Nhiều người cho rằng trẻ không được bố mẹ quan tâm sẽ dẫn đến tự kỷ, hay trẻ tự kỷ do tiêm ngừa vắc-xin. Điều này có thật sự đúng?
Tháng 4 là tháng thế giới nhận thức về Phổ tự kỷ . Khi làm việc với nhiều phụ huynh trong nước và nước ngoài, Tiến sĩ tâm lý và phát triển Nhi khoa Mimi Thương nhận thấy đâu đó vẫn còn vài sự hiểu lầm về phổ tự kỷ.
Dưới đây 8 lời đồn thường gặp, và sự thật sau 8 lời đồn ấy!
Lời đồn 1: Trẻ tự kỷ không có cảm xúc và không có sự đồng cảm
Sự thật: Trẻ tự kỷ hoàn toàn có cảm xúc và sự đồng cảm. Thật ra có nhiều em còn có nhiều cảm xúc hơn các trẻ khác nữa. Tuy nhiên, cách thể hiện cảm xúc của các em không phải ai cũng hiểu được. Khi đối thoại với các em, việc sử dụng nét mặt, cử chỉ, ngôn ngữ phù hợp sẽ giúp các em hiểu được hàm ý tốt hơn.
Lời đồn 2: Trẻ tự kỷ không thích chơi với bạn
Sự thật: Trẻ tự kỷ có những khó khăn trong kỹ năng giao tiếp. Mới thoạt nhìn, các em có vẻ như không thân thiện hoặc rụt rè. Tuy nhiên, sự thật là các em khó dùng lời để nói ra được mong muốn của mình, chứ không phải là các em không muốn có bạn.
Có thật chích ngừa vắc-xin gây ra tự kỷ ở trẻ? (Ảnh minh họa)
Lời đồn 3: Trẻ tự kỷ là trẻ chậm phát triển trí tuệ
Sự thật: Không phải trẻ tự kỷ nào cũng là trẻ chậm phát triển. 33% trẻ tự kỷ có khiếm khuyết về trí tuệ (IQ dưới 70). Khoảng 25% có chỉ số thông minh nằm ở ngưỡng chậm và trung bình (IQ từ 71=> 85); và khoảng 42% có chỉ số thông minh trung bình hoặc trên trung bình như những trẻ em khác (IQ trên 85).
Lời đồn 4: Trẻ tự kỷ có những điểm đặc điểm thiên tài
Sự thật: Chỉ một phần nhỏ (khoảng 10%) các trẻ tự kỷ có những đặc tính phi thường. Ví dụ như là nhớ được danh bạ điện thoại, tính nhẩm những con số lên tới hàng triệu, xếp những mảnh ghép hình lên tới hàng trăm, hoặc có những nét vẽ tuyệt đỉnh. Tuy nhiên, 90% trẻ tự kỷ không có những điểm này.
Lời đồn 5: Trong xã hội hiện đại số lượng trẻ tự kỷ tăng hơn nhiều lần
Sự thật: Theo thống kê của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ. Năm 1975, cứ 1,500 trẻ thì có 1 trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, cho đến năm 2016, chỉ trong 54 trẻ thì lại có 1 trẻ tự kỷ. (Bé trai có nguy cơ cao hơn gấp 4 lần bé gái).
Lời đồn 6: Trẻ tự kỷ vì cha mẹ quá bận rộn không quan tâm
Sự thật: Vào những năm 1950, có một giả sử rằng tự kỷ do cha mẹ thiếu quan tâm. Tuy nhiên, đó là sự sai lầm. Mặc dù các trẻ có chấn thương tâm lý và rối loạn gắn bó có những dấu hiệu khá giống với rối loạn Phổ tự kỷ. Việc cha mẹ không quan tâm không phải là nguyên nhân gây ra việc trẻ tự kỷ.
Lời đồn 7: Chích ngừa gây ra tự kỷ
Sự thật: Lời đồn này quá cũ và cũng quá sai lệch. Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chích ngừa gây ra tự kỷ. Năm 1998 nghiên cứu của bác sĩ Andrew Wakefield nói rằng chích ngừa MMR- (Quai bị – Sởi – Rubella) gây ra tự kỷ. Tuy nhiên, đây là kết quả hoàn toàn sai. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rõ rằng không có sự liên quan nào giữa chích ngừa và tự kỷ.
Lời đồn 8: Bệnh tự kỷ có thể chữa được
Sự thật: Tự kỷ không phải là bệnh. Cho đến nay vẫn chưa có một “liều thuốc” nào có thể chữa “bệnh”. Can thiệp hành vi – tâm lý, ngôn ngữ – giác quan dựa trên cơ sở khoa học là chìa khóa vàng. Không có can thiệp nào là quá trễ, càng sớm bao nhiêu thì càng tốt cho trẻ bấy nhiêu.
Dr. Mimi Thương là Tiến sĩ Tâm lý và Phát triển Nhi khoa. Cô là một trong những Chuyên gia Tâm lý hiếm hoi tại Hoa Kỳ thông thạo Việt ngữ trong việc chẩn đoán và điều trị.
Dr. Mimi Thương được chứng nhận bởi Học viện Sức khỏe Tâm lý Trẻ em và Gia đình tại California chứng nhận là Chuyên Gia Tâm Lý Nhi (IFECMHS) và được cấp giấy phép hành nghề tại tiểu bang California.
Cô sáng lập Trung Tâm Beautyful Hero với trụ sở tại miền Nam California và chi nhánh tại TPHCM. Beautyful Hero cung cấp dịch vụ Chẩn Đoán, Can Thiệp, Đào Tạo chuyên sâu trong lĩnh vực phát triển tâm lý nhi. Các dịch vụ sử dụng phương pháp đã được kiểm chứng lâm sàng về hiệu quả trong việc hỗ trợ phát triển ở trẻ và giảm tối đa sự căng thẳng của cha mẹ.