Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hơn 56.500 tỷ trong 2 ngày qua

Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng bật tăng mạnh sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành.

Phiên giao dịch 26/10 tiếp tục chứng kiến xu hướng bơm ròng thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo đó, Nhà điều hành phát hành mới gần 30.000 tỷ đồng tín phiếu cho 11 thành viền với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%/năm. Trong khi có tới 60.000 tỷ đồng tín phiếu phát hành tuần trước đáo hạn. Tính chung, NHNN đã đưa trở lại thị trường 30.000 tỷ qua kênh tín phiếu.

Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, NHNN cho 8 thành viên vay mới hơn 5.891 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất duy trì ở mức 6%/năm. Trong khi có 7.233 tỷ đồng các khoản vay trước đó đáo hạn, tương ứng mức rút ròng hơn 1.342 tỷ đồng qua kênh OMO.

Tổng cộng trên cả hai kênh, NHNN đã bơm ròng vào hệ thống ngân hàng 28.659 tỷ đồng. Trước đó, cơ quan này cũng đã cung ứng ròng 27.912 tỷ đồng trong phiên giao dịch 25/10, chủ yếu qua kênh tín phiếu đáo hạn. Lũy kế 2 phiên vừa qua, NHNN đã cung ứng ròng cho các ngân hàng gần 56.571 tỷ đồng.

Hoạt động bơm thanh khoản của cơ quan quản lý tiền tệ diễn ra trong bối cảnh lãi suất VND liên ngân hàng bật tăng mạnh vào phiên 25/10.

Cụ thể, lãi suất cho vay VND bình quân tại kỳ hạn qua đêm đã tăng rất mạnh từ mức 5,46% ghi nhận vào ngày 24/10 lên 7,16%/năm. Tại kỳ hạn 1 tuần, lãi suất cho vay bình quân cũng tăng từ 5,19%/năm lên 7,06%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 6,27% lên 7,93%; kỳ hạn 1 tháng tăng từ 6,68% lên 7,66%. Trong khi kỳ hạn 3 tháng giảm từ 9,03% xuống còn 8,01%.

Diễn biến trên xuất hiện sau khi NHNN điều chỉnh tăng một loạt lãi suất điều hành từ ngày 25/10. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.

Ngoài ra, dù không thông báo tăng lãi suất OMO nhưng trong những phiên gần đây, NHNN đã chuyển sang hình thức đấu thầu khối lượng với lãi suất cố định ở mức 6%/năm, từ mức 5%/năm trước đó. Điều này cho thấy sự nhất quán trong định hướng nâng mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng của Nhà điều hành.

Mặt bằng lãi suất VND cao hơn giúp nới rộng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, giảm sức ép lên tỷ giá – vốn có diễn biến tăng nóng trong thời gian gần đây.

Cụ thể, liên tục trong những phiên vừa qua, các ngân hàng thương mại đồng loạt niêm yết giá USD ở mức mấp mé, thậm chí kịch trần 5% cho phép. Tính chung từ đầu tháng 10, tỷ giá USD ngân hàng đã tăng hơn 4%. Qua đó, đưa tổng mức mất giá của VND so với đồng bạc xanh từ đầu năm đến nay lên khoảng 8,5% – cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trước đó, NHNN đã liên tục sử dụng đồng thời 2 công cụ là dự trữ ngoại hối và kết hợp phát hành tín phiếu và mua kỳ hạn trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá, điều tiết và hỗ trợ thanh khoản hệ thống trước những cú sốc bên ngoài (lạm phát neo cao khiến các NHTW lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là FED).

Tuy nhiên, sau thời gian dài bán ngoại tệ bình ổn thị trường, dư địa để NHNN can thiệp bằng việc bán USD thông qua dự trữ ngoại hối đang hẹp dần (theo IMF quỹ dự trữ ngoại hối tối thiểu cần duy trì 8 – 12 tuần nhập khẩu). Theo dữ liệu của một số đơn vị phân tích, từ đầu tháng 10 đến nay, NHNN chỉ bán ra chưa đến 1 tỷ USD. Con số này thấp hơn nhiều so với mức can thiệp của những tháng trước đó, cho thấy bộ đệm dự trữ ngoại hối đã yếu đi đáng kể và hoạt động điều tiết đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào công cụ tín phiếu và OMO trên thị trường liên ngân hàng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin