Vì là một ngành học “hot” nhưng chỉ tiêu tuyển sinh tương đối ít, nên điểm chuẩn của ngành này rơi vào ngưỡng khá cao.
Xuất hiện lung linh với những bộ trang phục đẹp, giọng nói “chuẩn chỉnh” không phải nghĩ, thần thái cực đỉnh… là những gì mà mọi người nghĩ đến khi nói về một BTV/ MC. Khánh Vy, Đức Bảo, Diệp Chi, Hạnh Phúc, Thụy Vân… tất cả đều là những hình mẫu cho những bạn trẻ mong muốn trở thành một BTV/ MC nối tiếng.
Đức Bảo (bên trái) và Khánh Vy (bên phải)
Mặc dù đây là nghề nghiệp được nhiều người quan tâm nhưng không phải ai cũng biết muốn theo nghề thì nên học ngành gì, hay yêu cầu công việc và kỹ năng ra sao. Theo đó, một trong những chuyên ngành đào tạo ra những BTV/ MC có đầy đủ kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ phải kể đến Báo phát thanh. Đây là chuyên ngành trọng yếu thuộc ngành Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Chương trình đào tạo
Sinh viên chuyên ngành Báo phát thanh có chương trình đào tạo chính quy 4 năm với tổng số tín chỉ cần phải tích lũy là 128. Sinh viên sau khi ra trường sẽ có đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên ngành để công tác, làm việc tại nhiều vị trí khác nhau.
Một số học phần nổi bật của chuyên ngành Báo phát thanh có thể kể đến như: Cơ sở lý luận báo chí, Lao động nhà báo, Dẫn chương trình phát thanh, Phát thanh trực tiếp, Thực tập tổ chức chương trình phát thanh, Kỹ thuật và công nghệ thuyền thông số, Tác phẩm báo truyền hình…
Giáo trình một số môn học có trong phân phối chương trình ngành Báo phát thanh trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Vì là một ngành học “hot” nhưng tuyển sinh tương đối ít – 50 chỉ tiêu, nên điểm chuẩn nằm ở ngưỡng khá cao. Chẳng hạn như điểm chuẩn năm 2022 theo hình thức thi tốt nghiệp THPT của chuyên ngành Báo phát thanh rơi vào khoảng 34,2 – 35,7 (thang điểm 40) tùy từng tổ hợp (D01, R22, D72, R25, D78, R26).
Có thể thấy, khi thi vào chuyên ngành Báo phát thanh xuất hiện tổ hợp khối R cực độc lạ: R22 (Ngữ văn, Toán, chứng chỉ tiếng Anh quy đổi điểm); R25 (Chứng chỉ tiếng Anh quy đổi điểm, Ngữ văn, Khoa học Tự nhiên) và R26 (Chứng chỉ tiếng Anh quy đổi điểm, Ngữ văn, Khoa học Xã hội).
Với đặc thù của chuyên ngành Báo phát thanh, nên trong quá trình học tập bạn sẽ được học thực hành, trực tiếp sử dụng các trang thiết bị và sản xuất các chương trình, thực hiện các bài tập của mình tại “studio bạc tỷ”. Với các phòng học chuyên dụng như trường quay mini, studio chụp ảnh, phòng thu âm, phát thanh siêu xịn xò. Nói chung các bạn sẽ được học đi đôi với hành một cách bài bản và chuyên nghiệp nhất.
Cơ hội việc làm rộng mở
Theo khảo sát mới đây nhất của Học viện Báo chỉ và Tuyên truyền, tỷ lệ sinh viên ra trường ngành Báo chí nói chung (bao hàm cả Báo phát thanh) lên đến 94,15%. Có thể thấy, dù học chuyên ngành Báo phát thanh nhưng các bạn sẽ được học nhiều kiến thức và nghiệp vụ báo chí nên có hội nghề nghiệp tương đối rộng mở. Chỉ cần bạn có đủ chuyên môn và lòng đam mê với nghề thì thành công sẽ đến với bạn. Một số cơ hội việc làm như sau:
– Phóng viên, biên tập viên, MC tại các cơ quan báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh, đài phát thanh – truyền hình.
– Cán bộ báo chí thực hiện các công việc chuyên môn trong các cơ quan, đơn vị đòi hỏi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ báo chí.
– Làm việc tại các công ty truyền thông.
– Cán bộ nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chuyên môn.
Cơ hội việc làm ngành Báo phát thanh rất rộng mở
Tổng hợp