Một thành phố đầy ôtô tự lái di chuyển liên tục có thể không phải là một nơi yên bình và dễ chịu như Musk hình dung, mà thay vào đó là một thành phố thường xuyên tắc nghẽn và khó chịu.
Ngay cả khi Musk đạt được mục tiêu đầy tham vọng về xe tự lái, xây dựng một thành phố chỉ toàn các phương tiện này không phải là chuyện dễ dàng. Ảnh: Bloomberg. |
Tại sự kiện ra mắt chiếc Tesla Cybercab tự lái mới đây, Elon Musk đã tiết lộ tầm nhìn đầy tham vọng của mình: chuyển đổi các thành phố bằng cuộc cách mạng robotaxi. Song, các chuyên gia cho rằng kế hoạch này sẽ gặp không ít trở ngại.
Khó thuyết phục người dùng đi chung xe tự lái
Theo Wired, tại sự kiện này, Tesla đã giới thiệu nguyên mẫu của Robovan, một chiếc xe buýt tự lái chở được 20 hành khách. Hình ảnh những chiếc xe bóng bẩy, hào nhoáng di chuyển quanh khu phố mà không có người lái, không vô lăng, không cần chờ đợi và không gặp cảnh kẹt xe, đã tạo ra một viễn cảnh tương lai lý tưởng về giao thông đô thị Tesla đang hướng đến.
Theo Musk, từ năm 2025, chủ sở hữu Tesla có thể chia sẻ xe của mình bằng cách kích hoạt chế độ tự lái khi không sử dụng. Đây là một dạng dịch vụ kết hợp giữa Uber và Airbnb. Chiếc xe có thể tự kiếm tiền khi chủ nhân bận rộn việc riêng.
Musk dự đoán xe tự lái sẽ giúp giảm nhu cầu về chỗ đậu xe, đồng thời đề xuất rằng các bãi đỗ xe có thể được chuyển thành không gian xanh. Ông dẫn chứng ví dụ về các sân vận động như Dodger hay SoFi tại Los Angeles. Đây là nơi thường bị kẹt xe và có diện tích bãi đỗ lớn. Chúng có thể được biến đổi thành công viên hoặc các khu vực sinh hoạt cộng đồng nếu không còn cần phải có chỗ đậu xe.
Một nguyên mẫu xe tự lái Cybercab của Tesla. Ảnh: Tesla. |
Tuy nhiên, bên cạnh các rào cản kỹ thuật liên quan đến công nghệ xe tự lái, Tesla còn đối mặt với một bài toán lớn hơn: làm sao để điều chỉnh hành vi người dùng và giải quyết các hệ quả sự tiện lợi này mang lại.
Adam Millard-Ball, giáo sư về quy hoạch đô thị và giám đốc Viện Nghiên cứu Giao thông tại UCLA, nhận định việc xe tự lái trở nên quá rẻ và quá tiện nghi có thể gây ra vấn đề lớn về giao thông.
Các nghiên cứu về Uber và Lyft tại Mỹ đã chỉ ra rằng thay vì giảm thiểu giao thông như hứa hẹn, sự xuất hiện của chúng đã làm gia tăng kẹt xe ở nhiều thành phố. Nói cách khác, xe robotaxi có thể là một con dao hai lưỡi.
Theo Millard-Ball, nếu dịch vụ này quá rẻ và tiện lợi, người dân có thể càng sử dụng nhiều hơn. Điều này sẽ kéo theo những hệ lụy tiêu cực về môi trường và sự phát triển bền vững của các đô thị.
Musk hình dung trong tương lai, bãi đỗ xe sẽ không còn cần thiết vì xe tự lái sẽ di chuyển liên tục, không cần đỗ lại. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi mạng lưới vận hành của xe tự lái phải rất hiệu quả, đồng nghĩa với việc người dùng phải sẵn lòng chia sẻ phương tiện của mình với người khác.
