Xét về điều kiện tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là rất thuận lợi cho ngành sản xuất ngọc trai nước ngọt do diện tích mặt nước nhiều, chủng loại trai phong phú. Tuy nhiên, làm ngọc là nghề đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, nhiều vốn, nhiều rủi ro nên đến nay số cơ sở đưa được sản phẩm ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia… từ lâu đã có nhiều doanh nghiệp nổi tiếng nhờ cung cấp ngọc trai nước ngọt cho toàn cầu. Học theo mô hình đó, một số cơ sở nuôi trai lấy ngọc tại Việt Nam hiện cũng đã thành công bước đầu.
Trái ngọt sau hơn mười năm nghiên cứu
Xét về điều kiện tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là rất thuận lợi cho ngành sản xuất ngọc trai nước ngọt do diện tích mặt nước nhiều, chủng loại trai phong phú. Tuy nhiên, làm ngọc là nghề đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, nhiều vốn, nhiều rủi ro nên đến nay số cơ sở đưa được sản phẩm ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hai năm qua, Ninh Bình đã gây chú ý trong thị trường trang sức phía Bắc khi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh này kết hợp thành công với một doanh nghiệp địa phương và bắt đầu tạo được thương hiệu ngọc trai riêng.
Chủ doanh nghiệp đó – ông Đinh Văn Việt, xã Khánh Lợi (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) hiện sở hữu 3.000 hécta mặt nước nuôi trai, mỗi năm doanh thu từ ngọc đạt từ 3 tỉ đến 3,5 tỉ đồng.
Hiện tại, ông Đinh Văn Việt đang tiếp tục triển khai chuỗi cửa hàng, xây dựng làng nghề và biểu diễn quy trình kỹ thuật cho khách du lịch. Mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp này là xuất khẩu ngọc ra nước ngoài.
Để có được thành quả trên, Đinh Văn Việt đã mất hơn mười năm đeo đuổi công việc nghiên cứu, thử nghiệm và nhiều lần phá sản mất trắng.
Khởi đầu của ông là vốn tiếng Nhật thông thạo cùng những lần hỗ trợ các chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu nuôi trai lấy ngọc tại Hạ Long. Năm 2012, việc tự đứng ra làm ngọc tại Hạ Long thất bại, ông trở về Ninh Bình.
Trong lúc đi bộ dọc đê sông Đáy, nhìn cảnh người bán trai lấy ruột, bỏ vỏ, Đinh Văn Việt cảm thấy lãng phí và quyết định mua 1 tấn trai để tiếp tục thử nghiệm cấy ghép.
Thời điểm này ông cũng tìm ra được bốn loài trai nước ngọt ở Ninh Bình phù hợp với việc làm ngọc. Từ 1 tấn trai thu mua của người dân và nhân cấy được mua từ Công ty cổ phần ngọc trai Việt Nam, Đinh Văn Việt tiến hành triển khai cấy ghép ngọc trai dựa trên phương pháp ghép nhân và mô tế bào vào màng áo của trai cấy.
Ngoài ra, để tạo sự phong phú và đa dạng thêm về hình dáng sản phẩm, ông đã triển khai thử nghiệm với phương pháp cấy phôi.
Đầu năm 2014 Đinh Văn Việt gửi mẫu ngọc thành phẩm sang Công ty Inoue Hanzu (Nhật Bản) để phân tích, kiểm định về chất lượng.
Sản phẩm được các chuyên gia Nhật đánh giá cao thông qua năm tiêu chí về độ dày, hình dạng, màu sắc, độ bóng và độ sáng. Một số đối tác của Nhật đã hỗ trợ doanh nghiệp ông về kiến thức và các điều kiện về vật chất để doanh nghiệp phát triển được.
Hiện nay, Đinh Văn Việt là người duy nhất trên thế giới có thể cấy đến 40 viên nhân ngọc vào cơ thể một con trai mà đảm bảo con trai vẫn có thể sống bình thường.
