Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu về bơm thanh khoản sau khi nới room tín dụng

Lần đầu tiên trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm qua, NHNN sử dụng lại hợp đồng repo giấy tờ có giá với kỳ hạn lên tới 3 tháng.

Phiên giao dịch 7/12 ghi nhận diễn biến đáng chú ý trong hoạt động điều tiết thanh khoản hệ thống của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, đi cùng với việc bơm 4.029 tỷ cho 7 thành viên thông qua hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá kỳ hạn 14 ngày, Nhà điều hành còn cho 4 thành viên khác vay gần 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 91 ngày (khoảng 3 tháng).

Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm qua, NHNN sử dụng lại hợp đồng repo giấy tờ có giá với kỳ hạn lên tới 3 tháng. Dù khối lượng vẫn ở mức thăm dò là chưa đầy 3.000 tỷ nhưng sự thay đổi này cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản có tính ổn định và dài hạn hơn của Nhà điều hành.

Bên cạnh việc tăng kỳ hạn cho các khoản vay cầm cố giấy tờ có giá, cơ quan quản lý tiền tệ tiếp tục dừng hoạt động phát hành tín phiếu hút thanh khoản. Qua đó, đánh dấu chuỗi 13 phiên liên tiếp NHNN dừng hút tiền qua kênh này.

Nguồn: SBV

Cũng liên quan đến nghiệp vụ thị trường mở, ngày 30/11, Ngân hàng Nhà nước đã ban thành thông tư 16/2022/TT-NHNN quy định việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại NHNN (hiệu lực 17/01/2023). Trong đó, bổ sung một số loại giấy tờ có giá được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước. Điều này được cho là sẽ tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng được sử dụng thêm các loại giấy tờ có giá khác để giao dịch vay cầm cố tại NHNN ngoài các loại giấy tờ có giá thanh khoản cao theo quy định hiện hành.

Những động thái trên của NHNN diễn ra trong bối cảnh cơ quan này phát đi thông cáo về việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới 15,5 – 16%. Con số này đồng nghĩa với quy mô tín dụng vào cuối năm nay dự kiến đạt khoảng 12,063 – 12,115 triệu tỷ đồng, cao hơn khoảng 156.000 – 209.000 tỷ so với chỉ tiêu cũ.

Động lực để NHNN đưa ra quyết định trên là do tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng đã cải thiện hơn.

Cũng theo NHNN, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dần ổn định trở lại sau nhiều tháng sóng gió. Trong khoảng 3 tuần trở lại đây, NHNN đã không còn phải con thoi bơm hút thanh khoản khối lượng lớn, thậm chí có phiên cơ quan này chỉ phải hỗ trợ vỏn vẹn 38 tỷ đồng.

Hoạt động bơm hút thanh khoản của NHNN đã giảm mạnh trong những ngày gần đây. (Nguồn: Wichart)

Khả năng tự dưỡng thanh khoản của hệ thống cũng được thể hiện rõ qua doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao trong những tuần gần đây, xoay quanh 240.000 – 260.000/phiên. Trong khi lãi suất vay mượn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 95% tổng giá trị giao dịch) trên thị trường này cũng ít biến động, dao động quanh vùng 5,5 – 6%/năm.

Sự ổn định của thị trường tiền tệ gần đây có sự hỗ trợ rất lớn từ yếu tố tỷ giá. Theo đó, giá USD trong nước đã liên tục giảm sâu trong những ngày gần đây, xuống còn hơn 24.000 đồng tại các ngân hàng. Chỉ trong hơn 1 tuần qua, giá USD ngân hàng đã giảm khoảng 750 – 800 đồng, tương đương 3%.

Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng giảm mạnh và tuột mốc 24.500 đồng/USD. Hiện giá USD “chợ đen” chỉ còn 24.330-24.430 đồng/USD, giảm khoảng 500 đồng so với cuối tháng 11.

Giá USD trong nước đồng loạt lao dốc khi sức mạnh của đồng bạc xanh suy yếu trên thị trường quốc tế, sau những phát biểu mang tính ôn hòa về lộ trình tăng lãi suất của các quan chức Fed.

Trước đó, khi giá USD tăng nóng, NHNN đã liên tục triển khai các biện pháp hút bớt thanh khoản VND thông qua phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ can thiệp. Điều này khiến thanh khoản hệ thống thiếu hụt và đẩy lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lên vùng cao nhất nhiều năm.

Giới phân tích cho rằng, áp lực tỷ giá giảm cho phép NHNN bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.

Theo ước tính của VnDirect, dự trữ ngoại hối sẽ hồi phục lên mức 102 tỷ USD vào cuối 2023, từ mức xấp xỉ 89 tỷ USD hiện nay. Trước khả năng lộ trình thắt chặt của các NHTW sẽ chậm dần lại, và lạm phát trong nước vẫn đang trong tầm kiểm soát, VnDirect cho rằng Ngân hàng Nhà nước chưa cần nâng lãi suất điều hành trong thời gian tới.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin