật sư này, căn cứ vào quy định pháp luật, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội không được ký hợp đồng vay vốn với chủ đầu tư hoặc trả khoản tiền như đặt cọc khi dự án chưa hoàn thiện về pháp lý như dự án chưa khởi công để đề phòng “mất trắng”.