Nằm trong lòng Hà Nội, có một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ 11 vào thời Lý.
Ngôi chùa cổ này chính là chùa Vạn Niên. Chùa Vạn Niên, một ngôi chùa cổ kính nằm ven bờ phía tây của Hồ Tây, được coi là một trong những ngôi chùa thiêng liêng nhất của kinh thành Thăng Long xưa (Hà Nội ngày nay).
Ngôi chùa cổ hơn 1.000 tuổi
Lịch sử ra đời
Theo Vnexpress, ngày nay, chùa Vạn Niên thuộc thôn Vệ Hồ, phường Xuân La, quận Tây Hồ, trên đường Lạc Long Quân. Đây không chỉ là nơi tôn kính và cầu nguyện, mà còn là một điểm đến hấp dẫn cho du khách và tín đồ.
Theo sử sách, chùa Vạn Niên khởi dựng vào năm Thuận Thiên thứ 2 triều Lý (1011), tức chỉ đúng một năm sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Thăng Long cổ tích khảo chép: “Chùa ở bờ tây hồ Tây, xưa gọi là chùa Vạn Tuế, nay gọi là Vạn Niên. Chùa thuộc địa phận ấp Quán La. Lý Thuận Thiên năm thứ năm (1014), Hữu nhai Tang thống tàu xin lập giới đàn tại đây, thụ giới cho các tăng đồ. Vua xuống chiếu ban cho. Bấy giờ danh tăng Lâm Tuệ Sinh, Thảo Đường thời Lý kế thừa trụ trì ở đây”.
Trước đây, chùa có tên là chùa Vạn Tuế, sau này mới được đổi tên thành chùa Vạn Niên và là một trong những ngôi chùa theo phái Mật Tông.
Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa
Theo báo Đại đoàn kết, tính đến thời điểm này, chùa Vạn Niên đã trải qua hơn 1.000 năm lịch sử. Dù ngôi chùa đã nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữa được nét cổ kính và độc đáo về kiến trúc.
Chùa thờ Phật và thờ Mẫu, gồm 5 gian, 3 gian bảo điện nối với nhau thành hình chữ “đinh”. Các nếp nhà được xây dựng hướng Đông theo bố cục mặt bằng gồm tam quan, chùa chính, điện mẫu, nhà tăng, nhà phụ.
Lần trùng tu lớn nhất của chùa là vào khoảng thế kỷ 19 dưới thời nhà Nguyễn. Do đó, chùa có nhiều nét đặc trưng của chùa chiền thời Nguyễn trong thiết kế của cổng tam quan, khu chùa chính, nhà Tăng và nhà phụ.
Cổng Tam quan chùa gồm có 2 cổng: một cổng chính ở phía bờ hồ Tây và một cổng phụ ở đường Lạc Long Quân. Cổng chính ban đầu được xây dựng từ bằng gạch, vôi, trên nóc chùa còn ba chữ triện đắp nổi “Vạn Niên tự”. Cổng phụ mới được xây dựng, được làm từ gỗ hoàn toàn.
Chùa chính thờ tụng bà chúa Liễu Hạnh. Tòa chùa chính gồm 5 gian với kiến trúc từ cửa, nền, tủ đến các ban thờ hầu như làm từ gỗ mới
Tạp chí Người Hà Nội thông tin, hiện nay chùa Vạn Niên còn bảo lưu khối kiến trúc vật chất và bộ sưu tập di vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật cao. Những di vật tiêu biểu của chùa gồm: những bức tường cổ của chùa chính được xây dựng bằng gạch vồ (vật liệu tiêu biểu thời Lý); bộ tượng tròn 46 pho (trong đó có 26 pho tượng Phật, 20 pho tượng Mẫu, tượng Tổ); hai quả chuông đồng niên đại thời Nguyễn, 11 đạo sắc phong thần và nhiều đồ thờ tự khác.
Đáng chú ý là trên quả chuông đồng của chùa được đúc vào đời Gia Long (trị vì 1802-1820) có bài ký cho biết chùa Vạn Niên là một di tích cổ có quy mô bề thế, một danh lam cổ tích lớn ở phía Tây kinh đô Thăng Long. Từ nhiều năm nay di tích luôn được trân trọng, gìn giữ, tu bổ tôn tạo ngày một khang trang.
Chùa được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996.
Đặc biệt, năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chùa Vạn Niên làm lễ an vị, khánh thành Điện Phật Ngọc. Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được tạc bằng khối ngọc phỉ thúy tự nhiên quý hiếm nguyên khối từ Myanmar có chiều cao gần 1,5m, nặng gần 600kg. Pho tượng Phật bằng ngọc quý thiêng liêng được xem là báu vật quý hiếm ở Việt Nam.
Chùa Vạn Niên giữ được nét đẹp cổ kính và độc đáo về văn hóa kiến trúc xen giữa lòng thủ đô hiện đại và phát triển. Khi bước vào khuôn viên chùa, bạn sẽ cảm nhận được không khí thanh tịnh, thoáng đãng, và cảnh quan xanh mướt. Chùa Vạn Niên không chỉ là nơi tôn kính, mà còn là một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá văn hóa và tâm linh của nhiều người. Hãy ghé thăm và cảm nhận sự thanh tịnh tại ngôi chùa này!
Tổng hợp