Theo đó, người tham gia BHXH có thể quá trình đóng BHXH, kiểm tra công ty có đóng BHXH cho mình hay không trên ứng dụng VssID
Mức đóng BHXH bắt buộc hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013, khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHXH đối với người lao động được xác định như sau:
– Bảo hiểm xã hội: 8%;
– Bảo hiểm thất nghiệp: 1%;
– Bảo hiểm y tế: 1,5%.
Như vậy, mức đóng BHXH của người lao động là 10.5%.
Hiện nay, công thức tính tiền đóng BHXH được xác định như sau:
Mức tiền đóng BHXH = Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc x Tỷ lệ % đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN
Trong đó, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động, gồm:
– Tiền lương;
– Phụ cấp chức vụ, chức danh;
– Phụ cấp trách nhiệm;
– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
– Phụ cấp thâm niên;
– Phụ cấp khu vực;
– Phụ cấp lưu động;
– Phụ cấp thu hút;
– Các phụ cấp có tính chất tương tự;
– Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thoả thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Làm thế nào để biết công ty có đóng BHXH đầy đủ cho người lao động hay thông?
VssID – Bảo hiểm xã hội số (VssID) là ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo đó, người tham gia BHXH có thể quá trình đóng BHXH, kiểm tra công ty có đóng BHXH cho mình hay không trên ứng dụng VssID theo các bước sau:
Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VssID
Người tham gia BHXH mở ứng dụng VssID (được cài đặt từ CHplay hoặc Appstore), thực hiện đăng nhập vào hệ thống bằng cách gõ tên đăng nhập và mật khẩu.
Bước 2: Nhấn chọn “Quá trình tham gia”
Tại trang chủ Quản lý cá nhân, nhấn chọn mục “Quá trình tham gia”
Bước 3: Kiểm tra thông tin quá trình đóng BHXH, kiểm tra công ty có đóng BHXH
Sau khi nhấn “Quá trình tham gia”, hệ thống ứng dụng VssID sẽ chuyển đến trang thông tin về quá trình tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, BH tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, BHYT và C14-TS.
Theo đó, để xem quá trình đóng BHXH, kiểm tra công ty có đóng BHXH hay không, nhấn chọn ô “BHXH”.
Kết quả sẽ hiển thị như sau:
Trong đó, bao gồm các thông tin: Tổng thời gian tham gia BHXH, Tổng thời gian chậm đóng, Đơn vị sử dụng lao động, Nghề nghiệp/Chức vụ.
Để xem chi tiết, nhấn vào ô có biểu tượng con mắt. Hệ thống sẽ hiển thị chi tiết thông tin đơn vị sử dụng lao động, tiền lương đóng BHXH và mức lương của người tham gia BHXH.
Người tham gia BHXH được hưởng những quyền lợi gì?
Theo Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội, khi tham gia BHXH, người lao động có quyền được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này; được cấp và quản lý sổ BHXH; nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời; hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau: Đang hưởng lương hưu; Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng; Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
Bên cạnh đó, người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, người lao động tham gia BHXH có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH. Định kỳ 6 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.