Ngân hàng đại hạ giá khoản nợ nghìn tỷ của chủ dự án Kenton Node

BIDV tiếp tục rao bán khoản nợ dự án Kenton Node với giá 4.419 tỷ đồng, giảm 1.300 tỷ so với lần đầu tiên.

Đây là lần thứ 8 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên – chủ dự án Kenton Node. Khoản nợ gồm toàn bộ dư nợ gốc và lãi, phí phát sinh đến 26/7 là hơn 5.720 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai thuộc dự án khu dân cư Phước Nguyên Hưng (tên thương mại Kenton Node) ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM và quyền khai thác mỏ đá tại xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Ngoài BIDV, dự án Kenton Node còn được đồng thế chấp tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) và định giá 7.836 tỷ đồng. Trong đó, BIDV chiếm 58% giá trị, nên được phân chia và hạch toán 4.545 tỷ đồng.

Tại lần đấu giá này, BIDV đưa ra mức khởi điểm cho khoản nợ của Công ty Tài Nguyên là 4.419 tỷ đồng. So với hồi tháng 8, giá khởi điểm giảm khoảng 1.300 tỷ đồng.

Dự án Kenton Node nhìn từ trên cao. Ảnh:Quỳnh Trần

Dự án Kenton Node nhìn từ trên cao. Ảnh:Quỳnh Trần

MSB cũng chào bán khoản nợ của Công ty Tài Nguyên được thế chấp bằng dự án Kenton Node. Đến ngày 6/11, tổng dư nợ của doanh nghiệp này tại MSB là hơn 1.140 tỷ đồng, gồm 296 tỷ nợ gốc và lãi, lãi phạt hơn 845 tỷ.

Ban đầu, siêu dự án tại Phước Kiển khởi công năm 2009 trên khu đất giữa hai trục đường Nguyễn Hữu Thọ và Lê Văn Lương, với tên gọi Kenton Residences. Theo quy hoạch ban đầu, dự án gồm 9 tòa tháp với 1.640 căn hộ cao cấp và trung tâm mua sắm hơn 20.000 m2.

Dự án có thời gian dài đóng băng vì khó khăn tài chính, sau đó tái khởi động với tên gọi mới là Kenton Node Hotel Complex. Chủ đầu tư từng cho biết dự án có tổng vốn hơn một tỷ USD với nhiều hạng mục công trình như căn hộ ở, khách sạn, trung tâm dịch vụ, nhà hát, trường học, phòng khám quốc tế…

Đến đầu năm 2022, Novaland tiếp nhận Kenton Note để làm mới dự án, dự kiến thay đổi tên thành Grand Sentosa. Tuy nhiên, cuối năm đó chủ đầu tư này rơi vào khó khăn và dự án một lần nữa lại đắp chiếu. Đến nay dự án này vẫn dừng triển khai.

Từ năm ngoái đến nay, nhiều nhà băng ồ ạt thanh lý tài sản đảm bảo là nhà đất, dự án bất động sản, khách sạn với trị giá từ hàng chục đến hàng nghìn tỷ đồng, song không dễ bán. Các chuyên gia cho rằng tài sản thế chấp là bất động sản đấu giá ế ẩm do thị trường vẫn khó khăn, giá rao cao. Trong khi đó, thị trường chưa hồi phục, giới đầu tư và người mua đều có tâm lý thận trọng và cần thời gian củng cố niềm tin.

Anh Tú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin