Chiều nay (19/6), Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nâng giá mua vào USD, cũng như tiếp tục áp cơ chế giá bán ra thấp hơn trần biên độ. Đây là lần thứ 3 trong năm nay, NHNN nâng giá mua USD.
Chiều nay (19/6), Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng giá mua vào USD, cũng như tiếp tục áp cơ chế giá bán ra thấp hơn trần biên độ.
Cụ thể, theo biểu niêm yết của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, mức giá USD mua vào chiều nay đã tăng từ 22.675 VND lên 22.725 VND, tăng 50 VND.
Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước nâng giá mua vào USD, sau hai lần trong tháng 1 và tháng 4 với bước nâng 100 VND.
Sáng nay, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh tỷ giá. Cụ thể, Vietcombank tăng giá 25 đồng từ 22.725 đồng lên quanh 22.750 đồng. Tuy nhiên, mức giá này chưa phải là biến động quá lớn so với thời điểm trước đó.
Mới đây, Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm (0,25%) – đây là lần tăng thứ 3 trong vòng sáu tháng qua.
Bình luận về động thái này, ông Ngô Đăng Khoa – Trưởng phòng Kinh doanh Ngoại hối và Trái phiếu của ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết trong năm nay, tỷ giá USD/VND biến động trong một số thời điểm nhưng nhìn chung từ đầu năm đến giờ khá ổn định quanh mức 22.680-22.750 với thanh khoản thị trường khá tốt, nguồn cung khá dồi dào từ dòng vốn FDI, FII và các hoạt động M&A. Với xu hướng giảm nhẹ của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt trong thời gian sắp tới, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ không có nhiều biến động.
Tuy nhiên với cán cân thương mại thâm hụt khoảng 2,5 tỷ USD từ đầu năm đến giờ và khả năng có thể nới rộng lên 7 tỷ USD vào cuối năm sẽ tạo những áp lực nhất định lên tỷ giá USD/VND vào một số thời điểm.
Đồng thời, ông Khoa đánh giá trong hai tháng gần đây, lạm phát có xu hướng giảm nhưng trung bình năm tháng đầu năm (4,47%) vẫn cao hơn mục tiêu 4%. Do đó lãi suất VND vẫn nên ở mức hấp dẫn thích hợp để vừa có thể hỗ trợ kinh tế nhưng cũng có thể duy trì sự ổn định của tỷ giá.
Với chính sách của FED, xu hướng lãi suất và USD khá rõ ràng, khả năng, thị trường hiện chuyển sự tập trung qua Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và khả năng sẽ có nhiều yếu tố bất ngờ hơn trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp có những hoạt động liên quan đến rủi ro về lãi suất và tỷ giá vẫn nên theo dõi sát sao những biến động của thị trường và sử dụng những biện pháp phòng ngừa rủi ro thích hợp.