Ngân hàng tuần qua: Không còn lãi suất huy động niêm yết trên 10%, tỷ giá vẫn neo trần, cổ phiếu phân hóa

Tuần qua cũng ghi nhận một số thông tin đáng chú ý như SHB chốt ngày chia cổ tức và VPBank muốn lấy ý kiến cổ đông về việc mua cổ phiếu quỹ.

Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động

Từ ngày 2/11, Techcombank công bố biểu lãi suất huy động mới và tăng ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất niêm yết cao nhất tại nhà băng này đã lên 8,7%/năm, áp dụng cho khách hàng VIP/Private mở mới tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên. Đối với khách hàng thường, lãi suất tương ứng với kỳ hạn này dao động trong khoảng 8,2%-8,5%/năm.

Bên cạnh tiền gửi có kỳ hạn, từ ngày 5/11, Techcombank cũng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn gấp 33 lần, từ mức 0,03%/năm lên mức 1%/năm.

Không tăng lãi suất niêm yết như Techcombank, nhưng SCB triển khai chính sách cộng lãi suất 0,8%/năm cho khách hàng cá nhân gửi tiền VND tại quầy với kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng.

Với chính sách cộng coupon này, lãi suất niêm yết cao nhất tại SCB hiện lên tới 9,5%/năm áp dụng cho các khoản khoản tiền gửi tại quầy theo sản phẩm Tiết kiệm Phát Lộc Tài tại kỳ hạn 11 tháng, cao hơn 0,2 – 0,4%/năm so với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Điều kiện để tham gia sản phẩm tiết kiệm này là khách hàng phải gửi số tiền tối thiểu 50 triệu đồng.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, SCB tiếp tục là nhà băng có lãi suất huy động cao nhất thị trường. Ngoài SCB, lãi suất niêm yết tại nhiều ngân hàng cổ phần lớn như MB, VPBank,…cũng đã lên gần mốc 9%/năm.

Theo SSI Research, diễn biến lãi suất huy động ở các ngân hàng vẫn còn khá phức tạp. Các ngân hàng trong hệ thống đều đã đồng loạt điều chỉnh tăng 0,3 – 1 điểm % tùy kỳ hạn, trong đó kỳ hạn dưới 6 tháng ở hầu hết các ngân hàng đã đẩy lên mức trần 6%. Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.

”Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước Covid, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 300-400 điểm cơ bản (3 – 4%/năm) so với cuối năm 2021”, SSI Research cho biết.

Lãi suất huy động trên 10% ‘biến mất’

Sau thời gian ngắn áp dụng, các mức lãi suất huy động niêm yết trên 10%/năm đã không còn xuất hiện.

Theo đó, biểu lãi suất hiện tại của NCB không còn mức lãi suất 10,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân gửi trên 500 tỷ. Trong khi các mức lãi suất khác vẫn giữ nguyên.

Tương tự, website của Nam A Bank cũng ngưng niêm yết sản phẩm tiền gửi Happy Future (vốn có lãi suất áp dụng 11%/năm cho 3 tháng đầu với kỳ hạn gửi 9 tháng). Trong khi lãi suất áp dụng cho các sản phẩm khác không thay đổi.

Tỷ giá ngân hàng vẫn neo trần

Giá USD tại các ngân hàng trong tuần qua không có nhiều thay đổi khi chỉ tăng, giảm 1 – 2 đồng theo tỷ giá trung tâm. Hiện giá bán USD tại nhiều ngân hàng lớn vẫn mấp mé, thậm chí kịch trần ở mức 24.878 VND/USD. So với cuối năm trước, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng tăng gần 2.000 đồng/USD, tương đương 8,5%.

Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do có xu hướng giảm, hiện mua – bán mức 25.300 – 25.370 đồng/USD.

Cổ phiếu ngân hàng biến động trái chiều

Trong tuần qua (31/10 – 4/11), nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến phân hóa với 15/27 mã giảm giá và 12 mã tăng giá.

Cụ thể, sau 5 ngày giao dịch, mã EIB giảm sâu nhất ngành khi mất 17,1%, xuống còn 32.650 đồng/cp. ACB cũng giảm 9,6%, xuống còn 20.150 đồng/cp. Cùng với EIB và ACB, nhiều cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên HNX và UPCoM cũng mất giá mạnh như PGB (-10,4%), VBB và NVB (-8,8%).

Ở chiều ngược lại, dẫn đầu tăng giá toàn ngành là MSB khi ‘xanh’ 5,3%. Các cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần qua còn có sự góp mặt của OCB, TCB, VPB, STB, SHB, CTG, …

SHB chốt ngày chi cổ tức

SHB thông báo ngày 24/11/2022 là ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền nhận cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng, lên mức 30.674 tỷ đồng.

VPBank muốn mua cổ phiếu quỹ

VPBank thông báo chốt ngày đăng ký cuối cùng vào ngày 18/11 để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc mua lại cổ phiếu quỹ và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Trước đó, tại tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo VPBank cho biết việc mua cổ phiếu quỹ là một trong những công cụ hiệu quả không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài để tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, mang lại lợi ích cho cổ đông khi thị trường bình ổn, vượt qua khủng hoảng.

Lãnh đạo VPBank cho rằng với tiềm lực vốn lớn, ngân hàng hoàn toàn có thể nghiên cứu việc mua cổ phiếu quỹ để gia tăng lợi ích của nhà đầu tư trong dài hạn, một phần nào đó đóng góp vào thanh khoản của toàn thị trường.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin