Nhóm nghiên cứu BIDV vừa đưa ra dự báo tỷ giá đến cuối quý 2 sẽ đạt mức khoảng 21.850 VND/USD, cao hơn 20 VND/USD so với mức giá thị trường ngày 10/6 và cách trần khống chế 40 VND/USD.
Giải thích lý do tỷ giá căng thẳng trong tháng 5/2015, Nhóm nghiên cứu BIDV cho rằng, trong khi nguồn cung giảm thì nhu cầu lại duy trì ở mức cao. Vì thế, trong những ngày đầu tháng 5, tỷ giá đã tăng 70 điểm và chạm trần 21.673 VND/USD.
Bất thường tháng 5
Và mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh ngay biên độ +/-1% từ ngày 7/5 nhưng tỷ giá vẫn duy trì đà tăng, có thời điểm lên tới 21.850 VND/USD, cách trần mới (21.890 VND/USD) 40 điểm. Tuy nhiên, cùng với tuyên bố mạnh mẽ sẽ bán can thiệp, cuối tháng 5, tỷ giá đã giảm nhiệt xoay quanh mức giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước là 21.820 VND/USD.
Có rất nhiều phân tích lý do tỷ giá nổi sóng trong tháng 5 vừa qua nhưng theo một số chuyên gia trên thị trường, có thể thấy: từ tháng 4 đến tháng 5, tỷ giá đã có biểu hiện tăng bất thường nhưng có vẻ như nhà điều hành chỉ nhìn tỷ giá dưới góc độ cân đối từ các thành tố của cán cân thanh toán tổng thể, rằng cán cân vốn bao nhiêu, cán cân vãng lai bao nhiêu mà bỏ qua nhu cầu và nguồn cung hàng ngày cũng như tác động của không ít yếu tố khác.
Chẳng hạn, đồng USD tăng giá, Mỹ dự định tăng lãi suất, trong khi VND lại neo vào USD, tạo ra sự tăng giá ảo của VND so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Trên thực tế, thị trường thừa biết “lá bài” ổn định tỷ giá cũng như những điểm yếu trong điều hành là những gì.
Đó là, “room” điều chỉnh +/-2% cho cả năm 2015 đã được sử dụng hết; quỹ dự trữ ngoại tệ ước khoảng 35 tỷ USD lại đang được đề xuất rút ra chi cho đầu tư công, đồng USD tăng giá khắp thế giới. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để những nhà buôn ngoại tệ lớn trên thị trường tung hứng “làm sóng”.
Thứ hai, trong tháng 5 và thậm chí là ngay cả thời điểm hiện tại, các dòng ngoại tệ như giải ngân FDI, ODA, FII không có nhiều đột biến, thâm hụt thương mại tiếp tục nới rộng mạnh, tạo ra những áp lực đáng kể. Riêng nhập siêu trong nửa đầu tháng 5 đã là 1,87 tỷ USD và dù được cải thiện vào nửa cuối tháng nhưng nhập siêu cả tháng vẫn ở mức 900 triệu USD.
Đó là chưa kể, tâm lý thị trường bị đè nặng bởi sự thận trọng và lo ngại khi tỷ giá tăng nhanh do nhu cầu ngoại tệ thanh toán, trả nợ vay tăng, nhu cầu nắm giữ ngoại tệ tăng. Cùng đó, chênh lệch lãi suất “đô – đồng” bị thu hẹp khiến các ngân hàng thương mại thu hẹp trạng thái ngoại tệ âm.
Kiên trì mục tiêu ổn định tỷ giá
Nhóm nghiên cứu BIDV dự báo: trong tháng 6, thị trường ngoại hối chưa có biến động lớn, tỷ giá chỉ xoay quanh mức 21.800 VND – 21.820 VND/USD; cuối quý 2/2015: 21.600 – 21.850 VND/USD; quý 3: 21.700 – 21.890 VND/USD.
Đi cùng đó, dự báo một số yếu tố thuộc cán cân thanh toán tổng thể của tháng 6/2015 như sau: cán cân thương mại thâm hụt 700 triệu USD (xuất khẩu 13,9 tỷ USD so với nhập khẩu 14,6 tỷ USD).
Theo Nhóm nghiên cứu, trong năm nay, thị trường ngoại tệ có nhiều tiềm ẩn khó lường; áp lực trong trung và dài hạn tương đối lớn. Do đó, tỷ giá khó giảm sâu nếu tương quan cung cầu chưa cho thay đổi lớn theo chiều hướng cung tăng cầu giảm.
Có một dấu hiệu tích cực dễ nhìn thấy là từ đầu tháng 6/2015, Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ can thiệp, kết hợp với công cụ tín phiếu thu bớt tiền đồng về, đã làm dịu đáng kể sự căng thẳng trên thị trường.
Theo Vụ Dự báo, Thống kê tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, ngay từ cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã dự báo tỷ giá những tháng đầu năm 2015 sẽ có phần căng do nhập siêu có thể đạt 6 – 7 tỷ USD cho cả năm.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã sớm điều chỉnh hết biên độ tăng tỷ giá đã cam kết.
Hơn nữa, dù dự báo cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn dự báo cán cân thanh toán tổng thể cả năm thặng dư, tất nhiên không bằng 2014.
Điều này cho thấy, cầu ngoại tệ, trong đó có bù đắp cho nhập siêu sẽ được đáp ứng đủ bằng các nguồn tài trợ khác như kiều hối, vay nợ nước ngoài và FDI.
Trên thực tế, kim ngạch nhập khẩu của khối FDI trong những tháng đầu năm tăng tới 25,5% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung cả nước (18,7%).
Đặc biệt, một lượng lớn máy móc thiết bị đã được nhập khẩu theo tiến độ triển khai một số dự án FDI có quy mô lớn như Formosa, Nghi Sơn. Tuy nhiên, hầu hết việc thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu nói trên đều được tài trợ bằng vốn vay nước ngoài trung và dài hạn của chính các doanh nghiệp FDI từ công ty mẹ.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của khu vực FDI cũng tăng cao nên cung và cầu ngoại tệ khu vực này có thể tự cân đối.
Vụ Dự báo, Thống kê cho biết, do các yếu tố nêu trên nên mặc dù nhập siêu những tháng đầu năm tăng nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn mua được một khối lượng ngoại tệ khá lớn để tăng dự trữ ngoại hối. Đây là căn cứ quan trọng để Ngân hàng Nhà nước kiên trì thực hiện mục tiêu điều hành tỷ giá như cam kết từ đầu năm.