Những chuyên gia tại Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng không dám mạo hiểm cấy ghép hai viên nhân ngọc vào cơ trai, bởi nếu trích vết mổ chỉ sai một li con trai cũng sẽ chết ngay.
Sau mười mấy năm dày công thí nghiệm, ông đã tìm được những vị trí thích hợp và mổ cấy ghép thành công nhân ngọc trai kích thước 10mm, với tỷ lệ trai mẹ sống lên tới 70%.
Sau khi nuôi từ một năm rưỡi đến hai năm, một viên ngọc có thể được bán với giá gần cả triệu đồng. Những viên ngọc màu sắc đẹp kích thước từ 15mm trở lên có mức giá lên đến 7-8 triệu đồng.
Thị trường đang mở rộng
Ngoài làm ngọc, Đinh Văn Việt cũng thành công trong thí nghiệm cấy ghép và mạ ngọc được vỏ một con ốc nón có đường kính 5cm, dài 7cm trong cơ thể một con trai. Kỹ thuật này đã mang đến cho ngành thủ công mỹ nghệ một mặt hàng mới đang được ưa chuộng hiện nay.
Bên cạnh các bức tượng cỡ ngón tay được mạ ngọc bán khá chạy, một công ty thời trang chuyên may áo dài đã đặt hàng ông khoảng 20.000 món trang sức nhỏ mạ ngọc trai chuyên đính trên các bộ trang phục cao cấp.
Cuối năm 2016, Đinh Văn Việt được Chính phủ Bangladesh mời sang tư vấn cho chương trình nuôi cấy ngọc trai. Sau chuyến đi, Viện Nghiên cứu thủy sản nước này ngỏ ý mua lại toàn bộ công nghệ nuôi cấy ngọc trai nước ngọt của ông với giá 4 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Đinh Văn Việt chỉ đồng ý chuyển giao về lý thuyết với giá 1,2 tỉ đồng. Thời gian qua doanh nghiệp của ông đã kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình trong việc hoàn thiện đề tài nghiên cứu.
Sau khi quy trình kỹ thuật hoàn thiện, doanh nghiệp ông sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay việc tiếp nhận công nghệ nuôi trai lấy ngọc cũng đã đạt kết quả bước đầu. Sau thời gian học hỏi từ mô hình ngọc trai Ninh Bình, anh Trương Đình Tùng (thôn Dạo Lưới, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã nuôi trai nước ngọt thành công tại ao nhà cạnh hồ Suối Nứa, nơi có nguồn nước trong mát quanh năm cùng nguồn trai dồi dào.
Ngay từ đầu, Trương Đình Tùng mạnh dạn nuôi mười ngàn con trai và nhập viên nhân ngọc được làm bằng chính vỏ trai từ nước ngoài về để tiến hành cấy ghép. Thực hiện xong, trai được thả vào trong bể chứa và theo dõi chừng hai ngày.
Sau đó, trai được đựng cố định trong túi lưới và treo xuống ao. Cách làm này giúp trai không bị lệch thì hạt ngọc mới tròn, đồng thời tảo và các sinh vật phù du sẽ bám vào lưới nhiều hơn, tạo thức ăn đa dạng cho trai. Sau hai năm, nhân ngọc đã cấy sẽ được phủ thêm những lớp ngọc mới và tăng dần kích thước, màu sắc sáng bóng.
Sau hơn một năm nuôi thả trai, Trương Đình Tùng bắt đầu tiếp khách tham quan và tiến hành mổ trai lấy ngọc cho khách xem trực tiếp. Anh ước tính với khoảng mười ngàn con trai, đến cuối năm sau sẽ thu được chừng 20 ngàn hạt ngọc giá bán bình quân 200-500 nghìn đồng/viên, lợi nhuận có thể lên đến hàng tỉ đồng.
Thời gian tới, Trương Đình Tùng đang lai tạo để tạo ra ngọc có màu đen – sản phẩm đang được ưa chuộng và giá bán cao trên thị trường ngọc trai.