Từ 1-7-2025 sẽ còn khoảng 1,6 triệu người cao tuổi từ đủ 60 trở lên đến dưới 75 tuổi chưa có thẻ BHYT
Theo quy định của Luật Người cao tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi. Người cao tuổi được hưởng các chính sách xã hội của nhà nước, trong đó bao gồm được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được cấp thẻ BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo đối với người trên 80 tuổi (không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng). Riêng đối với nhóm người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 80 không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng, vốn cũng là đối tượng yếu thế, cần được quan tâm, nhưng chưa được hưởng các chính sách tương tự trong lưới an sinh.
Để mở rộng độ bao phủ của lưới an sinh, hỗ trợ người yếu thế, tại Luật BHXH năm 2024 (có hiệu lực từ 1-7-2025) đã bổ sung thêm chính sách hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên (hoặc từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo), không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng, ngoài được hưởng mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ còn được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Bên cạnh đó, khi người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mất thì người lo mai táng sẽ được nhận mai táng phí.
Nhằm tương thích với quy định trên, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã bổ sung thêm nội dung BHYT của người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về BHXH sẽ do ngân sách nhà nước đóng.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, hiện nay, toàn quốc có khoảng 17 triệu người cao tuổi. Trong đó có trên 14 triệu người đã tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng theo quy định của Luật BHYT, còn khoảng 2,4 triệu người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đền dưới 80 tuổi chưa tham gia BHYT.
Kể từ ngày 1-7-2025, theo quy định của Luật BHXH thì sẽ có khoảng 800.000 người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Như vậy, sẽ còn khoảng 1,6 triệu người cao tuổi từ đủ 60 trở lên đến dưới 75 tuổi chưa có thẻ BHYT. Bà Hằng cho rằng cần thiết bổ sung đối tượng này vào nhóm được ngân sách nhà nước đóng BHYT để họ được hưởng chính sách bảo vệ sức khỏe, giảm bớt gánh nặng tài chính khi có rủi ro ốm đau, bệnh tật.
Đề xuất của đại diện BHXH TP HCM được người lao động, đặc biệt là các lao động tự do ủng hộ. Ông Đặng Quốc Hùng (62 tuổi), đoàn viên Nghiệp đoàn xe ôm truyền thống huyện Củ Chi, cho biết sau nhiều năm chạy xe ngoài đường để mưu sinh, hiện ông mang nhiều bệnh như tim mạch, khớp, cao huyết áp… Để giảm bớt chi phí khám chữa bệnh, ông phải tự bỏ tiền mua BHYT hộ gia đình.
Trước đây, sức khỏe tốt, công việc ít bị cạnh tranh bởi xe ôm công nghệ, nên khi bỏ chi phí mua BHYT ông Hùng không mấy băn khoăn. Tuy nhiên, nay tuổi ngày càng cao, sức yếu đi, công việc không ổn định, thu nhập giảm nhiều, trong khi chi phí mua BHYT hộ gia đình tăng nên mỗi lần mua lại đắn đo. Điều ông Hùng lo hơn cả là khi không còn sức khỏe để chạy xe, không có thu nhập, không có lương hưu thì kiếm đâu ra tiền để mua BHYT. Do vậy, ông Hùng mong nhà nước sẽ hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí cho những lao động đủ tuổi hưu nhưng không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng như ông để giảm bớt nỗi lo bệnh tật khi về già.
Ông Đỗ Văn Ngọc (63 tuổi), đoàn viên Nghiệp đoàn đóng hàng chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TP HCM), cũng có mong muốn tương tự. Hơn 30 năm qua, ông Ngọc từ chạy xích lô rồi chuyển sang làm đóng gói hàng hóa ở chợ. Cả quá trình làm việc ông Ngọc đều là lao động tự do nên không có điều kiện tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Làm công việc nặng nhọc nên ông Ngọc cũng tự mua BHYT để phòng hờ. “Nếu như trước đây mỗi ngày tôi kiếm được hơn 400.000 đồng/ngày thì nay chỉ mong kiếm được 200.000 đồng/ngày. Thu nhập giảm, tất cả các khoản chi tiêu phải tằn tiện lại nên việc mua BHYT cũng phải cân nhắc. Do vậy, nếu tôi được nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí thì quá thiết thực, ý nghĩa”- ông Ngọc nói.