Chỉ số sợ hãi trên thị trường tiền số giảm mạnh từ 50 về 41 điểm khi stablecoin lớn nhất thế giới USDT bị trượt giá, bán tháo.
Ngày 15/6, stablecoin USDT – đồng tiền số ổn định giá lớn nhất thế giới – trượt giá, gây lo lắng trên mạng xã hội. Trong thị trường tiền mã hóa, stablecoin luôn ổn định ở mức quy đổi 1:1 với USD. Việc stablecoin trượt giá (mất peg) tiềm ẩn nhiều rủi ro với người dùng. Cách đây một năm, stablecoin UST mất peg và dẫn đến cú sập lịch sử của Terraform Labs.
Theo Bloomberg, đợt trượt giá của USDT bắt đầu vào sáng 15/6. Từ một USD, stablecoin này giảm xuống còn 0,995 USD. Hiện USDT vẫn chưa lấy lại được peg. Dữ liệu từ Coinmarketcap tính đến sáng 17/6 cho thấy mỗi đồng này đang giao dịch ở vùng 0,999 USD.
Theo Bencrypto, tâm lý hoang mang của cộng đồng tiền số bắt đầu khi số dư của USDT trên Curve 3Pool – nơi chứa thanh khoản của ba stablecoin lớn nhất – vọt lên 72%. Mức lý tưởng của 3Pool là mỗi stablecoin USDT, USDC và DAI chiếm khoảng 33,33%. Số dư USDT tăng đột biến đồng nghĩa người dùng đang tìm cách đổi USDT của họ sang stablecoin khác, khiến 3Pool mất cân bằng nghiêm trọng.
Cùng ngày, nền tảng đo lường chỉ số Fear & Greed (Sợ hãi và Tham lam) của Alternative cho thấy nỗi sợ của người dùng với Bitcoin và các loại tiền số khác đã tăng lên, khi điểm giảm từ 50 xuống còn 41. Fear & Greed chấm theo thang từ 0 đến 100. Người dùng càng sợ hãi, chỉ số càng thấp. Thang điểm được cập nhật liên tục dựa trên nhiều tham số, như khối lượng giao dịch bị bán tháo, vốn hóa thị trường, khảo sát thực tế từ người tham gia, khảo sát từ Google Trends, các kênh truyền thông xã hội.
Theo nhà phân tích Tom Wan của 21Shares, đây không phải lần đầu tiên Curve 3Pool mất cân bằng. Lần cuối tỷ lệ một stablecoin trong 3Pool vượt trên 50% là tháng 11/2022, khi sàn giao dịch FTX sụp đổ. Tháng 5/2022, khi hai đồng Luna và UST gặp sự cố, tỷ lệ stablecoin trong 3Pool cũng biến động.
Paolo Ardoino, CTO Tether – công ty phát hành USDT, trấn an người dùng trên Twitter ngày 16/6: “Thị trường đang trong những tháng ngày khó khăn vô cùng. Đây là cơ hội tốt để kẻ xấu lợi dụng tâm lý bất an của người dùng. Nhưng chúng tôi sẵn sàng đón nhận các cuộc tấn công. Chúng tôi sẽ mua lại toàn bộ số USDT bị bán ra”. Bài viết này nhận được hơn 1,4 triệu lượt xem và 2,5 nghìn lượt thích.
Ardoino thừa nhận với The Block việc USDT mất peg là dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng đang lan rộng trong cộng đồng tiền mã hóa. “Tether là cửa ngõ cho thanh khoản chính của thị trường. Khi người dùng lạc quan với tiền số, dòng tiền sẽ đổ vào lớn. Khi tâm lý cộng đồng trở nên tiêu cực, dòng tiền sẽ chảy ra”, ông nói.
Ông cũng không loại trừ khả năng đang có một cuộc tấn công nhắm vào Tether. Nếu không đảm bảo nguồn tiền dự trữ minh bạch, cuộc khủng hoảng tương tự Terraform Labs của Do Kwon sẽ tái diễn.
Áp lực bán tháo USDT diễn ra vài ngày sau khi dự án đạt giá trị vốn hóa kỷ lục 83,2 tỷ USD. Dữ liệu từ CoinGecko cho thấy sau khi mất peg, USDT mất 278 triệu USD lưu thông trong vòng 24 giờ. Công ty phân tích chuỗi khối Kaiko cho biết tâm lý bất ổn của người dùng cũng khiến hàng loạt tiền điện tử khác bị bán trên các sàn giao dịch lớn như Coinbase, Gemini và Kraken.
Sau cú sập của FTX, USDT là dự án hiếm hoi phục hồi lại quy mô. Theo dữ liệu của Glassnode, USDT đang chiếm hơn 65% thị phần stablecoin. Trong khi đó, USDC, BUSD và DAI chiếm tương ứng 24%, 5% và 4%. Trong khi vốn hóa thị trường của USDT vượt 83 tỷ USD, stablecoin đứng vị trí thứ hai chỉ có vốn hóa 29 tỷ USD.
Tether được đánh giá là một trong những tổ chức phát hành token quan trọng nhất và là trụ cột của thị trường tiền mã hóa. USDT của họ được người chơi tiền số yêu thích vì tính ổn định cao, thanh khoản lớn. Tuy vậy, mối lo ngại lớn đối với Tether hiện tại là mỗi USDT có duy trì được mức hoán đổi ngang bằng với 1 USD tiền pháp định hay không, và nếu xảy ra tấn công, nguồn tiền dự trữ của họ có đủ để đảm bảo thanh khoản, cân bằng lệnh rút ồ ạt hay không. Nếu không, thảm họa Terra có thể một lần nữa phủ bóng thị trường.
Khương Nha