(VNF) – TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khẳng định dù mục tiêu tăng trưởng 2024 trong tầm tay nhưng nền kinh tế Việt Nam còn đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.
– Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế và sức khoẻ của cộng đồng doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Với những dữ liệu ở thời điểm hiện tại, tôi tin rằng bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ tươi sáng hơn. Kết thúc quý III/2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt. Theo đó, tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD – mức xuất siêu khá tích cực trong thời kỳ 2020-2024.
Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, các số liệu cũng đã cho thấy sức khoẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã cải thiện rất nhiều, đầu tư tư nhân vào nền kinh tế cũng đã trỗi dậy trở lại. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy dù số doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn còn cao nhưng thời gian qua đã có sự gia tăng mạnh mẽ của các doanh nghiệp đăng ký mới và các doanh nghiệp quay trở lại thị trường. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực kinh tế tư nhân đã tăng hơn 2 lần so với nguồn vốn từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI hay từ vốn đầu tư của nhà nước.
Với tất cả những điều này, tôi hy vọng rằng sẽ có một bức tranh tươi sáng hơn, có sự hứng khởi, tự tin hơn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nhân trong nước trong sự phát triển chung của nền kinh tế và trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh tươi sáng, vẫn còn tồn tại những gam màu tối, tôi cho rằng chúng ta cần phải lưu ý. Cụ thể, trong bối cảnh phức tạp của tình hình địa chính trị trên thế giới, sự phân mảnh có thể kéo theo những xu thế thương mại không bền vững, không đi theo xu thế toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới. Điều này có thể làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Khi mà xu thế “Friendshoring” – xu hướng các nước lớn đặt trọng tâm vào an ninh quốc gia hơn là sản xuất với chi phí rẻ hơn hay “Nearshoring” – xu hướng trong đó các công ty chuyển hoạt động sản xuất hoặc dịch vụ của họ đến gần thị trường quê hương hơn, ngày càng trở nên phổ biến sẽ khiến cho nền kinh tế của Việt Nam không có cơ hội tiếp tục mở rộng và chen chân sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chưa dừng lại ở đó, với những rủi ro này, kể cả vấn đề về biến đổi khí hậu sẽ khiến cho chi phí đẩy trong hoạt động thương mại và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng lên. Kèm theo đó là những yếu tố liên quan đến sự biến động, thay đổi của chính sách tiền tệ hoặc những chính sách liên quan đến tài chính của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Do đó, chúng ta phải có sự theo dõi kỹ càng, nếu không sẽ làm giảm động lực và khả năng cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, sự khôi phục của thị trường trong nước cũng là một yếu tố đóng góp vào động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong 9 tháng vừa qua. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng này chưa thực sự bền vững và chưa tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng.
Nếu trừ đi yếu tố lạm phát, tăng trưởng của cầu tiêu dùng trong nước chỉ còn khoảng 5%, bằng một nửa so với giai đoạn trước Covid-19. Như vậy, để thực sự khắc phục những điểm bất ổn của cầu tiêu dùng thế giới cũng như những bất ổn của nền kinh tế thế giới, chúng ta phải thực sự lưu tâm đến việc thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng bền vững của thị trường trong nước.
– Hiện nay, đang có đề xuất xây dựng dự án luật theo hướng 1 luật sửa 7 luật nhằm tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Việc rà soát tổng thể những chồng chéo, mâu thuẫn để có thể tiến tới hài hòa hóa toàn bộ các quy định, quy trình pháp luật chính là nhu cầu tất yếu. Trong tình thế đó, chúng ta có cách thức dùng một luật sửa nhiều luật và trên cơ sở như vậy, có thể giúp khai thông và tháo gỡ những điểm nghẽn còn tồn tại.
Tuy nhiên, về lâu dài, tôi cho rằng, nhu cầu điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành ngày càng đòi luật phải chuyên sâu và chuyên biệt hơn. Như vậy, không thể có một bộ luật bao quát tất cả các vấn đề, các lĩnh vực của nền kinh tế cũng như không thể chứa đựng tất cả những lĩnh vực quản lý nhà nước được. Thay vào đó, đòi hỏi phải có sự liên thông, sự nghiên cứu thấu đáo và toàn diện.
Do đó, khi chúng ta dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh cơ quan chủ trì soạn thảo cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước khác, thậm chí cả những bên chịu tác động của các văn bản quy phạm pháp luật và đưa ra được đánh giá tác động pháp luật đối với chính sách mới được đề xuất trong dự thảo sẽ giúp cho văn bản quy phạm pháp luật trở nên chuẩn chỉnh hơn, chính xác hơn.
Tuy nhiên, ở một chiều hướng khác, cũng phải thấy rằng, cuộc sống không thể nào lường trước được những diễn biến và sự thay đổi của đời sống kinh tế – xã hội cũng như những vấn đề cần phải điều chỉnh. Do vậy, nếu pháp luật hay chính bản thân các cơ quan quản lý nhà nước quá cầu toàn, quá chi tiết và đặc biệt quá ôm đồm trong việc thực thi trách nhiệm quản lý của mình cũng sẽ dẫn đến hiện tượng pháp luật luôn luôn chạy theo nhưng không theo kịp được sự thay đổi của cuộc sống, của xã hội.
Tôi cho rằng, có lẽ cũng nên quay lại về quy tắc chung của pháp luật là tính phổ quát. Như vậy, pháp luật sẽ chỉ dừng lại ở tính bao trùm và phổ quát với những quy tắc xử sự chung để các bên liên quan trong các quan hệ xã hội mà chịu sự điều chỉnh của văn bản vi phạm pháp luật đấy có thể nắm được tinh thần cũng như nguyên tắc chủ đạo để từ đó đưa ra những cách hành xử cụ thể.
Bên cạnh đó, nên dành dư địa để các chủ thể trong xã hội sẽ tự điều tiết bằng những quy tắc, những quy phạm có thể không phải là những vi phạm chính thức do các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ban hành. Đó là sự tự chủ, tự quyết định của các bên liên quan.
Ngoài ra, để pháp luật có thể thích ứng với những thay đổi của xã hội, trong thời gian tới Quốc hội và Chính phủ nên có những chủ trương xây dựng những “Sandbox” – các mô hình thử nghiệm thể chế, pháp luật và chính sách mới. Từ mô hình thí điểm này, chúng ta có thể thí điểm, thử nghiệm một quy tắc điều chỉnh mới trong một phạm vi nhất định để quan sát những điều chỉnh hay những chính sách mới có tác động như thế nào rồi có đánh giá cụ thể và đưa tới quyết định có nên áp dụng rộng rãi hay không. Và khi đã có sự đánh giá tác động và lấy được ý kiến của các bên liên quan, từ đó mới nhân rộng các quy định pháp luật này ra.
Đồng thời, quá trình nhân rộng đó cũng đã hợp lý hóa các quy định pháp luật. Tương tự, chúng ta điều chỉnh các chính sách sao cho phù hợp trong việc vừa đảm bảo sự ổn định và phát triển chung của xã hội vừa hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
– Trong bối cảnh rủi ro và thách thức đan xen như vậy, ông có niềm tin rằng chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm nay hay không, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, tôi đưa ra 2 kịch bản cao và thấp. Với kịch bản cao, tăng trưởng quý IV sẽ đi ngang với mức 7,4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024. Với kịch bản thấp, tăng trưởng quý IV sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%.
Và với nền tăng trưởng thấp của năm 2023, tôi tin rằng việc thực hiện mục tiêu mà Chính phủ hay Quốc hội đề ra không có gì quá khó.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!