Tâm điểm ngành ngân hàng tuần qua là các diễn biến liên quan đến lãi suất, tỷ giá và hoạt động hút tiền của NHNN trong bối cảnh Fed thể hiện quan điểm diều hâu hơn tại cuộc họp chính sách tháng 9.
Tỷ giá tiếp tục leo thang
Tỷ giá trung tâm tuần qua tăng tổng cộng 24 đồng, kết tuần ở mức 24.060 VND/USD. Giá bán USD can thiệp cũng tăng tương ứng lên 25.213 VND/USD.
Trên thị trường ngân hàng, giá USD tại Vietcombank – ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống – tăng hơn 100 trong tuần qua, lên mua – bán ở mức 24.160 – 24.530 VND/USD. Giá USD tại hầu hết ngân hàng cũng đều vượt qua mốc 24.500 đồng, thậm chí tiến sát 24.600 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 800 đồng, tương đương 3,3%.
Trên thị trường chợ đen, giá USD hiện được mua – bán ở mức 24.330 – 24.380 đồng, tăng khoảng 150 đồng so với cuối tuần trước.
Tỷ giá USD trong nước đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh chỉ số DXY, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh, đã bước sang tuần tăng điểm thứ 10 liên tiếp – nhịp tăng dài nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Sức mạnh của đồng bạc xanh đang được củng cố khi quan điểm điều hành của Fed trong cuộc họp tháng 9 mang tính cứng rắn hơn nhiều so với hồi tháng 6. Theo đó, các quan chức Fed dự kiến số lần giảm lãi suất trong năm tới sẽ giảm so với dự báo trước đây. Đây cũng là điều nhà đầu tư lo ngại, rằng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu
Sau cuộc họp của Fed, thị trường tiền tệ Việt Nam cũng ghi nhận một diễn biến đáng chú ý khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở lại kênh hút tiền qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm dừng. Theo đó, trong 2 phiên giao dịch 21/9 và 22/9, NHNN đã hút ròng gần 20.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.
Việc NHNN phát hành tín phiếu, hút tiền về được giới tài chính đánh giá là tín hiệu rất rõ ràng về việc Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng sử dụng các công cụ để điều tiết vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động đều xuống thấp lịch sử.
Xung quanh vấn đề lãi suất – tỷ giá, trong các phát ngôn về chính sách gần đây, các lãnh đạo của NHNN cũng liên tục đề cập đến sự cân bằng giữa hai chỉ số này.
Tại cuộc họp với các doanh nghiệp mới diễn ra vào ngày hôm qua (21/9), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN đang theo dõi rất sát tỷ giá, hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành phù hợp.
“Lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng, đó là về mặt kinh tế học. Do đó điều hành cần phải có sự hài hoà, ổn định là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước. Điều hành tỷ giá phải trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên sản xuất trong nước của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu/GDP là gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn. Do đó đây là một bài toán khó”, bà Hồng cho hay.
Toàn bộ nhóm Big4 đưa lãi suất huy động xuống thấp lịch sử
Đầu tuần qua, ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big4 là VietinBank đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống còn 5,5%/năm – ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn covid-19.
Hiện, lãi suất huy động của VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank khá tương đương nhau, chỉ có một số khác biệt ở hình thức tiết kiệm online nhưng không đáng kể.
Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, động thái của nhóm Big4 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.
Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng “thừa tiền” vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện chỉ quanh 7% một năm và cũng không nhiều nhà băng sẵn sàng trả mức này (không tính khách hàng VIP gửi khoản tiền lớn).
Theo giới phân tích, lãi suất huy động duy trì đà giảm kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm. Dù vậy, với việc lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại cùng rủi ro tỷ giá lớn hơn, mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể sẽ giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua. Ngoài ra, hiện mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nên dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động sẽ không còn lớn.
Ngân hàng Nhà nước thay Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã quyết định thôi chỉ định nhân sự tham gia HĐQT SCB đối với ông Vũ Anh Đức. Theo đó, ông Vũ Anh Đức thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT và được điều động trở lại để đảm nhiệm vị trí quan trọng tại VietinBank.
NHNN cũng đã quyết định trưng tập, chỉ định ông Phan Đình Điền thôi đảm nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng thành viên Agribank sang nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT SCB thay ông Vũ Anh Đức kể từ ngày 22/9/2023.
Ông Phan Đình Điền đã công tác trong ngành ngân hàng gần 30 năm, trải qua các vị trí lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo Chi nhánh tới Thành viên Hội đồng thành viên Agribank. Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong suốt quá trình công tác, ông Phan Đình Điền luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm cao và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có năng lực quản trị điều hành, đặc biệt là có nhiều kinh nghiệm xử lý nợ.
Ngân hàng Nhà nước đã trình chủ trương cơ cấu lại SCB
Chính phủ mới đây đã gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tổng hợp về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Báo cáo về kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ cho biết đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình cơ quan này xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – nhà băng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022.
Chủ trương cơ cấu lại SCB được đưa ra trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất của chính ngân hàng và Ban kiểm soát đặc biệt SCB. Như vậy, sau gần một năm được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, chủ trương tái cơ cấu SCB đã được cơ quan quản lý “chốt”, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chính phủ cho biết đến nay Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với bốn ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, đến nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trước đó gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu chủ trương, định hướng cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém để xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.