Nghị định PPP là một cơ hội mới cho các nhà đầu tư, Quy định cho phép các nhà đầu tư có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án cũng là một nút “mở” cho các nhà đầu tư yên tâm chọn các dự án PPP để đầu tư.
Hình thức đối tác công tư PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định về Đầu tư theo đối tác công tư.
Điểm đặc biệt, tại Nghị định này, Chính phủ quy định rõ ràng, cụ thể về các mô hình hợp đồng dự án PPP, tiêu chí lựa chọn dự án, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục triển khai dự án, cũng như cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước để tham gia hoặc hỗ trợ thực hiện dự án…
Tuy thế, Chính phủ cũng đã có hướng mở cho các nhà đầu tư, khi quy định Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án cho bên cho vay hoặc nhà đầu tư khác nếu việc chuyển nhượng đó không ảnh hưởng đến mục tiêu, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án và phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư vàcác điều kiện khác đã thỏa thuận tại hợp đồng dự án.
Đây là hướng mở, có thể xem như một ưu đãi cho nhà đầu tư, khi các yêu cầu về vốn đối với các nhà đầu tư vào các dự án PPP được quy định chặt chẽ hơn. Tại Nghị định lần này, đối với các nhà đầu tư, tiêu chí về vốn cũng được quy định rõ khi xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Đây là một điểm mới khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn. Mặc dù, khi xác định tham gia vào các dự án PPP, nguồn vốn các nhà đầu tư đã đủ mạnh, nhưng khi có cơ chế này, các nhà đầu tư sẽ còn yên tâm hơn nữa khi lựa chọn các dự án PPP để đầu tư.
Mới đây, việc xây dựng Cảng hàng không Long Thành lại lên bàn nghị sự tại kỳ họp Thường vụ Quốc Hội. Tuy chưa quyết có chính thức về việc đầu tư xây dựng và thời điểm nào để thích hợp đầu tư, nhưng điều chắc chắn là với tổng kinh phí đầu tư xây dựng lớn, Chính phủ đang tìm cách huy động nguồn vốn cho dự án này. Đây là công trình trọng điểm, cần thiết của Quốc gia
Những ngày gần đây thị trường đang “nóng” câu chuyện về việc Chính phủ bán dứt điểm quyền khai thác sảnh E sân bay quốc tế Nội Bài, bán một phần sân bay Cam Ranh, sân bay Đà Nẵng, Phú Quốc…cho các đơn vị khác khai thác. Đây là một phương thức đề tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án mới như CHK quốc tế Long Thành cũng như một số hạng mục ở các sân bay khác để phát triển cơ sở hạ tầng GTVT, trong đó có hạ tầng hàng không.
Bộ Giao thông vận tải đang chủ trương xã hội hoá đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không theo hình thức nhượng quyền khai thác, hoặc bán một số nhà ga hoặc cả sân bay. Mới đây nhất, Vietnam Airlines cũng đã bất ngờ đề xuất mua Nhà ga hành khách T1, Nội Bài. Xem thêm
Khi nguồn vốn các chủ đầu tư mạnh, Chính phủ cần huy động nguồn vốn này vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc xúc tiến hình thức đầu tư đối tác công tư PPP là một lựa chọn hợp lý nhất. Tuy thế, cũng cần có cơ chế, chính sách rõ ràng để các nhà đầu tư có thể yên tâm xúc tiến đầu tư vào các dự án PPP.
>>> Nghị định PPP: Vốn của nhà đầu tư không được thấp hơn 10% tổng vốn đầu tư dự án
Thanh Mai