Nên có cơ chế cho Big4 tăng vốn mỗi năm để tránh mất thời gian

(VNF) – Theo ông Phạm Đức Ấn, nếu 4 ngân hàng thương mại nhà nước năm nào cũng phải xin ý kiến các bộ ngành trình Chính phủ rồi Chính phủ trình Quốc hội thông qua thì sẽ tốn rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian của Quốc hội.

Trong phiên thảo luận ngày 26/10, các đại biểu quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Các ý kiến đều nhận định việc bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước cho Vietcombank sẽ giúp ngân hàng này đảm bảo các chỉ số an toàn rủi ro, nhất là trong bối cảnh Vietcombank vừa tiếp nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CBBank).

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu quốc hội đoàn TP.HCM cho rằng việc bổ sung vốn cho Vietcombank sẽ giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu có ngân hàng lọt vào top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Ông Ngân nhận định rằng Vietcombank có hiệu quả kinh doanh rất tốt, chỉ số ROE, ROA đều rất cao so với mặt bằng ngành ngân hàng nên vốn nhà nước được bổ sung cho Vietcombank sẽ được sử dụng hiệu quả.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Ấn, đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank lại kiến nghị xem xét cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước tăng vốn mỗi năm.

Cụ thể, ông Ấn cho rằng, hiện 4 ngân hàng nhà nước đang chiếm 44,5% tổng dư nợ toàn hệ thống. Đây đều là các ngân hàng có vai trò dẫn dắt trong thực hiện chính sách tiền tệ cũng như là công cụ để NHNN điều hành thị trường tiền tệ.

von dieu le 2010
Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank.

Theo Thông tư 41, các ngân hàng thương mại phải đạt hệ số an toàn vốn (CAR) từ 8% trở lên. Muốn tăng tín dụng thì vốn tự có phải tăng tương ứng, tức mỗi ngân hàng trong nhóm Big4 phải tăng vốn mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng mới có thể đạt được tăng trưởng 10%/năm. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, việc bổ sung vốn nhà nước từ 10.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải trình Quốc hội thông qua.

Theo ông Phạm Đức Ấn, nếu 4 ngân hàng thương mại nhà nước năm nào cũng phải xin ý kiến các bộ ngành trình Chính phủ rồi Chính phủ trình Quốc hội thông qua thì sẽ tốn rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian của Quốc hội.

“Thay vì năm nào cũng phải xem xét phương án tăng vốn cho các ngân hàng thì nên xây dựng một cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại”, ông Phạm Đức Ấn đề xuất.

Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước cho Vietcombank. Theo tờ trình gửi Quốc hội, tỷ lệ an toàn vốn CAR riêng lẻ của VCB tại 31/12/2023 là 11,05%, CAR hợp nhất là 11,39% (theo BCTC đã được kiểm toán năm 2023 của VCB).

Mặc dù tỷ lệ CAR của VCB đảm bảo tuân thủ yêu cầu tối thiểu theo quy định của NHNN (8%) nhưng vẫn đang ở mức thấp hơn so với nhóm các NHTM cổ phần ở Việt Nam (chẳng hạn như VPBank và MB là 12-13%, Techcombank là 13-15%) và thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á (CAR trung bình của các ngân hàng Indonesia là 23,27%, Thái Lan là 20,24%, Myanmar là 18,9%, Singapore là 17,1%, Australia là 16,6%…).

Bên cạnh đó, mặc dù là một trong những “sếu đầu đàn” của ngành tài chính – ngân hàng nhưng vốn điều lệ hiện nay của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với VPBank (79.339 tỷ đồng), Techcombank (70.450 tỷ đồng) và không có sự cách biệt lớn so với một số NHTM cổ phần khác như MB (52.871) tỷ đồng, ACB (44.667 tỷ đồng) hay SHB (36.629 tỷ đồng).

Tờ trình cũng chỉ ra nếu Vietcombank phải chia cổ tức bằng tiền mặt đối với toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ này (74.425 tỷ đồng) mà không được trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thì vốn tự có của Vietcombank chỉ còn ở mức 97.913 tỷ đồng, tỷ lệ vốn cấp 1 và CAR giảm xuống mức 5,64% và 6,28%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu của NHNN và ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng của Vietcombank do không đảm bảo yêu cầu về an toàn vốn.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin