Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục mua vào ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại.
Ngày 30/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.441 đồng, tăng 15 đồng so với mức công bố ngày 29/1. Đây là phiên thứ ba liên tiếp tỷ giá này được điều chỉnh tăng.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.114 đồng và tỷ giá sàn là 21.768 đồng.
Tại sở giao dịch NHNN, tỷ giá mua vào ở mức 22.710 đồng và bán ra là 23.094 đồng.
Trong khi đó tại các ngân hàng thương mại, giá bán USD được niêm yết phổ biến ở mức 22.740 – 22.755 đồng và mua vào ở mức 22.665 – 22.675 đồng, xu hướng khá ổn định suốt nhiều tuần qua, và nếu có biến động chỉ dưới 10 đồng.
Với mức tỷ giá này cho thấy NHNN đang niêm yết cao hơn giá mức giá của ngân hàng thương mại, cũng là dấu hiệu cho thấy cơ quan này vẫn đang mua vào USD từ các ngân hàng.
Trong năm 2017, nhờ tỷ giá ổn định, NHNN đã mua vào được một lượng lớn ngoại tệ, đưa dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục 52 tỷ USD. Và trong 2 tuần đầu năm 2018, theo Thống đốc NHNN cho biết, dự trữ ngoại hối tăng tiếp lên mức cao kỷ lục mới 54,5 tỷ USD.
Các chuyên gia nhận định, với diễn biến hiện nay, NHNN có thể chủ động hơn với chính sách tỷ giá. Hơn nữa đang là “mùa” ngoại hối chảy về qua kiều hối, qua nguồn tiền thanh toán hàng hóa nên NHNN tiếp tục có cơ hội mua vào thêm được lượng ngoại tệ nhiều hơn nữa.
Về triển vọng cả năm 2018, nhiều ý kiến cho rằng tỷ giá sẽ chỉ biến động trong biên độ hẹp 1-2%.
Trong một diễn biến khác của thị trường tài chính, giá vàng sau khi vượt qua 37 triệu đồng/lượng trong tuần trước thì sang tuần này đã điều chỉnh giảm trở lại, với giá mua vào của các doanh nghiệp và ngân hàng phổ biến ở mức 36,76 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 36,86 triệu đồng/lượng.
Thời gian qua, do sự biến động lên xuống không theo thế giới nên khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới hiện nay gần như được xóa bỏ, chỉ còn ở mức hơn 100 nghìn đồng mỗi lượng.