Theo Thống đốc, nếu NHTM quá tập trung kinh doanh, đầu tư trên thị trường ngoại tệ, NHNN sẽ “buộc” phải hút tiền về thông qua nhiều kênh khác nhau và khi đó sẽ tác động xấu đến lãi suất…
Tuy nhiên, trong bối cảnh các NHTM dư thanh khoản, một số NHTM mua ngoại tệ để kinh doanh. Động thái này hiện vẫn trong khuôn khổ pháp luật cho phép, nhưng Thống đốc nhìn nhận cách ứng xử này chưa chuyên nghiệp và chưa đẹp. Nhất là khi tất cả hệ thống đã làm mọi việc để hướng tới mục tiêu ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá để nhờ đó mà giảm mặt bằng lãi suất huy động, cho vay.
“Một khi Ngân hàng Nhà nước đã định hình mặt bằng tỷ giá như thế, chúng ta phải bàn bạc, cân nhắc và nghiêm túc tuân thủ. Chúng ta đang có mặt bằng lãi suất tương đối hợp lý và nếu có điều kiện vẫn phải giảm xuống nữa. Nếu các ngân hàng cứ đầu tư quá mức trên thị trường ngoại tệ, sẽ dẫn tới sức ép tăng lãi suất, mà như thế sẽ triệt tiêu kết quả đạt được. Đừng vì lợi ích của ngân hàng nào đó mà phá vỡ lợi ích chung”, Thống đốc nói.
Đồng thời, Thống đốc lưu ý: Nếu cứ kinh doanh kiểu này chính các ngân hàng gây khó khăn cho mình. Nếu NHTM quá tập trung kinh doanh, đầu tư trên thị trường ngoại tệ́, NHNN sẽ “buộc” phải hút tiền về thông qua nhiều kênh khác nhau, chẳng hạn như tăng dự trữ bắt buộc và khi đó sẽ tác động xấu đến lãi suất,… Đây sẽ lại là vòng luẩn quẩn, do vậy tôi đề nghị các NHTM phải ứng xử chuyên nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu.
Nỗ lực đảm bảo tăng trưởng tín dụng
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái đã cải thiện nhiều. Tính đến ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 2,98% và đang tiếp tục được cải thiện. Từ nay đến cuối năm sẽ nỗ lực đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 12% đặt ra từ đầu năm.
Tuy nhiên đạt được điều này cũng không phải dễ dàng. Không ít chuyên gia lo ngại mục tiêu tín dụng tăng 12% mà NHNN đặt ra khó đạt được trong bối cảnh vốn ngân hàng đẩy ra nền kinh tế vẫn thấp. Tuy nhiên, NHNN cho biết vốn ngân hàng đã dần được “mở van”. Cụ thể, đến ngày 22/5, tín dụng tăng trưởng 2,29% so với đầu năm. Riêng dư nợ cho vay bằng VNĐ tăng 4,57%.
Một trong những khó khăn hiện nay được cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng và các chuyên gia nêu là tổng cầu, sức mua của nền kinh tế thấp. Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị với Chính phủ tăng phát hành trái phiếu Chính phủ, nâng mức đầu tư công qua đó kích thích tổng cầu, vừa giải quyết tồn kho, giải quyết công ăn việc làm, góp phần khơi thông tăng trưởng tín dụng.
Tháng 7, VAMC sẽ chính thức hoạt động
Đánh giá cao nỗ lực, ý thức của hệ thống NHTM trong việc tự xử lý nợ xấu, nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh việc vẫn còn nguy cơ nợ xấu mới phát sinh do tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ những khó khăn vĩ mô.
“Do vậy, từ nay đến cuối năm, các TCTD cần phải đồng thời thực hiện cả 2 nhiệm vụ, đó là xử lý nợ xấu, đồng thời không để nợ cũ chuyển thành xấu” Thống đốc nói.Hiện tại NHNN đang gấp rút chuẩn bị để đến trung tuần tháng 7 sẽ chính thức đưa Công ty Xử lý nợ xấu của các TCTD (VAMC) đi vào hoạt động.
Việc tái cấu trúc hệ thống các TCTD đã thu được kết quảquan trọng. Đến nay, 9 NHTM yếu kém đã dần được phục hồi, bắt đầu hoạt động bình thường. NHNN yêu cầu các NHTM khác trong toàn hệ thống tích cực, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu tổ chức, hoạt động của mình. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra giám sát.
Yêu cầu các NHTM nhanh chóng đóng trạng thái vàng
Về nhiệm vụ quản lý thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định các nội dung của Nghị định 24 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng cho ổn định vĩ mô.
Thống đốc cho biết, hiện NHNN đang tạo môi trường thanh khoản, lãi suất tốt, đảm bảo nguồn cung vàng qua đấu thầu, do vậy các NHTM phải nhanh chóng tất toán, đóng trạng thái vàng. NHNN sẽ xử lý nghiêm theo quy định các ngân hàng còn có trạng thái vàng.