Năm 2024, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng. Tuy nhiên, có 8 trường hợp mà người lao động được nghỉ hưu trước tuổi quy định.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 169, Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được hưởng lương hưu khi đạt đủ 2 điều kiện là đảm bảo thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật và đủ tuổi nghỉ hưu.
Căn cứ khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Như vậy, theo lộ trình trên thì tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường năm 2024 đối với lao động nam là 61 tuổi và đối với lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.
Điều kiện để người lao động có thể nghỉ hưu trước tuổi
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường vào năm 2024 nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
– Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
– Có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
– Có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021) từ đủ 15 năm trở lên
– Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Bên cạnh đó, người lao động có thể nghỉ hưu trước 10 tuổi theo Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Nghỉ hưu trước tuổi có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?
Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Chết.
Theo đó, người lao động nghỉ hưu trước tuổi được hưởng chế độ hưu trí, do đó sẽ không nhận được trợ cấp thất nghiệp.