Ngủ bao nhiêu tiếng/ngày là tốt cho sức khỏe nhất, có phải 8 tiếng như nhiều người vẫn nghĩ không? Thật ra, đáp án mà các nhà khoa học đưa ra lại hoàn toàn khác.
Chúng ta đã nghe rất nhiều thông tin về đồng hồ sinh học và vai trò quan trọng của chu kỳ giấc ngủ đối với sức khỏe. Thông thường, mọi người nghĩ rằng ngủ khoảng từ 7 – 8 tiếng/ngày là đủ, nhưng điều này là không đúng cho một số độ tuổi.
Ngủ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Không có gì tuyệt vời hơn việc được nằm trên giường, ngủ một giấc thật sâu sau ngày làm việc chăm chỉ và mệt mỏi.
Giấc ngủ lành mạnh thật sự rất quan trọng vì giúp chúng ta phục hồi sức khỏe lại nhanh hơn. Tuy nhiên, con người ở mỗi giai đoạn cuộc đời lại cần một thời gian nhất định. Vậy con số chính xác là bao nhiêu?
Nhiều người trong chúng ta có xu hướng ngủ nướng vào ngày cuối tuần, còn trong tuần thì thức đêm để “cày” phim, chơi facebook hoặc làm việc. Thói quen này hoàn toàn không tốt.
Đầu tiên là giấc ngủ bị tước đoạt sẽ mang ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của bạn trong tương lai.
Thứ hai là tình trạng thiếu ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Không ngủ đủ giấc làm suy giảm hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh như:
– Kiệt sức
– Trầm cảm
– Thay đổi chức năng hormone
– Bệnh tim mạch
– Thị giác suy giảm
– Tiểu đường
Ngoài ra, giấc ngủ kém chất lượng còn ảnh hưởng tới cơ thể và dung nhan. Bạn sẽ đối mặt với nguy cơ bị tăng cân, xuất hiện bọng mắt, trở nên xanh xao và da xấu hơn. Việc thiếu ngủ cũng dẫn đến thiếu tập trung trong công việc, giảm hiệu quả công việc và lão hóa sớm.
Tuổi tác và giấc ngủ
Tuổi tác không chỉ ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài mà còn có tác động chức năng cơ thể. Các nhà khoa học đã thiết lập mối liên hệ giữa tuổi tác và số giờ cần thiết để bạn có thể sở hữu một giấc ngủ ngon.
0-3 tháng tuổi: 14-17 tiếng
4-11 tháng tuổi: 12-15 tiếng
1-2 tuổi: 11-14 tiếng
3-5 tuổi: 10-13 tiếng
6-13 tuổi: 9-11 tiếng
14-17 tuổi: 8-10 tiếng
18-25 tuổi: 7-9 tiếng
26-64 tuổi: 7-9 tiếng
Trên 65 tuổi: 7-8 tiếng
Càng lớn tuổi, con người càng ngủ ít đi và số giờ cần ngủ để phục hồi sức khỏe càng giảm. Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi cần ngủ nhiều nhất. Trẻ em dưới 18 tuổi nên ngủ hơn 8 tiếng/đêm.
Càng về sau, nhu cầu về giấc ngủ càng giảm và chỉ thay đổi hoàn toàn khi bạn bắt đầu bước sang độ tuổi 65. Nhưng đừng quên rằng mỗi người sẽ có những nhu cầu cá nhân riêng, điều này khiến cho con số này cũng bị thay đổi.
Cải thiện giấc ngủ
Điều quan trọng nhất mà bạn cần để tâm đến là chất lượng và thời gian ngủ trong một ngày. Một giấc ngủ kém chất lượng sẽ dẫn đến sự suy giảm về sức khỏe. Bạn có thể sử dụng một số mẹo sau để ngủ đủ giấc và cảm thấy khỏe khoắn hơn.
– Tách riêng biệt giấc ngủ ngày và giấc ngủ đêm. Bạn cần nhớ là sẽ tốt hơn khi thức suốt cả ngày và ngủ vào ban đêm. Nếu phá vỡ quy trình này, bạn có thể sẽ gặp vấn đề về giấc ngủ.
– Đi ngủ và thức dậy vào cùng một lúc hàng ngày
– Không uống những thứ có hại cho sức khỏe trước khi lên giường. Đừng ăn quá nhiều trước khi đi ngủ.
– Tạo một bầu không khí ấm cúng và thoải mái trong phòng ngủ
– Chọn một chiếc giường thoải mái và bộ ga gối đệm chất lượng
– Đi bộ ngoài trời trước giờ ngủ sẽ giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh và sâu hơn
– Cố gắng không sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ và tắt các đèn điện vào ban đêm
– Chú ý đến các hoạt động thể chất và kỹ thuật thư giãn.
Ngủ đủ giấc không hề khó. Bạn có thể cải thiện giấc ngủ cùa bản thân bằng cách thực hiện những thói quen cơ bản này, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và khỏe mạnh.
* Theo Brightside