Theo TS Vũ Đình Ánh, câu chuyện 2% là mong muốn, định hướng, nỗ lực của NHNN về tỷ giá hối đoái, tuy nhiên, tình hình diễn biến đã có rất nhiều đổi khác trên thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quyết định nới thêm 1% biên độ tỷ giá trong ngày hôm qua (7/5), chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã có những chia sẻ với báo giới.
Ông có đánh giá như thế nào về việc NHNN thay đổi biên độ tỷ giá trong ngày 7/5?
Ông Vũ Đình Ánh: Quyết định tăng biên độ tỉ giá 1% vẫn nằm trong kế hoạch, dự tính trước của NHNN về tỷ giá hối đoái 2015, vẫn chưa vượt ra ngoài. Đây là một biện pháp điều hành của NHNN trước áp lực tỉ giá hối đoái trên cả thị trường chính thức và thị trường phi chính thức diễn ra từ đầu 2015 đến nay.
Thời điểm mang tính chu kỳ, các năm trước, điều chỉnh tỷ giá thường rơi vào giữa năm, và bây giờ là tháng 5, cũng là thời điểm không quá bất ngờ.
Cam kết về điều hành tỷ giá được thực hiện từ 2012 và đến nay cơ bản thực hiện được, thậm chí thấp hơn nhiều so với cam kết trong những năm trước. Năm 2015, định hướng về chính sách tỷ giá hối đoái căn cứ trên đánh giá tình hình cũng như nguyên tắc điều hành tỷ giá.
Câu chuyện 2% là mong muốn, định hướng, nỗ lực của NHNN về tỷ giá hối đoái, tuy nhiên, tình hình diễn biến đã có rất nhiều đổi khác trên thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế.
Đã hết room 2% nhưng điều đó không có nghĩa từ nay đến cuối năm, tỷ giá chỉ thay đổi theo chiều hướng tăng mà có thể có cả hướng điều chỉnh giảm phụ thuộc vào những điều kiện của thị trường.
Việc đưa ra cam kết đó nhằm ổn định thị trường và các năm trước đã thực hiện được, kể cả năm nay điều chỉnh hơn nữa không có nghĩa là cam kết thất bại mà đây là những diễn biến không lường trước được của thị trường trong và ngoài nước.
Mức độ điều chỉnh phụ thuộc vào cơ quan quản lý đánh giá áp lực tỉ giá hối đoái và tìm ra được những nguyên nhân cơ bản về thực tế kinh tế tài chính trong và ngoài nước hay tâm lý kỳ vọng nên mới quyết định điều chỉnh hay không điều chỉnh và điều chỉnh bao nhiêu.
Có ý kiến cho rằng, tỷ giá nên điều chỉnh từ từ theo mức 0,25% hoặc 0,5% chẳng hạn. Ông nghĩ sao?
Tôi cho rằng, điều chỉnh 0,25% hay 0,5% chưa chắc giúp ổn định thị trường mà thậm chí có khi còn tạo kỳ vọng trong ngắn hạn về việc tiếp tục tăng nốt chỗ còn lại, do đó không những không giúp ổn định mà còn tạo ra kỳ vọng tăng tiếp nên lựa chọn phương án 1% dựa trên đánh giá của NHNN nhằm giúp ổn định thị trường.
NHNN giành lại quyền chủ động về điều hành tỷ giá hối đoái, không nhất thiết phải cứng nhắc trong biên độ 2% mà còn có những lựa chọn khác để bổ sung, phối hợp can thiệp, không nhất thiết mỗi khi có áp lực lại tăng tỷ giá, mà còn nhiều công cụ khác như bán ngoại tệ, thậm chí kể cả các công cụ hành chính…
Theo ông việc điều chỉnh tỷ giá lần này của NHNN sẽ tác động như thế nào đến kinh tế vĩ mô và thị trường?
