Năm nay kinh tế khó khăn, không biết những người mới đi làm tiết kiệm được bao nhiêu?
Càng gần cuối năm, chuyện tiền nong lại được bàn luận sôi nổi hơn bao giờ hết. Từ chuyện năm nay tiêu Tết thế nào, lương thưởng bao nhiêu hay tiết kiệm được nhiều không?,… trở thành đề tài bàn tán trong những câu chuyện thường nhật. Cùng lắng nghe chia sẻ từ một số bạn trẻ, xem tình hình tích lũy của họ năm nay thế nào nhé!
“Những năm đầu mới đi làm, mình bắt đầu có những áp lực về tài chính. Tuy chỉ chi trả cho các loại chi phí sinh hoạt cơ bản, 1 vài hoạt động vui chơi, thỉnh thoảng đăng ký lớp học nâng cao kiến thức thôi, mà cũng đủ chật vật. Nguyên nhân cũng bởi vì thu nhập chưa cao mà chi tiêu lại nhiều.” Hồ Quỳnh (23 tuổi, TP.HCM, gia sư Tiếng Anh) cho biết, gần đến cuối năm nhưng tình hình tài chính năm nay có lẽ không “báo hiếu bố mẹ được rồi!”.
Bên cạnh đó, Trung Đức (22 tuổi, nhân viên SEO, Ninh Bình) lại cho biết, năm nay anh chàng tiết kiệm được khoảng 2/5 số tiền lương kể từ khi đi làm. Đây quả thực là 1 năm gặt hái được chút thành quả đối với Đức: “Thật ra số tiền tiết kiệm được cũng là do mình hạn chế chi tiêu. Còn tính về lương thưởng quả thực cũng không quá nhiều. Chủ yếu là mình có nhận làm thêm 1 số công việc phụ nữa mới có mức thu nhập tạm ổn so với bạn bè.”
Đi làm được gần 4 năm, Dũng Nguyễn (25 tuổi, Nam Định, giám sát công trình) chia sẻ: “Tổng kết cuối năm, mình vừa có bước tiến mới trong công việc, vừa được tăng lương. Tính đến tết âm này, tài khoản tiết kiệm của mình dư hơn 100 triệu 1 chút. Mình từ quê lên thành phố làm việc với 2 bàn tay trắng, vẫn đi chiếc xe cũ, xài điện thoại thường, cố gắng cày ngày cày đêm cũng có được chút thành quả. Mình rất vui vì tình hình tài chính năm nay có phần ổn định hơn.”
Mục tiêu tiết kiệm của mỗi người là khác nhau
Việc tiết kiệm tiền là mục tiêu của mỗi người, không có thời gian hay 1 con số cụ thể. Dũng Nguyễn (25 tuổi) chia sẻ: “Thực sự thì từ ngày mới ra trường, đi làm, tiền lương nhận được hàng tháng chắc cũng chỉ đủ ăn tiêu. Khi đó, mình cũng chưa nghĩ đến chuyện tiết kiệm, vì thậm chí có tháng còn tiêu âm tiền. Cho đến thời điểm sau 1 năm đi làm, tiền lương dần tăng lên, mình bắt đầu có những số dư đầu tiên trong tài khoản. Kể từ đấy, mình mới đặt mục tiêu tiết kiệm: Từ 10 triệu, lên tới 20 triệu, rồi 50 triệu. Và sau khoảng 4 năm đi làm, mình tiết kiệm được hơn 100 triệu.”
Dù đặt mục tiêu tiết kiệm tiền trong năm nay, nhưng Hồ Quỳnh (23 tuổi) cho biết, có nhiều kế hoạch cần thực hiện nên tiền tiết kiệm cũng không được dư giả lắm: “Công việc của mình trong năm nay biến động khá nhiều. Do mình làm việc ở trung tâm, ngoài ra còn nhận dạy gia sư 1 kèm 1, có lúc thì học viên kín lịch, có lúc lại không. Thế nên thu nhập theo đó cũng không đều đặn. Có tháng, mình nhận tối đa khoảng 5 học viên, kèm theo buổi trong tuần, kiếm được hơn 20 triệu/tháng. Có tháng lịch giãn hơn, thì lương quanh quẩn mức 10-15 triệu. Mà đặc thù công việc, mình luôn phải học thêm kiến thức từ nhiều nguồn bổ trợ, nên số tiền chi cho các khóa học kiến thức cũng nhiều. Trong năm nay mình tiết kiệm không được bao nhiêu cả. Hơn nữa, những năm đầu đi làm, mình cũng không đặt nặng việc tiết kiệm tiền cho lắm!”