Vấn đề ở đây là nhiều người không hề thích chia sẻ phương tiện cá nhân. Theo Andreas Nienhaus, người đứng đầu Mobility Forum của công ty tư vấn quốc tế Oliver Wyman, nếu có thể lựa chọn, hầu hết vẫn muốn tự di chuyển trong một chiếc xe riêng, bất kể đó là xe tự lái hay không. “Chiếc xe vẫn mang giá trị tinh thần đối với nhiều người”, Nienhaus nhận xét.
Dù có những nền tảng giúp người dùng cho thuê xe khi không sử dụng, dịch vụ này vẫn chưa thể đạt được quy mô lớn như kỳ vọng. “Đó là chiếc xe của tôi. Tôi thấy khó chịu khi nó bị bẩn. Mọi người sẽ hơi do dự khi cho đi chiếc xe của mình”, Nienhaus nói với Wired.
Điều Elon Musk không thể làm được
Một cách để thuyết phục người dùng chia sẻ xe tự lái là tạo ra các chính sách công cộng khiến việc dùng chung trở nên hấp dẫn hơn. Đơn cử như chính sách định giá tắc nghẽn giao thông đã thành công tại các thành phố như London và Singapore. Cụ thể, tài xế sẽ phải trả thêm phí khi sử dụng một số tuyến đường nhất định trong giờ cao điểm.
Điều này có thể thúc đẩy mọi người chia nhỏ phí bằng cách sử dụng chung một chiếc xe tự lái. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà Elon Musk có thể kiểm soát. Marlon Boarnet, giáo sư chính sách công tại Đại học Southern California và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Metrans, nhận định: “Một nhà sản xuất ôtô không phải là một thực thể chính sách”.
Tức là Tesla có thể sản xuất hàng loạt Cybercab, nhưng việc chuyển đổi toàn bộ hạ tầng đô thị để thích ứng với chúng sẽ cần sự hỗ trợ từ các nhà hoạch định chính sách.
Vấn đề của xe tự lái không chỉ nằm ở công nghệ hay hạ tầng, mà còn ở cách người dùng đón nhận dịch vụ dùng chung phương tiện. Ảnh: Bloomberg. |
Ngoài ra, để thực hiện ý tưởng này một cách hiệu quả, hệ thống phương tiện tự lái cũng phải có khả năng kết hợp người dùng một cách thông minh. Ngay cả những công ty như Uber và Lyft, vốn đã có sẵn nền tảng và dữ liệu người dùng, cũng chưa thực sự giải quyết được vấn đề này.
Các dịch vụ “đi chung” giá rẻ phần lớn đã biến mất sau đại dịch, do họ tập trung vào mục tiêu sinh lời. Thực tế là có quá ít người cùng đi đến một địa điểm vào cùng một thời điểm để tạo ra một dịch vụ chia sẻ hoàn hảo.
Theo Wired, ngay cả khi Musk đạt được mục tiêu đầy tham vọng về xe tự lái, triển khai toàn bộ tại Texas và California vào năm tới, việc xây dựng một thành phố xoay quanh các phương tiện này không thể thực hiện ngay lập tức. Hạ tầng đô thị, từ đường sá, bãi đỗ xe đến các tòa nhà đều là những yếu tố rất “cố định”, tức là khó thay đổi.
Brian Jencek, giám đốc quy hoạch của công ty thiết kế và kiến trúc HOK, cho biết: “Khi chúng ta thay đổi cách thức di chuyển, chúng ta cũng thay đổi cả bản chất của thành phố”. Điều này có nghĩa là một khi đã điều chỉnh hạ tầng để phù hợp với xe tự lái của Tesla, những tác động của nó sẽ kéo dài rất lâu và khó thay đổi.
Elon Musk khi thiết kế Cybertruck: ‘Đừng trái ý tôi!’
Trong cuốn Tiểu sử Elon Musk, tác giả Walter Isaacson đưa người đọc đến những câu chuyện đằng sau vị tỷ phú phức tạp, như cách ông cùng lúc điều hành loạt doanh nghiệp Tesla, SpaceX và Twitter. Nguồn cảm hứng để thiết kế ra chiếc xe Cybertruck cũng được nhắc đến. Việc Elon Musk kiên định với thiết kế lạ lùng của mẫu xe bán tải, thậm chí đến mức cực đoan, cho thấy tính cách của vị tỷ phú.