Không chỉ tập trung cải thiện sức khỏe thể chất, người cao tuổi cũng cần thời gian “giải độc tinh thần”. Trong ngày Quốc tế Người cao tuổi, bạn đã làm được những điều này cho ông bà, bố mẹ trong nhà hay chưa?
Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội, TS. Khuất Thu Hồng từng chia sẻ: Trong một cuộc nghiên cứu quốc gia, có tới 30% người cao tuổi khó để chia sẻ tâm tư, tình cảm với con cháu.
Với người cao tuổi, càng ngày họ càng có xu hướng ít giao tiếp, ít nói chuyện với mọi người xung quanh, kể cả người thân trong gia đình. Người ta rất dễ trở nên mặc cảm vì chịu ảnh hưởng từ những suy nghĩ tiêu cực.
Sinh, lão, bệnh, tử trở thành gánh nặng luôn treo trên đầu. Bên cạnh đó, sự bận rộn và xa lánh của con cháu cũng khiến sức khỏe tinh thần của người già không tốt thường xuyên mệt mỏi, chán ăn. Do đó, đừng bỏ qua việc giải độc tinh thần người cao tuổi để họ có thể an hưởng tuổi già trong sự vui vẻ, tích cực.
Những nỗi lo tâm lý của người cao tuổi mà chúng ta cần thấu hiểu và sẻ chia
Tâm lý cô đơn: Con cháu trong nhà dần trưởng thành, bận rộn đi học và đi làm nên thường xuyên không ở nhà. Người già chỉ cô đơn một mình, không có ai để sẻ chia, đặc biệt là những người không còn bạn đời bên cạnh. Sự cô đơn khiến họ trở nên thu mình, rất dễ bị trầm cảm, u uất.
Tâm lý hoài niệm: Người cao tuổi thường nhớ lại chuyện ngày xưa, thích kể chuyện quá khứ. Rất ít người trẻ đủ kiên nhẫn để lắng nghe và cùng sẻ chia với họ. Điều này tạo ra tâm lý không thoải mái, khiến “cây cao bóng cả” cảm thấy bị cô lập.
Tâm lý bi quan: Nếu cơ thể có dấu hiệu của bệnh tật, thường xuyên phải uống thuốc hoặc đi viện, nhiều người sẽ dần trở nên bi quan. Họ không hài lòng với hiện trạng của bản thân, buồn bã khi chứng kiến người thân tốn công, tốn sức để chăm sóc cho mình. Khi nghĩ về tương lai sau này, sự bi quan càng trở nên trầm trọng.
Tâm lý cáu gắt: Cũng xuất phát từ sự không hài lòng với sức khỏe, thể chất của bản thân, một số người lớn tuổi trở nên tự ái, thường cáu gắt và bực bội với mọi người xung quanh.
Tâm lý đa nghi: Khi cơ thể dần lão hóa, thính lực và thị lực của họ cũng suy giảm, dễ hiểu sai ý của người khác. Họ ngại ngần không muốn hỏi đi hỏi lại nên tự suy đoán để hiểu vấn đề. Điều này vô tình làm tăng sự đa nghĩ của người lớn tuổi và tác động kép lên tâm trạng lo lắng, nóng nảy hoặc bi quan.
Đây đều là những “tâm bệnh” khiến người già trong nhà trở nên bi quan và tiêu cực. Khi đời sống sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng, họ cũng đang gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như: tim mạch, tăng huyết áp…
Do đó, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe vật chất, chúng ta luôn phải quan tâm cả tới sức khỏe tinh thần của người cao tuổi.
Những cách “giải độc tinh thần” cho người cao tuổi: Hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa
Điều 1: Tạo điều kiện để tham gia các hoạt động, sự kiện dành cho ông bà, bố mẹ được tổ chức ở địa phương. Ở đây, mọi người được tham gia giao lưu, tiếp xúc với hàng xóm láng giềng quen biết đã lâu. Họ vừa giảm cảm giác cô đơn, vừa được nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Điều 2:Kho báu tuyệt vời nhất cho người già chính là thường xuyên dành thời gian thăm hỏi, chăm sóc. Ông bà, cha mẹ là người đã dìu dắt chúng ta trên từng bước đường trưởng thành. Do đó, đừng “tằn tiện” thời gian để đồng hành cùng họ trong giai đoạn tuổi xế chiều.
Sự quan tâm, chăm sóc của người thân chính là cơ sở giải độc tinh thần người cao tuổi. Ảnh: globalageing
Điều 3: Đi tìm niềm vui trong bầu trời ký ức của người lớn tuổi. Những lời kể của họ không phải “càm ràm”, bình phẩm, mà đó là sự sẻ chia và truyền thụ kinh nghiệm. Dành thời gian để lắng nghe và cảm nhận sẽ giúp chúng ta nhận về nhiều bài học quý giá. Đồng thời, người già cũng nhận được niềm vui khi quan tâm con cháu.
Điều 4: Tinh tế trong giao tiếp, hạn chế nhắc tới những điều tiêu cực, ví dụ như bệnh tật, hậu sự tương lai, tài sản… Cho dù người bản lĩnh đến mấy, họ cũng không tránh khỏi sự bi quan và ám ảnh khi nghĩ về những tháng ngày “gần đất xa trời”.
Điều 5: Những hành động nhỏ đời thường thể hiện sự quan tâm chân thành là kho báu quý giá nhất cho người cao tuổi. Đó chính là những cái ôm, lời khen, xoa bóp và massage chỗ đau mỏi, chăm sóc bữa ăn hàng ngày…
Điều 6: Đừng keo kiệt sự kiên nhẫn. Người trẻ thường bận rộn với rất nhiều sự kiện, từ công việc cho tới bạn bè, đó là nguyên do khiến họ thiếu nhẫn nại khi dành thời gian ở bên ông bà, cha mẹ. Thay vì tỏ ra bực dọc vì bố mẹ không hiểu cách dùng smartphone, hãy quan tâm tới trở ngại mà họ phải đối mặt, nhẫn nại để giải thích hay trả lời từng vấn đề một cách cẩn thận.
Điều 7: Tiến hành các kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người già trong nhà để nhanh chóng phát hiện bệnh tật, kịp thời ngăn chặn bệnh trở nặng. Điều này rất cần thiết để điều chỉnh thói quen sinh hoạt, lối sống hàng ngày cho lành mạnh hơn.
Nhìn chung, nếu chúng ta vẫn còn may mắn có “cây cao bóng cả” trong gia đình, đừng quên dành thời gian “giải độc tinh thần”, chăm sóc sức khỏe cho họ. Vượt qua giai đoạn tuổi xế chiều là không hề đơn giản, sự đồng hành của con cháu sẽ đóng vai trò then chốt để quyết định tuổi già có an nhiên hay không.
*Tổng hợp