Hồ Quỳnh (23 tuổi) – Ảnh NVCC
Đi làm được gần 1 năm, nhưng Trung Đức (22 tuổi) đã suy nghĩ về việc tiết kiệm một cách nghiêm túc: “Mọi chi phí sinh hoạt hàng tháng mình đều tự lo, không xin bố mẹ đồng nào. Thỉnh thoảng, mình còn gửi về để biếu bố mẹ 1 chút. Để có sẵn tiền làm những điều này, mình đã phải tính toán thu chi hàng tháng khá kỹ lưỡng. Ngoài đi làm hành chính 8 tiếng, mình còn nhận thêm 1 số việc làm tự do bên ngoài, chủ yếu là về mảng chuyên môn mình đang làm, cũng thêm được 1 chút tiền sinh hoạt nữa. Tổng kết cả năm, ngoài tiết kiệm được 2/5 số lương, mình còn tặng bản thân 1 chiếc điện thoại yêu thích. Ngoài ra, mình còn được học hỏi, trải nghiệm, tiếp xúc môi trường và con người mới nhiều hơn trong năm vừa rồi. Mình cũng coi đây là một thành quả mà bản thân tích lũy được”
Bí quyết tiết kiệm tiền của người trẻ
Việc tiết kiệm 100 triệu với Dũng mà nói, quả thực bản thân anh chàng đã cố gắng rất nhiều: “Mức sinh hoạt phí hàng tháng mình luôn giữ ở mức tối thiểu cho các khoản như: tiền nhà, ăn uống, đi lại, đồ dùng cá nhân (hầu như đều mua đồ giảm giá). Dù sau này, tiền lương có tăng lên mình cũng không có thay đổi thói quen chi tiêu đó. Quan trọng vẫn là tiền tiết kiệm được và phụ giúp gia đình 1 chút. Thêm nữa, mình cũng không tụ tập ăn uống cùng bạn bè nhiều, người yêu cũng không có nên khoản chi tiêu này cũng hạn chế. Mình cũng không hay sắm sửa cho vẻ bên ngoài. Xe cũ đi gần chục năm rồi cũng chưa đổi vì không quá cần thiết, điện thoại thì cứ dùng đến khi nào hư thì mua cái mới, quần áo thì cứ mua đồ đơn giản mặc được nhiều lần. Nhu cầu trong cuộc sống không quá nhiều giúp mình giữ được nhiều tiền hơn.
Ngoài chi tiêu cho chi phí sinh hoạt, mình chỉ tốn thêm tiền cho những việc khẩn cấp như đám đình, bạn bè mời cưới,… Số còn lại thì bỏ tiết kiệm trong ngân hàng. Mình không có mức ngân sách cụ thể hay chia nhỏ cho nhiều khoản mục. Vì thực tế, những khoản cần chi mỗi tháng của mình đều cố định. Và mục tiêu trong tương lai là kinh doanh riêng nên hiện tại số tiền tiết kiệm được mình cũng chỉ gửi ngân hàng chứ không sử dụng thêm mục đích gì khác nữa.”
Còn với Hồ Quỳnh, cô nàng thường sử dụng thêm những phương thức tiết kiệm quen thuộc hơn với giới trẻ: “Mình mua sắm khá nhiều. Và để giảm thiểu cho loại chi phí này, mình hay săn mã giảm giá, sử dụng các loại thẻ tích điểm, và chỉ mua đồ dùng mình cần thiết. chỉ mua đồ dùng mình cần thiết.
Số tiền mình chi nhiều nhất trong năm nay, có lẽ là tiền để mua các khóa học kỹ năng và kiến thức. Mình muốn vươn lên trong công việc để được đánh giá cao, từ đó cũng nhận được mức lương hậu hĩnh hơn, khoản đầu tư này rất đáng. Dù không tiết kiệm được nhiều tiền trong năm nay, nhưng mình cũng tích lũy thêm được nhiều mối quan hệ mới trong công việc.”
Trung Đức (22 tuổi) – Ảnh NVCC
Còn đối với Trung Đức, việc tiết kiệm tiền đến từ những điều nhỏ nhất: “Mình thương mẹ rất nhiều, nên khi nào cũng muốn mẹ có cuộc sống tốt hơn, đấy cũng là mục đích giúp mình nỗ lực kiếm tiền trong cuộc sống. Chính mẹ là người dạy mình những thứ nhỏ nhặt có thể tiết kiệm được, năng nhặt thì chặt bị. Từ những bữa cơm không được hoang phí, nấu ăn vừa đủ chớ nấu dư thừa, không ăn vặt hay mua sắm linh tinh,…
Ngoài cách tiết kiệm, mình học thêm được cách tiêu tiền đúng chỗ. Cái gì cần đầu tư đồ tốt, đắt tiền một chút vẫn nên mua. Còn nếu đã không cần thiết, dù rẻ như cho cũng không nên rước về nhà. Có lẽ chính những bài học nhỏ này từ mẹ, đã giúp mình ý thức hơn trong việc kiếm tiền, tiêu tiền và tiết kiệm tiền.”
Thành quả tích lũy, tiết kiệm được cả năm của mỗi người sẽ khác nhau. Có người tích lũy được tiền bạc, có người lại tích lũy thêm được kinh nghiệm, kiến thức, các mối quan hệ chất lượng, hay những khoản đầu tư cho tương lai.
Còn bạn thì sao, năm nay đã tích lũy được gì rồi?