Nước Nga đã làm cho đồng rúp ổn định trở lại bằng cách kiểm soát vốn và bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ra và ngăn chặn sự tháo chạy của các nhà đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, giá trị đồng rúp đã về gần ngang bằng với thời điểm một ngày trước khi Nga thực hiện “Chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine.
Đồng rúp của Nga đã lấy lại gần như toàn bộ mức giảm kể từ khi xảy ra cuộc xung đột với Ukraina, sau khi Moscow áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn một cách hà khắc và chặn đường hầu hết các thương nhân nước ngoài không cho rút khỏi các khoản đầu tư của họ ở Nga.
Sự phục hồi của đồng tiền này cho thấy Moscow đã xoay sở như thế nào để chống lại sự sụp đổ của hệ thống tài chính Nga, dù phải trả giá bằng sự cô lập nước Nga ra khỏi nền tài chính toàn cầu, trong bối cảnh nền kinh tế có nguy cơ suy thoái sâu.
Vào đầu tháng 3, đồng rúp giảm xuống còn 150 RUB/USD – mất gần một nửa giá trị trong vòng chưa đầy hai tuần – sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu ngắt nước Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu và đóng băng một phần lớn trong số hơn 600 tỷ USD mà ngân hàng trung ương nước này tích lũy được.
Nhưng sau đó, đồng tiền này đã hồi phục đáng kể, lên 80 RUB vào ngày 31/3/2022, gần tương đương mức giá của ngày 23/2/2022 – một ngày trước khi Putin cử quân đội Nga vào Ukraine.
Doanh thu từ dầu và khí đã giúp đồng rúp ổn định, khi xuất khẩu những mặt hàng này tiếp tục chảy sang châu Âu. Tuy nhiên, theo Oleg Vyugin, chủ tịch hội đồng giám sát của Moscow Exchange, đồng thời là cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được Moscow đưa ra để nâng cao giá trị của đồng rúp đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tiền tệ sâu sắc hơn.
“Có một thời điểm ban đầu, đồng rúp giảm giá mạnh… khi nhiều công dân chuyển tiền ra nước ngoài”, ông Vyugin nói. “Nhưng sau đó một lệnh cấm vận đối với hoạt động đó đã được đưa ra và việc sử dụng USD dù ở trong nước hay nước ngoài trở nên gần như không thể.”
Đồng rúp gần hồi phục hoàn toàn kể từ khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine.
Người Nga đã bị cấm việc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng nước ngoài của chính họ, không được rút quá 10.000 USD ngoại hối trong vòng 6 tháng tới, cũng không được mang nhiều hơn số tiền đó ra khỏi đất nước bằng tiền mặt. Các ngân hàng và công ty môi giới đã tạm thời bị cấm hoạt động giao dịch ngoại hối đối với đô la và euro bằng tiền mặt.
Ngân hàng trung ương Nga cũng tăng gấp đôi lãi suất lên 20%, tạo động lực cho người dân tiết kiệm đồng rúp của họ thay vì bán phá giá để lấy ngoại tệ. Biện pháp này đã ngăn chặn một cuộc tháo chạy của các ngân hàng và giữ cho hệ thống ngân hàng Nga được ổn định. Người nước ngoài cũng bị cấm rút khỏi cổ phiếu trong nước Nga, khiến các khoản đầu tư của họ bị mắc kẹt.
Cristian Maggio, người phụ trách mảng danh mục đầu tư tại các thị trường mới nổi của TD Securities cho biết: “Việc này được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng nên không rõ tình hình hiện tại của đồng rúp Nga có thực sự phản ánh sức khỏe của nền kinh tế Nga, hoặc hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hay không?”
Theo ông Maggio, các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người trong số họ đang bị mắc kẹt với số tài sản của họ ở Nga, không thể giao dịch trên thị trường này; và các ngân hàng bên ngoài nước Nga đã ngừng niêm yết tỷ giá hối đoái đô la Mỹ – rúp Nga. “Trên thị trường quốc tế, cặp tỷ giá này gần như không còn tồn tại”, ông Maggio nói.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đã củng cố một trong những điểm mạnh truyền thống của nền kinh tế Nga: thặng dư thương mại. Ông Vyugin của Moscow Exchange nói: “Giá năng lượng tăng cao cùng với việc nhập khẩu giảm mạnh đã tạo ra một” cán cân thương mại rất mạnh và lượng tiền tệ dư thừa trên cán cân thương mại là rất lớn”.
Hai nhà kinh tế của Viện Tài chính Quốc tế (Institute of International Finance), Elina Ribakova và Robin Brooks, cho biết: Doanh thu bán dầu chiếm khoảng 30% tổng doanh thu tài chính của Nga, và giá dầu thế giới tăng mạnh đang “mang lại cho Nga những điều kiện thương mại mạnh nhất kể từ khi “giá dầu đạt đỉnh cao vào năm 2008”. “Vì vậy, ngay cả khi Nga xuất đang giảm xuất khẩu dầu do các lệnh trừng phạt của phương Tây, quốc gia này vẫn nhận được rất nhiều ngoại tệ mạnh”.
Bà Ribakova dự báo tài khoản vãng lai của Nga có thể đạt 200 tỷ đến 250 tỷ USD trong năm 2022, so với khoảng 120 tỷ USD năm 2021, do nhập khẩu sụt giảm kết hợp với xuất khẩu hàng hóa mạnh mẽ. Với những khoản thu này, Nga có thể xây dựng lại lượng dự trữ của ngân hàng trung ương – đã bị đóng băng dưới các lệnh trừng phạt trong thời gian chỉ hơn một năm”.
Các công ty được hưởng những khoản thu bằng ngoại tệ đó – chủ yếu là các nhà xuất khẩu dầu khí – cũng buộc phải đổi 80% số tiền họ thu được sang đồng rúp, nhờ đó có thể thuê bên ngoài một cách hiệu quả, qua đó hỗ trợ cung tiền cho lĩnh vực tư nhân.
Ngân hàng trung ương Nga đã chi 1,2 tỷ USD để hỗ trợ đồng rúp trong hai ngày làm việc kể từ khi bắt đầu bùng nổ cuộc xung đột Nga – Ukraine, một con số khiêm tốn, và kể từ đó không can thiệp vào thị trường tiền tệ nữa, theo các dữ liệu từ phía Nga. Các nhà phân tích cũng cho rằng kế hoạch của ông Putin buộc người mua khí đốt ở châu Âu phải thanh toán bằng đồng rúp có thể thúc đẩy đồng tiền này tăng giá thêm nữa.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận các lệnh trừng phạt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga.
Bà Ribakova ước tính sản lượng kinh tế của Nga sẽ giảm 15% trong năm nay, xóa sổ một thập kỷ rưỡi tăng trưởng, khi nhu cầu trong nước suy giảm – và có khả năng giảm sâu hơn nữa nếu có thêm những biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu và khí đốt.
Bà nói rằng hơn 400 công ty nước ngoài đã rút khỏi Nga, nhiều công ty trong số họ “tự xử phạt” bằng cách rời khỏi đất nước ngay cả khi các lệnh trừng phạt không yêu cầu họ phải làm như vậy.
Theo: Financial Times