Thứ nhất, tôi cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chắc chắc sẽ tác động đến chỉ số lạm phát do độ mở của kinh tế Việt Nam đặc biệt quy mô nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn và từ đầu năm đến nay tốc độ nhập khẩu cao hơn so với xuất khẩu.
Tuy nhiên với mức điều chỉnh 1% lần này do đó việc tác động quá mạnh đến lạm phát sẽ không xảy ra
Thứ 2 lãi suất, chúng ta cũng biết ngay từ đầu năm, chúng ta điều chỉnh tỷ giá hối đoái 1%. Tuy nhiên trong thực tế diễn biến lạm phát đến tháng 4 chỉ tăng bình quân 0,8%; còn nếu so với cuối năm 2014 vừa qua thì gần như không tăng (chỉ khoảng 0.01%). Như vậy gần như nó không có tác động quá lớn đến lạm phát.
Do đó có thể nói điều chỉnh tỷ giá lần này, tác động là có tuy nhiên không quá lớn và khả năng chúng ta vẫn duy trì được lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu ra cho cả năm
Có nhiều ý kiến cho rằng nếu chúng ta điều chỉnh tỷ giá, nợ công sẽ gia tăng?
Về nguyên tắc khi chúng ta điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì phần tiền Việt phải chi trả cho nợ công cả gốc lẫn lãi sẽ tăng lên.
Tuy nhiên việc điều chỉnh tỷ giá lần này chỉ 1%, nếu tính sang tiền Việt cũng chỉ tương đương cỡ 1% và không quá lớn.
Thứ 2 chúng ta trả nợ gốc và lãi bằng ngoại tệ các khoản vay của chúng ta, do đó hiện nay có một xu hướng chúng ta bố trí các nguồn ngoại tệ từ các nguồn khác nhau để sử dụng trong đó có một phần để trả cho phần nợ công kia.
Do đó nó không tác động trực tiếp đến vấn đề quan hệ giữa nội tệ- ngoại tệ về mặt tỷ giá hối đoái và cũng giảm bớt áp lực nợ công do tác động của diễn biến tỷ giá.
Khoảng 3-4 năm nay, chúng ta thường đưa ra thông điệp chỉ điều chỉnh tỷ giá trong một biên độ cố định. Điều này có làm cho NHNN trở nên khó khăn trong điều hành không?
Rõ ràng diễn biến tỷ giá hối đoái cũng như quan điểm điều hành của chúng ta có một thay đổi cơ bản bắt đầu từ năm 2012. Sau khi phá giá rất mạnh vào đầu 2011 thì suốt năm 2012, chúng ta không điều chỉnh tỷ giá hối đoái một lần nào hết. Và đến năm 2013-2014, mỗi năm chúng ta cũng chỉ điều chỉnh tỷ giá 1 lần vào giữa năm và có đưa ra 1 cam kết tỷ giá không tăng quá 2-3% trong mỗi năm. Trong thực tế, chúng ta cũng đã không điều chỉnh tỷ giá hối đoái hết mức cam kết đó.
Sang đến năm 2015, chúng ta cũng đặt ra cam kết là tỷ giá không tăng quá 2%, nhưng cho đến nay chúng ta đã sử dụng hết dư địa đó. Do đó tôi cho rằng các cam kết trong năm 2012-2014 đã góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô trong đó có việc ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, góp phần kiềm chế lạm phát.
Trong thời gian đó, chúng ta đã có thặng dư cán cân thương mại theo đó, cán cân thanh toán được cải thiện và do đó dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục như chúng ta đã biết.
Sang năm 2015, rõ ràng kỳ vọng mong muốn của cơ quan quản lý vẫn là giữ cam kết 2%. Tuy nhiên, chúng ta nên theo dõi sát diễn biến trên thị trường đồng thời căn cứ trên các dự báo tình hình cán cân thương mại, cán cân thanh toán và diễn biến của quan hệ tỷ giá hối đoái giữa USD và các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới để có quyết định điều hành tỷ giá phù hợp.
Khánh Nhi (lược ghi)