Nhiều người luôn nghĩ rằng, thức ăn dầu mỡ sẽ gây béo phì, mỡ máu, tăng đường huyết và nhiều vấn đề sức khỏe khác, nên chỉ lựa chọn sử dụng thức ăn hấp luộc. Tuy nhiên, loại bỏ hoàn toàn thức ăn có dầu mỡ ra khỏi khẩu phần ăn có đúng không?
Ăn dầu mỡ và không ăn dầu mỡ có ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe và tuổi thọ?
Theo bác sĩ Janice Bissex, chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu tại Hoa Kỳ, chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp axit béo thiết yếu cho sức khỏe. Axit béo omega-3 đặc biệt là có lợi cho tim mạch, cũng là một thành phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng.
Chuyên gia này cho biết, việc giảm lượng chất béo từ bữa ăn có thể gây hại cho tim mạch và sức khỏe tổng thể. Vì chất béo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cấu trúc của màng tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh và nhiều hormone quan trọng, mà còn là dung môi quan trọng hòa tan các loại vitamin A, D, E, K cần thiết cho cơ thể. Trong đó, vitamin A hỗ trợ nhiều khía cạnh của sức khỏe như tăng trưởng, hệ miễn dịch và thị lực. Vitamin E có vai trò chống oxi hóa, giúp chậm quá trình lão hóa và hỗ trợ quá trình sinh sản. Vitamin K là yếu tố quan trọng trong quá trình đông máu, còn vitamin D đóng vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao, xương và sức khỏe răng.
Bác sĩ nhấn mạnh rằng, khi cơ thể thiếu chất béo, khả năng hấp thụ các loại vitamin này giảm, gây ảnh hưởng đáng kể đến nhiều cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh. Đối với trẻ em, điều này có thể dẫn đến chậm tăng trưởng, thiếu dinh dưỡng và kém tập trung. Người lớn có thể phải đối mặt với các vấn đề như đau nhức xương, loãng xương, thị lực suy giảm, giảm sức đề kháng và giảm tuổi thọ.
Trong lĩnh vực dinh dưỡng, chất béo không chỉ đóng vai trò quan trọng như nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể, mà còn gấp đôi so với protein và chất đường bột. Mỗi gram lipid tạo ra 9 kcal, trong khi 1 gram protein (đạm) và 1 gram carbohydrate (đường bột) chỉ cung cấp 4 kcal, giúp chất béo tạo nên cảm giác no lâu.
Sử dụng chất béo như thế nào để có lợi cho tuổi thọ?
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng chỉ ra, trong khẩu phần dinh dưỡng của người trưởng thành, khoảng 20-25% năng lượng nên đến từ chất béo. Đối với trẻ nhỏ, nhu cầu này có thể tăng lên, thậm chí đạt đến 40-60% nếu độ tuổi dưới 6 tháng. Cần lưu ý rằng đối với trẻ nhỏ, tỉ lệ chất béo động vật không nên vượt quá 70% tổng số chất béo trong khẩu phần ăn.
Thay vì áp đặt việc loại bỏ chất béo “một cách máy móc”, chúng ta cần trang bị kiến thức để có thể chủ động thay thế nguồn chất béo có hại bằng chất béo có lợi thông qua lựa chọn thực phẩm. Một số gợi ý cụ thể là hạn chế sử dụng chất béo có hại từ nội tạng và mỡ động vật. Đồng thời, loại bỏ “lối sống công nghiệp” bằng cách giảm thức ăn nhanh và đồ đóng hộp cũng được khuyến khích.
Thay vào đó, nên tăng cường nguồn cung chất béo có lợi từ các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3 như cá biển sâu (cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi…), rất tốt cho tim mạch. Đồng thời, các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương, hoặc chất béo có trong quả bơ, olive… cũng rất tốt cho sức khỏe, mà còn cung cấp cho cơ thể lượng protein chất lượng cao và bổ sung vitamin cũng như khoáng chất.
Khi chế biến với dầu thực vật, lưu ý không để nhiệt độ quá cao do nếu đun lâu ở nhiệt độ cao, các axit béo không no sẽ bị oxy hóa, làm mất tác dụng có ích với cơ thể, đồng thời tạo thành các sản phẩm trung gian có hại như peroxit, aldehyt… Lưu ý, không nên tái sử dụng dầu đã rán ở nhiệt độ cao.
Những điều sẽ xảy ra nếu bạn không ăn dầu mỡ lâu ngày
Suy giảm thị lực, tăng nguy cơ mù lòa
Một trong những chức năng quan trọng của mỡ là làm chất xúc tác, giúp hòa tan các khoáng chất. Thiếu hụt mỡ sau mỗi bữa ăn có thể đưa cơ thể vào tình trạng khó khăn trong việc hấp thụ vitamin A. Khi đó, hậu quả không chỉ dừng lại ở việc mắt khô hay giảm thị lực. Nguy cơ mắc chứng quáng gà và thậm chí bệnh thoái hóa giác mạc, có thể gây mù lòa, đe dọa đến sức khỏe toàn diện của bạn.
Nguy cơ còi xương, kém phát triển cả thể chất và sinh lý
Thiếu mỡ làm suy giảm khả năng hấp thụ vitamin D, từ đó gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như còi xương, mềm xương, và giảm khoáng hóa xương, đe dọa tình trạng sức khỏe của xương. Không chỉ dừng lại ở đó, thiếu mỡ cũng ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vitamin E, gây rối loạn trong quá trình phát triển cơ bắp, tạo điều kiện cho nhiều vấn đề về sinh lý.
Các chuyên gia từ Đại học Colombia (Mỹ) cảnh báo rằng thiếu mỡ có thể tác động tiêu cực đến vai trò của các nội tiết tố, đặc biệt là estrogen ở phụ nữ và testosterone ở nam giới. Do đó, phụ nữ có thể bị ảnh hưởng chu kỳ kinh nguyệt, đàn ông cũng ảnh hưởng tình trạng sinh lý và phát triển cơ bắp.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Việc không tiêu thụ đủ lượng mỡ có thể dẫn đến khả năng hấp thụ vitamin K giảm sút. Vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa mạch máu. Nếu thiếu hụt trong thời gian dài, tế bào nội mô mạch máu có thể giảm chức năng, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch, gây nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực.
Ngoài ra, mỡ còn là nguồn cung cấp axit béo thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và ổn định cơ thể. Các axit béo này không thể tự tổng hợp và phải được bổ sung thông qua chế độ ăn uống.
Nghiên cứu mới từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng, Đại học Harvard, năm 2009, đã chỉ ra rằng việc loại bỏ mỡ khỏi chế độ ăn có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng axit béo omega-3, đặc biệt là nhóm axit alpha-linolenic. Đây được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy nhược cơ thể, có thể dẫn đến hậu quả nặng nề đến chết người.
(Tổng hợp)