Ngân hàng hút tiền gửi nhất nửa đầu năm: Vietcombank và VPBank thêm hơn 80.000 tỷ nhưng vẫn chưa phải là nhà băng tăng mạnh nhất

Hơn 93.000 tỷ đồng tiền gửi chảy vào ngân hàng này trong 6 tháng đầu năm, tương đương tăng trưởng tới 43% – là mức tăng trưởng hiếm thấy trong cùng kỳ nhiều năm qua. Không phải nhóm Big 4, cũng không phải các ngân hàng cổ phần có nhiều tiền gửi như MB, Sacombank,…

TIN MỚI

Thống kê theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, có 26 ngân hàng ghi nhận tiền gửi khách hàng tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm. Chỉ có một 2 ngân hàng báo cáo tiền gửi sụt giảm, tuy nhiên mức độ giảm không đáng kể.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng ghi nhận huy động vốn tăng rất mạnh, đặc biệt ngân hàng hút tiền gửi nhất là HDBank, tăng tới 43% chỉ trong 6 tháng – đây cũng là mức tăng hiếm thấy trong cùng kỳ nhiều năm qua.

Số dư tiền gửi khách hàng tại nhà băng này cuối tháng 6 đạt hơn 309 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 11 trong hệ thống, tăng 93.000 tỷ so với hồi đầu năm. Số tiền gửi chảy thêm vào HDBank trong nửa đầu năm còn lớn hơn cả những ngân hàng Big 4 như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank.

Động lực tăng trưởng tại HDBank chủ yếu đến từ các khoản tiền gửi có kỳ hạn (tăng 48% trong 6 tháng, đạt hơn 286 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) không có nhiều thay đổi so với đầu năm, đạt 22.957 tỷ đồng (bao gồm cả tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi ký quỹ).

So sánh với báo cáo tài chính quý 1 cho thấy, phần lớn tiền gửi chảy vào HDBank xuất hiện trong quý 2/2023 (tăng thêm gần 60.000 tỷ đồng). Ngân hàng giải thích rằng, tốc độ tăng trưởng huy động vốn đạt mức cao thể hiện uy tín, thương hiệu và niềm tin của khách hàng với HDBank.

Ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi khách hàng cao thứ 2 là VPBank (tăng hơn 84.000 tỷ đồng, tương đương tăng 28%). Với số dư hơn 387 nghìn tỷ, VPBank đã vượt Techcombank để trở thành ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng lớn thứ 9 trong hệ thống. Theo VPBank, huy động của khối khách hàng cá nhân có mức tăng ấn tượng 45% nhờ chiến lược thu hút khách hàng phủ rộng, với loạt sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn phong phú. Cùng với đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng trong quý 2 ghi nhận mức tăng 23% so với quý trước đó, riêng khối khách hàng cá nhân đạt mức tăng 39% so với quý 1.

Các ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tiền gửi cao tiếp theo là các ngân hàng nhỏ như VietABank (20%), Kienlongbank (17%), NamABank (16%).

Top 10 ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất hiện nay lần lượt là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank, MB, ACB, SHB, VPBank, Techcombank.

Ngoài sự xáo trộn vị trí của VPBank và Techcombank như đề cập ở trên thì thứ tự các ngân hàng khác trong bảng xếp hạng không có sự thay đổi so với đầu năm. Nhóm Big 4 hiện sở hữu gần 5,9 triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, chiếm thị phần đến hơn 55% trên 28 ngân hàng được thống kê.

Ngân hàng hút tiền gửi nhất nửa đầu năm: Vietcombank và VPBank thêm hơn 80.000 tỷ nhưng vẫn chưa phải là nhà băng tăng mạnh nhất - Ảnh 1.

Nhìn chung, tăng trưởng tiền gửi khá tích cực của các ngân hàng trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ khu vực dân cư do lãi suất huy động vẫn ở mức hấp dẫn.

Tốc độ tăng trưởng tiền gửi nửa cuối năm có duy trì được đầu năm hay không vẫn là dấu hỏi lớn, bởi thực tế trong vài tháng gần đây, tiền gửi của dân cư đã có dấu hiệu tăng chậm lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tuy cải thiện nhưng vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Trong một báo cáo phần tích mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, tăng trưởng tiền gửi của dân cư chậm lại trong tháng 6/2023 sau khi lãi suất huy động liên tục giảm thời gian gần đây đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh tiền gửi. Tại thời điểm cuối tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh đã lùi về mức 6,3%/năm, giảm 1,1 điểm % so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,3% đến 7,0%/năm với mức trung bình khoảng 6,7%/năm, giảm gần 1,6 điểm % so với đầu năm. Theo VNDirect, sức hấp dẫn của kênh tiền gửi đanggiảm khi so với kênh đầu tư chứng khoán.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin