Các sàn TMĐT lớn vừa đồng loạt tăng phí cố định trên nền tảng. Điều này có thể tác động đến giá bán sản phẩm và lợi nhuận của người bán.
Đầu tháng 7, Shopee thay đổi mức phí cố định trên sàn thêm 1%. Điều tương tự cũng được TikTok Shop, Lazada áp dụng ngay sau đó. Theo các chuyên gia, đây là xu hướng không thể tránh khỏi khi các start-up trong mảng TMĐT đã đổ rất nhiều tiền để tăng độ phủ, sức cạnh tranh, mở rộng thị phần.
Mức phí mới cập nhật của sàn sẽ phản ánh trực tiếp trên giá bán trung bình sản phẩm. Chủ shop cần tăng mức niêm yết để đảm bảo lợi nhuận.
Thêm 1% phí sàn
Từ 3/7, Shopee tăng phí thanh toán thêm 1%, thành 5%. Trong khi đó, phí cố định trên sàn vẫn giữ ở mức 4%. Như vậy, người bán trên nền tảng này mặc định phải chia sẻ 9% doanh thu. Ngoài việc tăng 1%, ưu đãi miễn phí cố định khi mua các gói Freeship (miễn phí vận chuyển) cũng không còn được áp dụng. Do vậy, tổng chênh lệch ở một số người bán có thể lên đến 5% tối đa.
Tuy nhiên khi tăng phí, Shopee cũng giảm giá các gói Freeship về mức 6% mỗi đơn hàng, nhưng không quá 50.000 đồng. Đây là thay đổi quan trọng khi các voucher liên quan đến giao vận đóng vai trò quan trọng trong việc bán online.
Thay đổi của Shopee thể hiện tham vọng thu hút thêm người bán mới, ở các nhóm hàng cồng kềnh.
Phí | Shopee | TikTok Shop | Lazada |
Phí cố định/Phí hoa hồng | 4% | 2% | 3,1% |
Phí giao dịch/ Phí xử lý đơn hàng | 5% | 5% | 5% |
Tổng phí | 9% | 7% | 8,1% |
Cụ thể, sàn này cũng ra mắt gói vận chuyển sản phẩm kích thước lớn cách đó không lâu. Với mặt hàng cồng kềnh, mức phí giao hàng dao động từ vài trăm đến cả triệu đồng. Đây là giới hạn khiến người bán đồ điện máy, nội thất… khó tiếp cận khách online. Tuy nhiên, gói voucher mới của sàn có thể hỗ trợ với chiết khấu tối đa đến một triệu đồng.
Sau khi Shopee nâng phí, đối thủ chính của họ tại Việt Nam cũng có động thái tương tự. Cụ thể, từ ngày 17/7, TikTok Shop tăng phí giao dịch lên 5% so với 4% trước đó. Phí hoa hồng cố định trên sàn này là 2%. Như vậy, tay chơi mới như TikTok Shop cũng đã có tổng doanh thu chia sẻ mỗi đơn hàng đạt 7%.
Tuy mức phí thấp hơn Shopee, lượng lớn tiếp cận trên sàn này đến từ hệ thống phân phối video. Chủ shop cần trả thêm tiền quảng cáo, booking (thuê) làm video, bố trí nhân sự phát trực tiếp bán hàng. Do vậy, chi phí cố định để bán trên sàn này cũng không thấp hơn đối thủ.
Sau TikTok Shop một ngày, Lazada cũng tăng phí xử lý đơn hàng của sàn lên mức gần 5%. Cộng thêm phí cố định khoảng 3,1%, người bán trên nền tảng này cần chia sẻ ít nhất 8,1% doanh thu cho chợ mạng.
Có phần “ăn chia” thấp hơn Shopee, nhưng các ưu đãi để thu hút khách hàng, chương trình quảng bá của Lazada không còn được đầu tư như trước. Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Metric cho thấy doanh thu trên sàn này đi xuống trong nửa đầu năm, trái ngược xu hướng ở Shopee, TikTok Shop.
