Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết vừa được Báo Chính phủ đăng tải khi nói về kinh tế Việt Nam 2024.
Theo dự báo của hầu hết các tổ chức nghiên cứu kinh tế toàn cầu, kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn chịu nhiều thách thức và bất ổn. Ngoài căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu và thiên tai khiến bức tranh kinh tế thế giới dù có nhiều gam màu sáng hơn, nhưng vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch COVID-19.
Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra nguyên nhân chính tác động đến nền kinh tế là suy thoái kinh tế toàn cầu, thắt chặt tiền tệ ở một số nước phát triển và sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Theo đánh giá của ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, bất chấp những khó khăn và thách thức, trong năm con Rồng 2024, nền kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường và sự phục hồi dự kiến sẽ khởi sắc trong thời gian tới nhờ tiêu dùng nội địa mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát vừa phải, đầu tư công tăng tốc và hoạt động thương mại được cải thiện.
Những động lực tăng trưởng
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 – 6,5% trong năm 2024. Trong khi đó, dự đoán của Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng của Việt Nam là 6%, Ngân hàng thế giới (WB) thì đưa ra mức tăng trưởng 5,5% cho Việt Nam. Và để thực hiện được mục tiêu để ra, Việt Nam trong năm mới vẫn lấy đầu tư công làm động lực tăng trưởng.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tính đến hết ngày 31/1/2024 (hết thời hạn để giải ngân vốn đầu tư năm 2023), ước cả nước giải ngân được 662.588,2 tỷ đồng, đạt 82,47% kế hoạch và đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (711.559,8 tỷ đồng).
Căn cứ nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao 657.349 tỷ đồng vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 thuộc nguồn ngân sách Nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương. Kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2024 các địa phương giao tăng 31.147 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 (bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng) là 688.496 tỷ đồng.
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/01/2024 là 16.934,3 tỷ đồng, đạt 2,46% kế hoạch, đạt 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng với đầu tư công, khu vực du lịch, dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Báo New York Times đã mượn hình ảnh hệ thống cáp treo để nói về nền kinh tế du lịch.
Theo chuyên gia Steven Dale, Việt Nam thích hợp xây dựng cáp treo do có nhiều núi, rừng và hải đảo. Đây được coi là “con đường” có thời gian thi công nhanh hơn, giá thành rẻ hơn và ít gây thiệt hại về môi trường hơn so với đường bộ. Theo số liệu từ các nhà sản xuất cáp treo, trong hơn hai thập kỷ qua, khoảng 26 tuyến cáp treo đã được xây dựng ở hàng chục địa điểm trên khắp cả nước, cho thấy sự phát triển nhanh chóng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu du lịch.
“Việt Nam là nơi có 4 tuyến cáp treo dài nhất thế giới, đều được xây dựng trong thập kỷ qua, cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế và ngành du lịch Việt Nam”, nhật báo New York Times nhấn mạnh.
Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực dịch vụ, du lịch đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Du lịch phát triển cao điểm kể từ cuối tháng 4/2023 đã kích thích cầu tiêu dùng gia tăng; từ đó lan tỏa mạnh tới sản xuất của nhóm ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú, ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí… là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,6 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 – 13 triệu lượt) của năm. Khách du lịch nội địa ước đạt 108,2 triệu lượt, vượt 6,0% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 678,3 nghìn tỷ đồng, vượt 4,35% so với kế hoạch năm 2023.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, phục hồi hoàn toàn như trước dịch Covid-19 (năm 2019). Theo số liệu mới nhất của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2024 đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một nhân tố kéo nền kinh tế Việt Nam đi lên. Trong năm 2023, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, là mức giải ngân đạt kỷ lục từ trước tới nay trong bối cảnh thương mại đầu tư toàn cầu bị thu hẹp. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam cũng tăng 12 bậc trên toàn cầu.
Lũy kế đến ngày 20/1, cả nước có 39.377 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 471,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 298,66 tỷ USD, bằng gần 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.