Tại hội nghị mới đây, 16 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay 0,5% – 3%/năm, và thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm.
Các ngân hàng nói sẽ đưa lãi suất huy động về dưới 9,5%
Ngày 15/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh
Tại hội nghị, Hiệp hội Ngân hàng cho biết đã tổ chức cuộc họp để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có Công văn số 454/HHNH-PLNV ngày 09/12/2022 báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả cuộc họp và kiến nghị Thống đốc một số giải pháp hỗ trợ các NHTM liên quan đến hỗ trợ thanh khoản từ nay đến hết Tết nguyên đán 2023, đồng thời thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).
Theo Hiệp hội Ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao. Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% – 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)…
Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng. Theo các ngân hàng có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa có xu hướng giảm.
Về lãi suất cho vay, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đến nay, đã có 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% – 3%/năm .
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
”Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước. Còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để chúng tôi có biện pháp hỗ trợ”, ông Tú nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản thì NHNN sẽ có giải pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.
Tiền gửi dân cư tiếp tục chảy mạnh vào ngân hàng
Theo dữ liệu mới nhất của NHNN, tiền gửi khách hàng vào hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 10/2022 đạt hơn 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 5.766 tỷ đồng so với cuối tháng 9. Trong đó, động lực chính đến từ nhóm khách hàng dân cư.
Cụ thể, tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm 15.811 tỷ đồng trong tháng 10 xuống còn hơn 5,76 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi dân cư tăng 21.577 tỷ đồng tháng 10 lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng. Đây cũng mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 7. Trước đó, mặc dù vẫn có tăng trưởng trong các tháng của quý 3 nhưng mức tăng đã chậm lại rõ rệt so với đầu năm, chẳng hạn như trong tháng 9 chỉ tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng.
Tăng lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định 2081/QĐ-NHNN ngày 12/12/2022 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016. Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại các Thông tư kể trên là 5,0%/năm.
Trước đó, theo Quyết định số 1956/QĐ-NHNN ngày 03/12/2021, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 4,8%/năm.
Ngân hàng Nhà nước trở lại hoạt động mua ngoại tệ
Ngày 15/12, NHNN đã chính thức niêm yết lại tỷ giá mua vào USD ở mức 23.450 đồng/USD. Đây là phiên đầu tiên sau hơn 2 tháng, NHNN mới niêm yết tỷ giá này tại Sở giao dịch. Trước đó, NHNN đã dừng niêm yết tỷ giá mua vào đồng bạc xanh từ đầu tháng 9.
Bên cạnh đó, từ ngày 16/12, NHNN cũng giảm mạnh giá bán USD từ 24.830 đồng xuống 24.780 đồng, mức giảm mạnh hơn nhiều so với các lần điều chỉnh trước đó. Trong tháng 11, NHNN đã có 4 lần giảm giá bán USD, mỗi lần chỉ giảm 10 đồng.
Các động thái của NHNN diễn ra trong bối cảnh giá USD lao dốc mạnh trong những tuần giao dịch gần đây.
Hiện giá USD niêm yết tại các thương mại chỉ còn khoảng 23.400 – 23.450 đồng ở chiều mua vào và 23.700 – 23.750 đồng ở chiều bán ra. So với mức đỉnh ghi nhận vào đầu tháng 10, giá USD ngân hàng đã giảm 4,5% và chỉ còn cao hơn khoảng 3,5% so với hồi đầu năm, tương đương vùng mất giá kỳ vọng của NHNN.
Cổ phiếu ngân hàng phân hóa
Cổ phiếu ngân hàng tuần qua (12-16/12) diễn biến phân hóa với 17/27 mã tăng giá, 2 mã không thay đổi và 8 mã giảm giá.
EIB của Eximbank là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành tuần qua, đóng cửa phiên 16/12 ở mức 27.400 đồng/cp, tăng 22,9% so với cuối tuần trước. Tương tự, VPB của VPBank khi ghi nhận mức tăng 9,5% trong tuần qua. Một số mã cổ phiếu lớn khác cũng tăng giá trên 3% như MBB của VPBank (tăng 3,3%), TCB của Techcombank (tăng 3,2%), VCB của Vietcombank (tăng 3,1%).
Ở chiều ngược lại, có 9 mã ngân hàng giảm giá trong tuần qua. Trong đó, KLB của Kienlongbank giảm mạnh nhất (-10,6%).
Thanh khoản toàn ngành ngân hàng tuần qua đạt gần 14.500 tỷ đồng, tương đương 2.900 tỷ đồng/phiên, giảm đáng kể so với mức 3.600 tỷ đồng/phiên của tuần trước.