Bệnh lý thoát vị đĩa đệm không còn xa lạ với xã hội hiện đại thời nay, đặc biệt với những người có lối sống luôn vội vã và ít thời gian tập luyện thể thao.
Nếu trước đây bệnh nhân thoát vị đĩa đệm chủ yếu là người trung niên, cao tuổi thì hiện nay đối tượng này ngày càng trẻ hóa. Thống kê cho thấy, khoảng 30% dân số Việt Nam đang gặp phải tình trạng đau lưng, đặc biệt là đau lưng do tổn thương đĩa đệm sau tai nạn lao động, tai nạn giao thông, hoặc đơn thuần là thoái hóa tự nhiên… Đáng lưu ý, thoát vị đĩa đệm ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, phổ biến nhất là từ 30-60 tuổi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoát vị địa đệm ngày càng nhiều ở người trẻ
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm ngày càng nhiều ở người trẻ, ThS.BS Trần Quốc Khánh (BS chuyên khoa xương khớp và phẫu thuật cột sống) cho biết: Hiện nay, tình trạng thoát vị đĩa đệm đang trẻ hóa rất mạnh, đặc biệt là với dân văn phòng. Nguyên nhân là do nhóm đối tượng này có xu hướng ngồi nhiều, “gắn chặt” với smartphone, ít ra ngoài vận động, hoạt động thể chất.
Một nguyên nhân khác nữa là do ăn uống. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận thực phẩm, nhất là thực phẩm ăn nhanh. Do vậy, mọi người rất dễ bị tăng cân, béo phì, ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp.
Có thể cải thiện tình trạng sức khỏe cột sống bằng cách nào?
Theo BS Khánh, chúng ta đều có thể dự phòng được với hầu hết các loại bệnh, kể cả bệnh thoát vị đĩa đệm. Căn bệnh này khiến cho chất lượng cuộc sống của chúng ta bị giảm đáng kể. Để dự phòng bệnh thoát vị đĩa đệm cần phải dựa vào nguyên nhân dẫn đến bệnh.
Thứ nhất, nếu có thói quen ngồi lâu thì phải hạn chế tình trạng ngồi quá lâu. Thứ hai, tránh một số hành động như: bê vác vật nặng đột ngột, tăng cân quá mức, lười thể dục thể thao… Thứ ba, bỏ hút thuốc lá, không ăn đồ ăn nhanh. Và cuối cùng là tránh thức khuya, thức đêm. Thức đêm khiến cho hệ miễn dịch, nhịp sinh học thay đổi, toàn bộ cơ thể có những vấn đề phát sinh, trong đó có cả vấn đề về xương khớp.
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm trẻ hóa
Các phương án điều trị thoát vị đĩa đệm
Để điều trị thoát vị đĩa đệm, ThS.BS Trần Quốc Khánh chỉ rõ, đầu tiên phải xác định được tình trạng thoát vị đĩa đệm ở mức độ nào (mức độ nhẹ, mức độ nặng, thoát vị lệch phải, thoát vị lệch trái, thoát vị trung tâm…).
Tùy mức độ bệnh, từng trường hợp cụ thể mà có phác đồ điều trị khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, tất cả những người bị thoát vị đĩa đệm có thể điều trị qua các giai đoạn như:
Giai đoạn 1 – Mức độ nhẹ: Nghỉ ngơi, cân bằng lại sức khoẻ, mặc áo hỗ trợ cột sống trong thời gian ngắn, dùng thuốc hỗ trợ ban đầu (như thuốc giãn cơ, chống đau, giảm viêm…).
Giai đoạn 2: Nếu giai đoạn 1 không đỡ có thể đi vật lý trị liệu, châm cứu phục hồi chức năng. Nếu không cải thiện có thể can thiệp “phong bế”, tức là tiêm thuốc vào chỗ thoát vị đĩa đệm.
Giai đoạn 3: Ở mức độ nặng, có thể dùng biện pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu như nội soi, sóng cao tần, laser. Nghiêm trọng hơn nữa thì phải phẫu thuật thay đĩa đệm.
Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ bệnh của bệnh nhân và chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa. BS Khánh khuyến cáo thêm: Mọi người khi đi khám, chữa bệnh cần đến các cơ sở y tế chính thống để được khám bởi các bác sĩ chuyên sâu. Không nên tin theo các hướng dẫn điều trị trên mạng xã hội từ những người không có chuyên môn, không hiểu chính xác về bệnh của bạn và đặc biệt là phương án điều trị sử dụng có thể chưa được y học thẩm định. Tự ý dùng theo những loại thuốc này có thể dẫn tới nguy cơ suy gan, suy thận, nhiễm độc kim loại nặng…
Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm
2 sai lầm của nhiều người bị thoát vị đĩa đệm
Khi phát hiện ra bị thoát vị đĩa đệm, nhiều người lo lắng thái quá mà không dám chơi thể thao hoặc thường xuyên đeo đai lưng. Đó là 2 sai lầm được BS Khánh chỉ ra.
Theo BS Khánh, nhiều người bị thoát vị đĩa đệm đã mặc đai lưng suốt ngày, thậm chí mặc trong nhiều năm, dẫn tới hội chứng phụ thuộc đai lưng. Khi bỏ ra sẽ thấy chênh vênh, yếu lưng. Điều này cực kì nguy hiểm. Vì vậy, BS Khánh khuyên: Khi bị thoát vị đĩa đệm cũng chỉ nên mặc đai lưng trong một thời gian ngắn hoặc khi đi xe máy, đường xa.
Nhiều người cũng lo lắng quá mức và không dám vận động nặng hay chơi một môn thể thao nào khi bị thoát vị đĩa đệm. Nhưng điều đó là không nên. Chúng ta hoàn toàn có thể vận động và lựa chọn môn thể thao phù hợp. BS Khánh đưa ra lời khuyên, nếu khi tập luyện mà cảm thấy tốt hơn thì tức là chúng ta đi đúng hướng, còn nếu càng tập mà càng thấy đau hơn thì cần dừng lại.
Sai lầm của nhiều người khi bị thoát vị đĩa đệm
Một số bài tập tốt cho cột sống bao gồm: Đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga, bơi lội, đu xà, đạp xe nhẹ nhàng…
Một số hoạt động hoặc môn thể thao người thoát vị đĩa đệm không nên chơi: Cúi và bê vật nặng đột ngột; tránh bài tập nhanh, mạnh đột ngột như tennis, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, boxing…