Cộng vào giá bán
Trao đổi với Tri Thức – Znews, ông Đỗ Quang Huy, Thạc sĩ chuyên ngành TMĐT, cho rằng việc các sàn tăng phí là xu thế chung và sẽ chưa dừng lại. Vị này giải thích lý do là khoản đầu tư lớn được đổ vào để mở rộng thị trường, thu hút người bán và khách hàng trong nhiều năm qua.
Các sàn TMĐT trong nước đồng loạt tăng phí. Ảnh: Xuân Sang. |
“Ở cuộc chiến này, các nền tảng sẽ phải tiếp tục cạnh tranh khốc liệt. Trong đó, những chương trình giảm giá phải được đưa ra. Do vậy, tăng phí là cách đơn giản để cân đối thu chi”, ông Huy nói thêm.
Sau khi sàn nâng mức “ăn chia”, người bán buộc phải nâng giá sản phẩm. Ông Đỗ Quang Huy cho biết đây là cách đơn giản, phải làm để cân đối lợi nhuận. Đồng thời, nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh bởi hầu hết người bán trên sàn cũng phải làm điều tương tự.
Bên cạnh đó, một số chủ shop chuẩn bị trước, có thể giữ giá sản phẩm như niêm yết. “Tôi thường thiết lập giá theo quý, cộng thêm phần dự trù cho các biến động không kiểm soát được. Do vậy, việc sàn tăng 1-5% phí cũng chưa tác động quá nhiều”, Công Hậu, người bán phụ kiện đa nền tảng nói với Znews.
Ngoài phí cố định, người bán trên các chợ mạng cần cân đối nhiều khoản bổ sung khác. Ví dụ, chủ shop phải tham gia vào chương trình Freeship, Voucher để tăng tỉ lệ “chốt đơn”. Các dịch vụ này đều được nền tảng tính tiền dựa trên doanh thu sản phẩm.
“Bán hàng online giờ không dễ khi mặt hàng nào cũng nhiều đối thủ, dễ bị sao chép. Khoản chi cho quảng cáo trên sàn, affiliate (tiếp thị liên kết) ngày càng tăng”, Thủy Tiên, chủ shop thời trang, đang kinh doanh ở Shopee và TikTok Shop chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều người bỏ quên, không tính đến phần thuế cần nộp khi cân đối thu chi. Khi chia sẻ với phóng viên vào năm 2022, một số chủ shop cho biết bản thân bị truy thu hàng trăm triệu đồng vì nộp chậm. Hiện tại, người bán hàng online khi có tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm cần nộp 1% thuế giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập.
Tổng cộng, mỗi cá nhân phải nộp 1,5% thuế tính trên doanh thu. Thêm các khoản cố định, gói freeship, quảng cáo, người bán phải cộng 13-15% chi phí vào giá mỗi sản phẩm bán trên sàn TMĐT để cân đối lợi nhuận.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.
Tình cảnh trái ngược của iPhone trên Shopee, TikTokSản phẩm Apple, đặc biệt là iPhone đóng góp phần doanh thu khổng lồ trên Shopee, Lazada. Tuy nhiên, tình hình lại trái ngược ở TikTok Shop. |
Tại sao ở nhà làm việc lại ‘tốn kém’ hơn?Xu hướng làm việc tại nhà đang thúc đẩy doanh số ngành bán hàng trực tuyến trị giá hàng tỷ USD. Không có sếp, đồng nghiệp ở bên cạnh, ai có thể ngăn cản bạn khỏi Shopee? |
Camera ngụy trang đồng hồ biến mất khỏi Shopee, Lazada sau vụ Châu BùiMặt hàng camera ẩn, máy ghi hình ngụy trang đồng loạt biến mất khỏi các sàn TMĐT lớn sau vụ việc người mẫu Châu Bùi bị quay lén trong nhà vệ sinh. |