Đối với nhiều thanh thiếu niên ở Ghana, tìm kiếm phế liệu tại một trong những bãi rác lớn nhất thế giới là công việc thường nhật sau giờ học.
Agbogbloshie là một cánh đồng mênh mông bị cháy xém, nằm ngay giữa thủ đô Accra, nước Cộng hoà Ghana (Tây Phi) với những đống gỉ sét và phế liệu. Hàng trăm người làm việc ở đây: đập phá, đốt cháy, bán hàng rong, ăn uống và đùa giỡn. Đây là nơi mà hàng nghìn tấn rác thải điện tử trên thế giới tập trung.
Bên bờ sông Odaw ở rìa Agbogbloshie, các nhóm thanh niên thường dùng lửa để đốt cháy lớp vỏ nhựa của dây cáp đồng cũ. Mặt đất xốp với những mảnh kim loại và nhựa cháy nhỏ li ti vẫn bốc khói sau khi đám cháy tắt từ lâu.
Chỉ trong 20 năm, một đầm lầy ngập mặn tươi tốt đã trở thành một trong những bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới.
Agbogbloshie là một trong những địa điểm buôn bán lớn nhất, dài hơn 1,6 km, nơi các thương nhân từ khắp Tây Phi đổ về. Họ buôn bán mọi thứ trên các xe tải, từ dứa, hành, gia súc đến phụ tùng xe hơi.
Trước kia, những gì không bán được – cà chua thối, cửa xe gỉ sét – đều bị thương nhân vứt xuống đầm lầy phía sau chợ, thu hút những người nhặt phế liệu và cả những nhà kinh doanh hiểu biết, những người có thể kiếm lời từ bất cứ thứ gì. Cứ như vậy, những thùng rác từ khắp nơi trên đất nước bắt đầu đổ về đây.
Có rất nhiều máy móc hạng nặng từ các dự án xây dựng địa phương, hàng trăm máy tính cá nhân bị hỏng và một núi tủ lạnh và tủ đông làm suy giảm tầng ozon. Chúng nhiều đến mức vào năm 2012, chính phủ nước này đã cấm tất cả hoạt động nhập khẩu tủ lạnh đã qua sử dụng nhưng không đem lại hiệu quả. Đây là lý do chỉ trong 20 năm, một cánh đồng ngập mặn tươi tốt đã trở thành một trong những bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới.
Có đến 80% các thiết bị điện tử và đồ gia dụng bị vứt bỏ trên khắp thế giới tập trung ở những bãi rác như Agbogbloshie. Một số nghiên cứu cho thấy, trung bình mỗi người Mỹ thải ra khoảng 30kg rác điện tử mỗi năm. Đây là những chất thải nguy hại và việc tái chế rất tốn kém.
Vì vậy, hàng trăm tấn chất thải này lặng lẽ biến mất dưới tay của các công ty tái chế hợp pháp, những người trung gian mờ ám và những người buôn bán rác chợ đen. Interpol cho biết cứ 3 container vận chuyển được kiểm tra thì có 1 container rời châu Âu đến các nước đang phát triển chứa đầy rác thải điện tử bất hợp pháp.
Phần lớn trong số đó kết thúc ở các bãi rác đô thị như Agbogbloshie. Chúng sẽ được xử lý bởi một lực lượng lao động gồm những thanh thiếu niên với ít công cụ, không có thiết bị an toàn và không được đào tạo, sau đó được đưa trở lại nền kinh tế toàn cầu. Khi giá cả hàng hóa tốt, các công ty Trung Quốc thu mua khá nhiêu thứ, giúp những người buôn bán phế liệu kiếm được một khoản lời. Nhưng hậu quả là tình trạng thiếu hụt khiến chính phủ buộc phải cấm xuất khẩu sắt thép phế liệu.
Nhưng bây giờ giá cả hàng hóa đang ở mức cao, vì vậy mọi người ở Agbogbloshie đang trở nên chi li hơn trong tính toán.
Kwesi – cậu bé 14 tuổi chuyên đi nhặt phế liệu ở đây – giải thích về hệ thống phân cấp tại Agbogbloshie. Đồng có mức giá tốt nhất là 7 cedi/pound, sau đó là đồng thau, rồi tiếp đến nhôm, với mức giá chỉ 2 cedi/pound, tương đương khoảng 14 nghìn đồng. Loại phế liệu ít sinh lợi nhất ở đây là sắt, thứ gần như không có giá trị gì.
Những thứ khác sẽ được mang về “căn cứ” của họ. Đó là một nhà kho bằng gỗ sơn màu xanh lá cây, ở đây, một người buôn bán phế liệu tên là Francis thường mua tất cả những phế liệu khác rẻ hơn mà các cậu bé nhặt được.
Những mối nguy hiểm có ở khắp nơi trên cách đồng Agbogbloshie. Rác thải điện tử làm rò rỉ chì, thủy ngân, asen, kẽm và chất chống cháy. Những chất này được tìm thấy trong không khí, nước và thậm chí trên trái cây và rau quả ở chợ với nồng độ độc hại. Các nhà vận động bảo vệ môi trường cũng cho biết nhiều cậu bé đã thu gom và đốt phế thải trong nhiều năm đang bị bệnh do phơi nhiễm và ảnh hưởng đến tính mạng.
Mỗi tuần hoặc lâu hơn, tùy theo thị trường, Francis gửi 1 chiếc xe tải chở khoảng 5 tấn phế liệu đến thành phố cảng Tema gần đó. Sau khi đến đó, phế liệu sẽ được cân, phân tách bằng máy móc và trở lại thành hàng hóa hữu ích. Hiện tại, Francis nhận được khoảng 710 cedi (khoảng 5.300.000 đồng) cho mỗi xe tải.
Hiện nay, nhiều dự án xây dựng đang bị đình trệ, vì vậy không ai muốn mua những thanh sắt và tấm lợp kim loại sản xuất tại địa phương vốn là nguồn sống của những người buôn bán phế liệu như Francis.
Nguồn: Theatlantic.com