Những vấn đề của con cái đều xuất phát từ hành vi của cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày.
Có một tin tức trên mạng làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi của cư dân mạng Trung Quốc. Theo đó, một người mẹ yêu cầu đứa con 4 tuổi tham gia chuyến đi bộ đường dài 10km. Cô tự tin nói rằng, con mình được giáo dục chịu khó từ nhỏ nên sẽ chống chọi được với những vất vả.
Một số cư dân mạng phản đối cách làm của người mẹ, cho rằng để con tập đi khi còn nhỏ như vậy sẽ gây tổn hại về thể chất và tinh thần của trẻ.
Trong khi đó số khác cho rằng, trẻ em ngày nay ngày càng trở nên mỏng manh hơn. Chúng thường bỏ nhà đi, hở một chút là đòi tự tử và nói những lời sát thương với cha mẹ mình.
Là cha mẹ, một mặt họ phải che chở cho con mình khỏi mưa gió, lo lắng con sẽ bị tổn thương. Mặt khác họ sợ mình sẽ nuôi một đứa trẻ không thể chống chọi được với giông bão.
Vậy liệu có cần thiết phảidạy convề sự thất bại? Câu trả lời là “cần thiết nhưng phải có chừng mực”.
Giáo dục về sự thất bại là quá trình mà cha mẹ để cho con mình trải qua một số khó khăn, thử thách, cho phép trẻ trải nghiệm sự thất vọng trong môi trường an toàn, học cách đối mặt và giải quyết vấn đề.
Mục đích của phương pháp giáo dục này là giúp trẻ hình thành tâm lý cứng rắn, nâng cao khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề và chuẩn bị cho những thử thách không thể tránh khỏi trong cuộc sống sau này.
Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ coi giáo dục thất bại vượt quá sức chịu đựng của trẻ. Việc tạo ra những khó khăn vượt quá tuổi tác và tâm lý của trẻ sẽ khiến chúng không học được gì mà còn phá hủy đi sự tự tin.
Nếu con cái không chịu được sự thất bại, điều này có liên quan tới 3 hành vi của cha mẹ dưới đây:
1. Cha mẹ làm mọi thứ thay con mình, mắng con thường xuyên
Một số gia đình ngày nay thường có 1 hoặc 2 con, do có điều kiện kinh tế nên họ nhờ giúp việc chăm sóc, bên cạnh ông bà nội ngoại phụ giúp thêm. Đứa trẻ trở thành trung tâm của cả nhà. Trẻ không cần đụng tay đụng chân vào bất kỳ chuyện gì. Điều này dẫn tới việc trẻ không có khả năng tự chăm sóc bản thân, tâm lý cũng rất mong manh, không thể chịu đựng được dù chỉ một chút tủi nhục.
Ngoài ra, một số cha mẹ thường cằn nhằn, la mắng khi con cái mắc lỗi dù là nhỏ nhất. Trẻ cảm thấy dù có làm gì thì cũng không thể đáp ứng được yêu cầu của cha mẹ nên có thái độ nghi ngờ, tự ti và hèn nhát.
Sự hình thành nhân cách của trẻ chủ yếu đến từ sự giáo dục của gia đình. Vì vậy, cha mẹ trước tiên phải thay đổi cách dạy con của mình. Cha và mẹ cần thống nhất về quan điểm dạy con. Những điều dễ dàng trong cuộc sống đối với người lớn cũng có thể là thử thách đối với trẻ. Khi hoàn thành những việc mang tính thử thách, trẻ sẽ dần dần xây dựng được sự tự tin.
Đồng thời, cha mẹ cũng nên đặt ra những kỳ vọng, mục tiêu hợp lý trong học tập. Khi con đạt được thành tích thì cần động viên, khen ngợi, phân tích nguyên nhân sai sót và rút kinh nghiệm để hướng dẫn. Sự động viên, hướng dẫn của cha mẹ sẽ khiến trẻ dũng cảm hơn khi đối mặt với thất bại.
2. Cha mẹ không dạy trẻ hiểu đúng về thất bại
Thái độ của cha mẹ đối với sự thất vọng ảnh hưởng trực tiếp đến cách con cái họ đối phó với sự thất vọng. Nếu cha mẹ tỏ ra thất vọng hoặc thiếu kiên nhẫn khi con gặp thất bại, trẻ sẽ sợ thất bại và hình thành tâm lý né tránh.
Vì vậy, cha mẹ nên sử dụng những cảm xúc tích cực khi hướng dẫn con mình. Ví dụ, khi trẻ gặp khó khăn hoặc thất bại, họ có thể nói với trẻ: “Không sao đâu. Mẹ cũng từng gặp phải hoàn cảnh như vậy rồi“. “Cố lên con! Mẹ sẽ luôn ở bên cạnh hỗ trợ con“.
Cha mẹ nên thường xuyên nói chuyện với con về những thất bại, khó khăn, để con nhận ra rằng những điều đó sẽ xảy ra nhiều lần trong cuộc đời mỗi người. Tất cả sẽ là bước đệm và kinh nghiệm quý giá trên con đường trưởng thành. Khi một đứa trẻ nhận ra ý nghĩa của thất bại, trẻ sẽ không sợ thất bại và dám chấp nhận thử thách hơn.
3. Cha mẹ giáo dục sự thất vọng một cách hời hợt
Ví dụ, có một chương trình ở Trung Quốc yêu cầu những đứa trẻ quen sống trong cảnh sung sướng tới một làng quê nghèo khổ, ăn uống đạm bạc. Họ tưởng điều này sẽ khiến trẻ thay đổi, kết quả trẻ chỉ thay đổi trong vài ngày, sau đó mọi thứ lại như cũ.
Cách giáo dục về sự thất vọng này quá hình thức và hời hợt. Giáo dục thực sự về những thất bại là để trẻ học cách kiên trì trước thử thách, tự tin đối mặt với khó khăn mà không né tránh.
Ví dụ, trẻ cảm thấy bài toán này rất khó và không muốn làm. Lúc này, cha mẹ không nên nói ngay cho trẻ đáp án mà nên hướng dẫn từng bước, cùng ôn lại kiến thức cũ, sau đó làm thêm các dạng bài tương tự. Bằng cách này, cuối cùng trẻ sẽ tự mình giải được bài toán và có cảm giác đạt được thành tựu.
Sở dĩ giáo dục sự thất vọng hời hợt sẽ không có tác dụng lâu dài là vì phương pháp giáo dục của cha mẹ không hề thay đổi. Sau khi con trở về môi trường sống ban đầu, những gì chúng trải qua sẽ sớm giống như trước. Trẻ sẽ nhanh chóng quên hết những gì mình đã được học.
Cuối cùng, việc dạy con vượt qua cảm giác thất bại hay sự thất vọng là điều rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ. Chỉ cần cha mẹ kiên trì một chút, trẻ sẽ học được cách vượt qua thất bại.