Sức ép tăng lãi suất của hệ thống ngân hàng đang lớn dần, trong khi với mục tiêu ổn định tỷ giá ở biên độ 2% (đã dùng hết), Ngân hàng Nhà nước đang rơi vào tình thế khó xử, vì nếu chọn tỷ giá, lãi suất sẽ phải tăng…
Một thông điệp mạnh mẽ đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình gửi đến các ngân hàng trong Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, đó là phải giảm cho được lãi suất trung và dài hạn xuống 1-1,5% trong những tháng còn lại của năm.
Để giảm được lãi suất, một trong những giải pháp mà Thống đốc yêu cầu các NHTM thực hiện, đó là điều chỉnh sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay về mức hẹp lại.
Ngân hàng đang chịu sức ép tăng lãi suất
Thông điệp này sẽ được các ngân hàng ứng xử thế nào khi họ đang chịu sức ép buộc phải tăng lãi suất vì có sự thắt chặt dần thanh khoản trên hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái do tăng trưởng tín dụng đã cao hơn tăng trưởng huy động.
Theo CTCK TP.HCM (HSC), vốn tăng trưởng huy động sẽ có xu hướng tăng tốc do cầu đối với vốn huy động tăng do tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong khi hệ số LDR cũng tăng. Lãi suất tăng chắc chắn không phải do những lo ngại lạm phát gia tăng.
“Lạm phát hiện không cao với việc giá nhiên liệu tăng đã được cân bằng với việc giá lương thực giảm (chủ yếu là giá gạo và thịt lợn giảm). Rõ ràng có sự thắt chặt dần thanh khoản trên hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái do tăng trưởng tín dụng đã cao hơn tăng trưởng huy động”, HSC bình luận.
Báo cáo của HSC cho rằng trong thời gian tới, NHNN sẽ sớm phải lựa chọn phương án đẩy mạnh hơn tăng trưởng cung tiền M2 hoặc phương án để cho lãi suất tăng. Các ngân hàng mong muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khi nợ xấu được giải quyết; niềm tin đang phục hồi và cầu đã quay trở lại.
“Để đạt được mục tiêu này, các ngân hàng sẽ cần phải quyết liệt hơn trong việc thu hút huy động, theo đó tăng cạnh tranh trong thu hút huy động từ khu vực tư nhân. Đây là nguồn huy động hạn chế và cạnh tranh khốc liệt hơn sẽ đẩy lãi suất huy động tăng hơn nữa trong quý III này”, HSC bình luận.
Ngoài ra, việc chính thức chuyển từ NHTM nhà nước thành NHTM cổ phần của ba ông lớn Vietcombank, Vietinbank, BIDV từ ngày 1/7/2016 tới cũng đang tạo sức ép tăng lãi suất huy động để tăng trưởng huy động cao hơn trong 6 tháng cuối năm.
Nguyên nhân là do hệ số LDR (tỷ lệ dư nợ trên huy động vốn) của hệ thống ngân hàng hiện khá cao và tiếp tục tăng hơn nữa.
Theo tính toán của HSC, số LDR hiện tại của hệ thống ngân hàng là khoảng 91,1% (và 90% đối với tiền đồng). Tỷ lệ này đã cao hơn mức trần 80% đối với các NHTM cổ phần theo quy định của NHNN. Hệ số LDR trần áp dụng cho các NHTM nhà nước cao hơn, là 90%.
“Điều này là trái ngược với lập trường quản lý hiện tại là chủ trương các NHTM giảm hệ số LDR xuống thấp hơn mức trần cho phép trong nỗ lực giảm rủi ro hệ thống. Hơn nữa, từ ngày 1/7/2016, các NHTM nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV sẽ chính thức chuyển thành NHTM cổ phần. Theo đó, hệ số LDR trần áp dụng cho các ngân hàng này sẽ giảm từ 90% xuống 80%”, HSC bình luận.
Hiện tại, tỷ lệ này của các ngân hàng như Vietinbank, BIDV đã trên mức trần cho phép và có khả năng các ngân hàng này buộc phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng hoặc tăng lãi suất huy động để đạt tăng trưởng huy động cao hơn trong 6 tháng cuối năm.
“Nhiều khả năng các ngân hàng này sẽ phải thực hiện đồng thời hai việc trên. Theo đó, lãi suất huy động sẽ tăng. Như trong cuộc khảo sát lãi suất tháng 5 của chúng tôi, lãi suất huy động đã chạm đáy và đang tăng trong khoảng 6-8 tuần qua. Chúng tôi nhận thấy các ngân hàng khác gần đây đã thông báo bắt đầu tăng lãi suất huy động ngắn đến trung hạn trong tháng 6”, HSC phân tích.
Ứng xử của Ngân hàng Nhà nước?
Theo HSC, NHNN có thể giảm nhẹ lãi suất bất cứ khi nào bằng cách tăng khối lượng huy động mới (in tiền mới) bơm vào hệ thống ngân hàng mỗi tháng. Từ đó tăng trưởng cung tiền M2 sẽ tăng tốc và đồng thời giúp ổn định lãi suất huy động ở mặt bằng nhất định.
“NHNN sẽ theo phương án đẩy mạnh hơn tăng trưởng cung tiền M2 trong 6 tháng cuối năm để đạt được mức tăng trưởng cao hơn. Nếu NHNN lựa chọn không thực hiện tăng bơm tiền, các ngân hàng cuối cùng sẽ phải tăng lãi suất cho vay để bảo vệ tỷ lệ NIM”, HSC nhận định.
Tuy nhiên, NHNN đang ở trong một tình thế khó xử. Cơ quan này vẫn lo lắng về vấn đề tỷ giá và gần đây đã sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá. NHNN cũng cam kết sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay (thực tế từ đầu năm đến nay NHNN đã điều chỉnh tỷ giá 2%).
Hiện tại, để ổn định tỷ giá, NHNN phải kiểm soát chặt cung tiền M2 và để lãi suất tăng có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, phương án này không phù hợp cho lắm trước ưu tiên hiện nay dành cho mục tiêu tăng trưởng cũng như trước một thực tế là hiện lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
HSC cho rằng khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng có những dấu hiệu ban đầu về sự khan hiếm, thì NHNN trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với tình thế khó xử về mặt chính sách.
“Chúng tôi cho rằng ngân hàng sẽ lựa chọn phương án đẩy mạnh hơn một chút tăng trưởng cung tiền M2 để giảm áp lực đối với lãi suất và tái lập lại chênh lệch dương giữa tăng trưởng cung tiền M2 và tăng trưởng tín dụng. Theo đó, NHNN có thể đẩy tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 lên mức khoảng 18,5-19,5%; từ đó mở ra chênh lệch dù không lớn nhưng có vai trò quan trọng giữa tăng trưởng cung tiền M2 và tăng trưởng tín dụng; giúp tạo ra thanh khoản thặng dư trong hệ thống”, HSC nhận định.